“Ô chàng trai đó ơi, em không biết được Lăm-tơi, múa đôn - tàn (điệu múa Lào). Nhưng đêm nay dưới trăng sáng, đôi ta biết nhau đây, lòng em theo tiếng khèn ca lên bài hát Lăm-tơi, anh ơi ! Tiếng suối reo như cùng hòa theo bao lời...”. Đó là lời bài ca mà tôi còn nhớ được đến bây giờ sau hơn 1/2 thế kỷ !
|
Điệu múa Lăm tơi – Lăm vong của các bạn Lào làm say đám biết bao chàng trai, cô gái người Việt. Ảnh: Anh Phong
|
Nhạc cụ hồi đó phổ biến chỉ có sáo trúc, harmonica, đàn ghi-ta, an-tô, băng-rô-lin, măng-đô-lin nhưng cũng rất xôm tụ, thỉnh thoảng các đội văn công có thêm violon, ac-cooc-đê-ông là “oách” lắm, trong chương trình biểu diễn thường có bài Lăm tơi và Hoa Chăm-pa (Cam pu chia). Rồi dần dần điệu múa “Lăm-vông” được phổ biến mỗi khi có bài hát Lăm-tơi và nhạc nổi lên trong buổi liên hoan văn nghệ nội bộ hoặc trong chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Hôm nào chương trình có bài Lăm-tơi liên quan đến Quốc khánh, Tết Lào, tình hữu nghị Việt-Lào... thì cuối buổi kết thúc bằng múa tập thể Lăm-tơi rất nhộn nhịp vui vẻ, giống như múa xòe hoa, múa sạp của Việt Nam trong các lễ hội dân gian truyền thống ở Tây Bắc, Việt Bắc.
... Từ những năm 80 của thế kỷ trước, tỉnh Bình-Trị-Thiên kết nghĩa với tỉnh Savanakhet (Lào). Tôi được vinh dự tháp tùng trong đoàn đại biểu của tỉnh sang thăm và làm việc tại tỉnh kết nghĩa này hai lần, trưởng đoàn đều là đ/c Vũ Thắng – nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thời kỳ đó và đ/c Phan Thắng – Trưởng ban K,C làm phó đoàn đi từ Huế qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) là đến thị trấn Sê-pôn của bạn, thường đoàn nghỉ lại đây 1 đêm vì đến Sê-pôn trời đã xế chiều. Buổi tối được bạn chiêu đãi cơm nếp (xôi) nấu trong ống bương ăn với thịt rừng, sau đó là múa Lăm-vông với bài Lăm-tơi. Lúc nào cũng vang lên tiếng cười vì đại biểu ta chưa quen động tác múa, ai cũng chú ý đến đồng chí trưởng đoàn lúng túng tay chân không nhịp nhàng nhưng thật vui.
Đường từ Sê-pôn đến Savanakhet khá xấu, nhiều ổ gà và đầy bụi. Hồi đó toàn đi xe “u-oát”, “com-măng-ca” của Liên Xô (cũ) lại càng nóng dữ dội và xóc. Vùng đất này chỉ có mùa nắng nóng và mùa mưa kéo dài. Đi một ngày đường khá vất vả, phải qua thị trấn Mường-phìn, Đồng-hến, Sê-lô mới đến được thị xã “Sa-vằng”. Bạn đón tiếp quá chu đáo, thân tình và trọng thị như anh em một nhà. Đoàn được bố trí ăn ở tại nhà khách của tỉnh, đầy đủ tiện nghi, vườn cây rộng.
Sau buổi chiêu đãi tối đầu tiên, đoàn đến là Lăm-vông. Bài nhạc Lăm-tơi nổi lên, tất cả đều hát theo và múa “...Đôi ta biết nhau đây, lòng em theo tiếng khèn, ca lên bài hát Lăm-tơi...”. Hình như sau mỗi buổi Lăm-vông với vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển thì tất cả chúng tôi giấc ngủ đến nhanh hơn và sâu hơn.
Những ngày làm việc của đoàn bàn về quan hệ hai tỉnh trôi qua rất nhanh, đoàn có buổi gặp mặt với bà con Việt kiều làm ăn, sinh sống ở đây qua nhiều thế hệ, tay bắt mặt mừng đúng như người đi xa mới về, những câu chuyện tâm tình thân mật, những gửi gắm chân tình về quê nhà không bao giờ dứt. Chúng tôi còn được đi tham quan một số thắng cảnh, bờ sông Sê-Kông nhìn sang bên kia là Thái Lan, được vãn cảnh chùa chiền một đất nước mà Phật giáo là quốc đạo. “Sa-vằng” là một thị xã không lớn, có nhiều nhà làm bằng gỗ như kiểu nhà sàn của ta. Việt kiều chủ yếu là người Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mở cửa hàng kinh doanh khá phổ biến như nhà hàng ăn, tạp hóa, xưởng mộc...
Đêm chia tay giã bạn, có lễ buộc chỉ cổ tay truyền thống chứng tỏ sự lưu luyến, mến khách cùng điệu múa Lăm-vông với các bài Lăm-tơi vang lên da diết, dìu dặt như muốn giữ chân chúng tôi lại như bài hát Việt “người ơi, người ở đừng về...”!
Tiếp nối quan hệ kết nghĩa Bình-Trị-Thiên – Savanakhet trước đây, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tình hữu nghị mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào nói chung, Thừa Thiên Huế - Savanakhet và với một số tỉnh khác nói riêng. Hàng năm vẫn có các đoàn đại biểu sang làm việc, thăm viếng để tăng cường sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau giữa địa phương có gần 90 km đường biên giới với nước bạn. Trong những năm qua Thừa Thiên Huế đón nhiều học sinh, sinh viên Lào sang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Mỗi lần có các lễ hội nước bạn, khai giảng, bế giảng khóa học đều có vũ điệu Lăm-vông và bài hát Lăm-tơi làm tăng thêm sự sinh động vui vẻ của không khí hội hè.
Năm nay là “Năm đoàn kết Việt Nam – Lào”, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước, do đó thỉnh thoảng các chương trình phát thanh truyền hình sau phần tin tức, phim tài liệu phóng sự thường có bài Lăm-tơi vang lên làm tôi nhớ lại một thời khúc ca Lăm-tơi đã đi vào lòng người như vậy!
Nguyễn Cương