ClockThứ Năm, 08/01/2015 15:45

Vẫn chỉ là khát khao thôi

TTH - Dường như, đó là cái thở dài đến lần thứ mấy rồi mà tôi nghe được từ một người bạn làm nghề “cầm cọ”. Chìm vào sáng tạo thì thôi, chứ khi dứt khỏi tác phẩm, đối diện với cuộc sống, nhất là đối với không gian để những đứa con tinh thần của mình hít thở, anh và nhiều đồng nghiệp của mình lại không khỏi chạnh lòng.

Thật ra thì so với trước, mỹ thuật nói chung và mỹ thuật Huế nói riêng đã được công chúng biết đến nhiều hơn. Điều này thể hiện qua sự cố gắng của các ban tổ chức, các nhóm, các triển lãm cá nhân, kể cả một vài triển lãm cộng đồng được tổ chức tại nhiều địa điểm trong lòng thành phố, hay vươn xa hơn về các trung tâm huyện thị trong các dịp lễ hội... Nhưng lại cũng có một sự thật khác nữa là, triển lãm xong mọi thứ lại đâu vào đó. Các tác phẩm đa phần lại khép nép trên các bức tường hay đứng thành đội hình ở đâu đó trong nhà/xưởng của các họa sĩ, hoặc lại lặng lẽ chờ đợi ở các gallery nào đó.

Tranh nghệ thuật có giá của nó. Và cho dù người ta có phần rụt rè khi chi một khoản tiền để chọn mua một tác phẩm mỹ thuật thì điều cơ bản vẫn ở chỗ, không có nhiều người thật sự cảm thấy có nhu cầu treo tranh trong không gian sống. Không biết có phải để tự an ủi và động viên hay không khi nêu vấn đề, nhưng bạn tôi cho rằng, đó cũng là điều hẳn nhiên thôi vì nhu cầu phải được xây dựng dựa trên sự yêu thích, đam mê hay chí ít cũng phải là cảm được, hiểu được. Nhưng tất cả những điều ấy cũng không phải tự nhiên mà có. Chúng phải được xây dựng dựa từ những bài học nhỏ ngay từ thuở ấu thơ, từ việc truyền cảm hứng trong những buổi tham quan các bảo tàng, nhà trưng bày nghệ thuật, các không gian điêu khắc đến những tìm hiểu, khám phá sâu hơn vào đời sống nghệ thuật; các buổi nói chuyện nào đó hay đơn thuần chỉ là một cuộc giao lưu tác giả, tác phẩm trước khi là một cuộc trao đổi sâu dưới dạng trò chuyện với giám tuyển, một seminar hay lớn hơn là một hội thảo khoa học...

Tất nhiên, nhu cầu thẩm mỹ ở khía cạnh này cần được đánh thức và cũng cần phải có lộ trình để đánh thức, cũng như định hướng thẩm mỹ cần được chuẩn bị tốt hơn để không chỉ mỹ thuật mà cả nghệ thuật nói chung nữa thật sự có đất sống. Tôi nhớ cái khát khao của bạn rằng, nếu ở các không gian cộng đồng nào cũng có tranh, chẳng hạn như ở nhà ga, sảnh chờ cảng hàng không, rạp chiếu bóng, trung tâm hội nghị... thì đời sống mỹ thuật đã khác hẳn và nhận ra, đó không hề là một khát khao bé nhỏ.

Bình Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top