ClockThứ Năm, 21/10/2010 04:35

Bảo tàng thiên nhiên, mục tiêu 3 trong 1

TTH - Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể hệ thống các bảo tàng thiên nhiên của Việt Nam đến 2020, tại Thừa Thiên Huế sẽ có một bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực: Bảo tàng Thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung. Thực hiện quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Thành lập và xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế” và trên cơ sở đề án đó, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Bảo tàng thiên nhiên.

Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới phân bố dọc theo dãy Trường Sơn, được Quỹ Bảo vệ Đời sống Hoang dã (WWF) đánh giá là một trong 200 vùng sinh cảnh toàn cầu theo phân hạng quốc tế. Qua điều tra và tổng hợp, đã ghi nhận được trong phạm vi Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng cộng 2.131 loài thực vật, 126 loài lưỡng cư, 336 loài bướm, 358 loài chim, 92 loài cá và 83 loài động vật có vú. Rừng thuộc tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế chủ yếu là rừng kín thường xanh lá rộng đất thấp nhiệt đới và rừng núi thấp ở các địa điểm có độ cao lớn hơn. Trong các loài thực vật và động vật có nhiều loài đặc hữu địa phương, đặc hữu hoặc gần đặc hữu, và một số loài được ghi nhận là mới đối với Việt Nam và thế giới. 

Dọc theo bờ biển các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung có 12 đầm, phá ven bờ nước lợ, trong đó tiêu biểu nhất là hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
 
Chính sự phong phú, đa dạng và điển hình của tự nhiên của các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung là lý do thúc đẩy nhà nước đưa khu vực này vào quy hoạch hệ thống các bảo tàng thiên nhiên quốc gia.
 
Bảo tàng Thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung tại Thừa Thiên Huế nhắm đến đồng thời 3 mục tiêu hay nói cách khác là đặt ra mục tiêu 3 trong 1. Trước hết bảo tàng là một thiết chế văn hóa hoàn toàn mới nhằm đến mục tiêu thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Bảo tàng thiên nhiên còn là một phòng thí nghiệm lớn về tự nhiên, nơi các nhà khoa học và sinh viên nghiên cứu, học tập, tham quan, sinh hoạt ngoại khóa. Bảo tàng thiên nhiên tại Huế sẽ là một điểm đến, một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới và độc đáo dành cho du khách cả trong nước và quốc tế.
 

Bảo tàng ở Gia Lai

Để đạt được mục tiêu trên, của bảo tàng thiên nhiên, những người xây dựng bảo tàng cần phải có thêm một chút lãng mạn. Hãy nghe cách đặt tên để hình dung về quy mô đầu tư, về lựa chọn địa điểm và dáng vẻ kiến trúc bên ngoài, về sự phong phú và hấp dẫn của nội dung trưng bày bên trong, về những thành tựu của khoa học và kỹ thuật hiện đại sẽ được ứng dụng trong xây dựng và hoạt động của bảo tàng: Nhà Trưng bày Trung tâm, vườn
Rừng mưa nhiệt đới và bể cá Thế giới thủy sinh đầm phá. Các bảo tàng thiên nhiên có tham vọng thu gọn thế giới tự nhiên vào một không gian hữu hạn. Nhưng thế giới tự nhiên lại cực kỳ phong phú và hết sức rộng lớn, nên muốn thu gọn kiểu gì thì quy mô về không gian cũng phải đủ để phản ánh một phần nào đó sự thật của tự nhiên. Vì vậy, việc tách bảo tàng thành 3 hợp phần độc lập có quy mô, chức năng hoạt động và đặc trưng kỹ thuật khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo tính nhất quán của hệ thống như trên là phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Thừa Thiên Huế, và thể hiện được những đặc thù cơ bản của thế giới tự nhiên của khu vực duyên hải miền Trung. 
 
Nhà Trưng bày Trung tâm là nơi trưng bày tất cả các đối tượng tự nhiên của các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, trừ những đối tượng cần bảo tồn nguyên vị hoặc chuyển vị nhưng vẫn ở trạng thái tự nhiên, trong một hệ sinh thái gần như nguyên vẹn, mà điều kiện trong nhà khó thực hiện được, như các loài cây rừng trong hệ sinh thái rừng, các loài sinh vật thủy sinh trong hệ sinh thái đầm phá, các hang động đá vôi, các di sản địa chất Đi liền với các gian trưng bày là các phòng phân loại, giám định và chế tác mẫu vật, các kho bảo quản mẫu vật với các điều kiện kỹ thuật khác nhau.
 
Vườn Rừng mưa nhiệt đới là một vườn thực vật rừng, có chức năng giới thiệu với người tham quan một phần của hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới tiêu biểu của dãy Trường Sơn. Đến đây, khách tham quan sẽ cảm nhận được một phần sự đa dạng của hệ sinh thái rừng với các tầng, tán thực vật, các loài cây rừng phổ biến, cho gỗ hoặc cho hương liệu, dược liệu quý hiếm, các loài cây leo dài hàng cây số, được tận hưởng hương thơm của hoa rừng, vị ngọt của trái rừng Khó khăn lớn nhất cản trở ý tưởng xây dựng vườn Rừng mưa nhiệt đới là thời gian. Các cây rừng bản địa bao giờ cũng là các loài cây có tốc độ sinh trưởng chậm, nên để có thể hình thành vườn Rừng mưa nhiệt đới cũng mất ít nhất từ 15 đến 20 năm. Tất nhiên, nếu chúng ta có nguồn vốn lớn, với công nghệ và thiết bị tiên tiến, chúng ta có thể đào và chuyển cây lớn, nhiều tuổi từ rừng về. Nhưng nguồn vốn là một vấn đề lớn của bất kỳ dự án nào. Quy mô vườn Rừng mưa nhiệt đới càng lớn thì sự diễn tả hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới mà chúng ta mong muốn càng gần với tự nhiên. Vì vậy, diện tích tối thiểu của vườn là 20ha và tối đa là không hạn chế.
 

Một loài bướm ở Vườn Quốc gia Bạch Mã

Bể cá
Thế giới thủy sinh đầm phá là mô hình thu nhỏ, cố gắng mô tả một cách gần đúng hệ sinh thái đầm phá nhiệt đới ven bờ, một hệ sinh thái đặc thù của khu vực duyên hải miền Trung (các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Nam không có hệ sinh thái này). Hình dung một cách đơn giản nhất, bể cá Thế giới thủy sinh đầm phá là một bể cá nước lợ nửa tự nhiên. Vì điều kiện kỹ thuật, nó phải được xây dựng ở khu vực ven đầm phá. Nếu kỹ thuật cho phép, nó sẽ được xây dựng nửa chìm, nửa nổi ngay bên bờ đầm phá. Trong bể cá không chỉ có cá như tên gọi mà là cả một hệ sinh thái: các thảm cỏ thủy sinh, các loài phù du, giáp xác, thân mềm, cá Hiện tại, ở Việt Nam bể cá nước mặn lớn nhất được xây dựng từ thời thuộc Pháp ở Nha Trang, và hiện nay đang được khai thác hết sức có hiệu quả. Ngoài ra, còn có các bể cá nhỏ hơn ở công viên Đầm Sen, công viên Suối Tiên ở thành phố Hồ Chí Minh. Khó khăn lớn nhất của công trình bể cá Thế giới thủy sinh đầm phá là kỹ thuật xây dựng và công nghệ vận hành. Các nước phát triển gần chúng ta, như Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có công nghệ và kinh nghiệm xây dựng các bể cá loại này. Chắc chắn, trong quá trình xây dựng, từ giai đoạn hình thành ý tưởng thiết kế đến giai đoạn thi công và vận hành, khai thác công trình, chúng ta phải sử dụng tư vấn quốc tế.
 
 
Hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai là hệ thống các đầm, phá nối liền nhau từ Bắc đến Nam là phá Tam Giang, đầm Sam-Chuồn, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai, kéo dài khoảng 68km, bề rộng dao động từ 0,5km đến 11km, diện tích mặt nước rộng xấp xỉ 22 ngàn hecta.
 
 
Trình độ khoa học và công nghệ của thời đại và tư tưởng hội nhập bắt buộc chúng ta phải học hỏi từ những điều đầu tiên, nhỏ nhất để tiến kịp với thế giới. Điều này sẽ phải được thể hiện ngay trong khâu thiết kế các công trình của Bảo tàng. Nhà Trưng bày Trung tâm của bảo tàng phải vừa có ngôn ngữ kiến trúc của một thiết chế văn hóa-khoa học và công nghệ hiện đại với đầy đủ các công năng của một bảo tàng, vừa phải tạo được ấn tượng từ sự khác biệt của một điểm đến du lịch đặc biệt, có khả năng hấp dẫn được du khách đến với tự nhiên vốn lãng mạn và phong phú. Bể cá Thế giới thủy sinh đầm phá-một công trình đặc biệt của bảo tàng, phải được thiết kế đặc biệt, gắn với thiên nhiên đầm phá, và sử dụng các công nghệ hiện đại để xây dựng, tạo nên một điểm nhấn, một khởi đầu cho các tua du lịch sinh thái đầm phá vốn giàu tiềm năng, nhưng chưa được khai thác và phát huy...
 
Thành lập và xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung trước hết là nghiêm chỉnh triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể của Chính phủ về hệ thống bảo tàng thiên nhiên của Việt Nam ở khu vực duyên hải miền Trung, nơi có thiên nhiên đa dạng và điển hình. Nhưng, quan trọng hơn, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có thêm một thiết chế văn hóa độc đáo, một tổ chức khoa học và công nghệ tổng hợp, đồng thời là một điểm đến du lịch hấp dẫn góp phần vào mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc, trung tâm du lịch lớn, trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực.
 
 
Theo Quyết định 86/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, thì hệ thống bảo tàng thiên nhiên của Việt Nam bao gồm bảo tàng thiên nhiên cấp quốc gia, các bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực và các bảo tàng chuyên ngành. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đặt tại Hà Nội là bảo tàng cấp 1 hay bảo tàng cấp quốc gia. Bốn bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực hay các bảo tàng cấp 2: Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Tây Bắc đặt tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Duyên hải miền Trung đặt tại TP Huế; tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Tây Nguyên đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Nam Bộ đặt tại TP Hồ Chí Minh.
 

Đỗ Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top