ClockThứ Bảy, 18/05/2019 12:30

Thực hiện luật cũng có giá cao, thấp

TTH - Nền kinh tế thị trường với nguồn cung dồi dào ở hầu hết các mặt hàng và dịch vụ đã hạn chế rất nhiều điều này.

Yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng gây rối tại trạm thu phí Bắc Hải Vân100% phương tiện ở Lăng Cô được miễn, giảm phí khi qua Trạm thu phí Bắc Hải Vân

Nó cũng giống như một mặt hàng hoặc một dịch vụ nào đó, giá rẻ, hợp lý, chi phí thấp sẽ khuyến khích người ta sử dụng. Giá cả đắt đỏ người ta sẽ không sử dụng, hoặc người ta phải sử dụng, nếu không có lựa chọn nào khác. Trong trường hợp này, người sử dụng chịu thiệt thòi, ít nhất là về mặt giá. Nền kinh tế thị trường với nguồn cung dồi dào ở hầu hết các mặt hàng và dịch vụ đã hạn chế rất nhiều điều này. Nói cách khác, càng cạnh tranh, người mua càng có cơ hội mua giá rẻ, tức là có lợi.

Trạm thu phí Bắc Hải Vân thu phí cho hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (Phú Lộc)

Thế nhưng không phải mọi mặt hàng và dịch vụ đều như vậy. Ví dụ như điện, nước, không mua của EVN, các công ty cấp nước thì không biết mua của ai. Giao thông đi lại trên các con đường BOT, nếu không đi trên con đường đó thì có khi không biết đi đường nào… Đây là những trường hợp “chưa phải là thị trường cạnh tranh”. Người mua không hề biết giá như thế là hợp lý hay không mà chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào giá người bán đưa ra. Mà người bán đưa ra giá bao giờ họ cũng tìm mọi cách để có lợi, tức là giá cao.

Trường hợp giá điện tính cao mà truyền thông loan tin mới đây cũng như nhiều trạm BOT giao thông công khai thông tin lượt xe qua lại thấp hơn thực tế là một minh chứng bất cân xứng về thông tin cũng như quyền lợi. Chính vì thế cho nên trong nhiều trường hợp, Nhà nước phải can thiệp về giá. Nhưng thường, đây là những vấn đề phức tạp cho nên để chứng minh được các yếu tố cấu thành giá, mức độ chi phí… rất phức tạp nên tốn nhiều thời gian. Đợi đến khi minh bạch thì người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thường bị thiệt thòi.

Bất kỳ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nào muốn sản xuất, kinh doanh đều buộc phải tuân thủ pháp luật. Không biết các nước thế nào chứ ở Việt Nam ta, muốn tuân thủ pháp luật, có những lúc những nơi… phải trả một cái giá, mà theo một số nhà quản lý và phân tích kinh tế, dùng một thuật ngữ: “Chi phí tuân thủ pháp luật đắt đỏ”. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW trong một cuộc hội thảo gần đây cho biết, có đến 5 loại chi phí đè nặng lên doanh nghiệp, trong đó có chi phí cơ hội và không chính thức.

Chi phí tuân thủ pháp luật đắt đỏ, nghe “có vẻ lạ tai”? Nhưng thực tế đúng là vậy.

Lấy một ví dụ mà mọi người dễ nhận thấy nhất. Nếu ai đi trên QL1A sẽ thấy một điều, nhiều loại phương tiện giao thông đi lại đều phải qua các chốt kiểm soát giao thông đường bộ. Tỉnh nào cũng có các chốt này. Các chốt giao thông hình thành (thường là lưu động, lúc chỗ này, lúc chỗ khác) mục đích là để kiểm soát buộc các lái xe tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Riêng tiền để nuôi lực lượng này (lương, phụ cấp, phương tiện xe cộ, các thiết bị kỹ thuật…), tức là chi phí tuân thủ pháp luật là không ít; đó là chưa kể những vấn đề khác, chẳng hạn như chi phí không chính thức, hay gọi nôm na là chi phí tiêu cực (không ít trường hợp đã bị phát hiện).

Tôi đã có dịp đi một số nước ở khu vực Đông Nam Á, không biết họ kiểm soát bằng phương thức nào, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ra sao nhưng không thấy tình trạng cảnh sát giao thông kiểm soát nhiều như vậy. Như phân tích ở trên, rất có thể chi phí tuân thủ pháp luật ở các nước đó ít hơn ở ta. Theo thuật ngữ kinh tế là rẻ hơn.

Rất nhiều ví dụ khác cũng cho thấy chi phí tuân thủ pháp luật “đắt đỏ”. Muốn thực hiện một thủ tục thành lập doanh nghiệp, bây giờ thì tình hình cải thiện rất nhiều nhờ những nỗ lực cải cách hành chính, nhưng trước đây doanh nghiệp phải chi phí rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Làm thủ tục thực hiện một dự án cũng vậy, có khi còn phức tạp hơn, và không ít trường hợp mất cơ hội đầu tư kinh doanh. Ngay việc doanh nghiệp kiếm tiền ra rồi, nộp ngân sách cũng không phải dễ. Đã có thống kê trước đây doanh nghiệp chi phí thời gian cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế mất cả trăm giờ một năm…

Chi phí tuân thủ pháp luật cao là một gánh nặng cho chi phí doanh nghiệp là đúng rồi. Một khi đã như vậy thì nó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Và không ít trường hợp, người ta chấp nhận “lách luật” hoặc phạm luật. Tất cả những trường hợp nêu trên đều không tốt cho phát triển kinh tế và xã hội. Có khi đây là mảnh đất màu mỡ cho những tiêu cực phát sinh. Thậm chí, nếu kiểm soát không tốt thì nó được “cài cắm” vào các văn bản luật một cách “chính danh”, làm phát sinh chi phí nhiều hơn cho doanh nghiệp (tình trạng này thường gọi là giấy phép con).

Để chi phí tuân thủ pháp luật “rẻ” cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, không còn con đường nào khác là tạo ra những tiền đề tốt. Đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật; luật và các văn bản dưới luật phù hợp với thực tiễn để đối tượng được điều chỉnh dễ thực hiện, chấp hành. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường minh bạch thông tin. Hoàn thiện bộ máy hành chính và có những ràng buộc, chế tài để bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả. Tất cả những điều này, Chính phủ, các cấp chính quyền đã có những nỗ lực thực hiện và ngày càng được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, nhưng xem ra, nó chưa được cải cách nhanh như kỳ vọng. Cho nên, chi phí tuân thủ pháp luật vẫn còn “đắt đỏ”.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top