ClockThứ Năm, 21/06/2012 14:02

Tôi đi tác nghiệp

TTH - Tốt nghiệp đại học, tôi mơ ước được làm nghề báo, nhưng không có cơ duyên. "Rẽ" qua lối khác một chặng dài, nhưng mộng làm báo vẫn sống đâu đó trong thẳm sâu mơ ước. Thật may mắn, đến cuối năm 2009, sau 16 năm, những cánh cửa đã mở.

Vất vả “nỗi”… đường đi, đi đường

Một nỗi lo ám ảnh là tôi không biết đường. Bởi, công việc của tôi là chỉ ở cơ quan cũ ngồi ở cơ quan, chúi đầu vào đống hồ sơ tài liệu. Bây giờ, tôi nhận nhiệm vụ là phóng viên bạn đọc, phải theo “chân” đơn thư của người dân (bất cứ từ “xó xỉnh” nào trên địa bàn tỉnh) gửi đến báo, mà đi. Và thường những cuộc đi tác nghiệp chỉ “đơn độc” một mình một “ngựa”.
 

Tác giả trong một lần đi tác nghiệp ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc)

 
Vậy nên, cứ mỗi lần chuẩn bị chuyến đến xã, huyện “lạ” nào đó, y như rằng hôm trước tôi phải loay hoay… hỏi đường. May mắn ở chỗ, đồng nghiệp rất tận tình. Có người còn mang giấy ra vẽ sơ đồ chi tiết cho tôi, để tôi có thể lựa chọn: đường xa mà trơn tru hay đường ngắn hơn nhưng lại gồ ghề… Một lần đi tác nghiệp tại Điền Môn (Phong Điền), nghe đâu nếu muốn đi bằng đường ngắn nhất, tôi buộc phải qua quãng trống trải, vắng người (vốn dĩ tôi rất sợ…ma). Đi đường lớn, tôi phải “cày” thêm đâu chừng gần hai chục cây số. Đem nỗi phân vân hỏi hàng xóm (vợ chồng nhà nọ quê Điền Môn), anh chồng khuyên tôi nên đi ra chợ An Lỗ, qua Quảng Thái… là ngắn nhất. Mặt cô vợ nghiêm trọng: “Đi đường đó được không, vì có quãng rất vắng…” Anh chồng nạt vợ: “Có chi mà sợ. Người ta đi đầy đường. Nói bậy không à”. Nghe anh hàng xóm khẳng định như đinh đóng cột, tôi quyết định chọn đường qua Quảng Thái.
 
Vậy nhưng, khi đi rồi mới biết lời đồn là đúng. Đường qua Quảng Thái không chỉ vắng người mà còn rất nhiều bãi tha ma. Chẳng may cho tôi, hôm đó trời lại mưa, không gian càng rờn rợn. Tim đập thình thình như sắp rớt, tôi cắm đầu cắm cổ…chạy. Chiều, về đến cổng nhà, thấy mặt tôi nhợt nhạt, vợ chồng hàng xóm cười cười. Chị vợ: “Chị thấy em nói đúng không? Em nói thật để chỉ lường trước được hết mà tính”. Anh chồng: “Tui phải nói như vậy để chị yên tâm mà đi. Mà đã đi rồi là phải đi tiếp. Vậy mới được, phải không chị!”.
 
Được làm “ngân hàng”
 
Phóng viên bạn đọc, lần nào viết về những trường hợp thương tâm, cần giúp đỡ là lần đó trở trăn, mong ngóng, sao cho “người ta” nhận được thật nhiều chia sẻ động viên về tinh thần và vật chất. Tôi đã rất nhiều lần hạnh phúc, khóc vì xúc động trước tấm lòng nhân ái của nhiều bạn đọc dành cho những số phận kém may mắn mà Báo Thừa Thiên Huế thông tin. Như trường hợp một cháu bé ở Phú Lộc, phải điều trị bệnh viêm màng não tại Khoa Nhi Bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi báo đăng, bạn đọc chia sẻ, hỗ trợ cho cháu số tiền tổng cộng gần 15 triệu đồng.
 
Là người viết bài, tôi thường xuyên nhận điện thoại của mẹ cháu bé, thông tin tình trạng sức khoẻ cũng như những chia sẻ của những tấm lòng nhân ái. Một lần, nghe giọng chị có vẻ khẩn khoản, tôi liền chạy đến bệnh viện. Thì ra, chị có yêu cầu, nhờ tôi giữ giùm tiền, khi cần khoản chi nào chị sẽ “rút”. Chị nói: “số tiền lớn như vậy, để ở bệnh viện, em không yên tâm.” Lần khác, sau khi viết về trường hợp một cháu bé sinh non 7 tháng tuổi (cháu mới ra đời thì mẹ mất vì bệnh viêm màng não) mắc nhiều bệnh, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Nhiều bạn đọc gọi về số điện thoại cô của cháu bé (đăng trên báo) hỏi số tài khoản để chuyển tiền hỗ trợ.
 
Không có tài khoản ở ngân hàng, người phụ nữ trẻ này “mượn” số tài khoản của… nhà báo. Kiểm tra tài khoản, biết bạn đọc gửi hỗ trợ cháu bé số tiền 12 triệu đồng, tôi liền rút hết, tới bệnh viện. Do lo ngại mất mát, chính tôi lại được cô của bé nhờ giữ tiền.
 
Có một niềm vui len lỏi trong tâm hồn, bởi với họ tôi không phải là người xa lạ. Nếu không, tôi đâu có được làm “ngân hàng”, tạm thời giữ giúp những sẻ chia quý giá!

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Return to top