ClockThứ Năm, 17/03/2016 06:51
NHÀ SỬ HỌC, NHÀ NGHIÊN CỨU NGƯỜI ANH TIM DOLING:

Tôi sẽ kể những câu chuyện thú vị về Huế

TTH - Mong muốn giới thiệu nhiều thông tin về Huế cho du khách nước ngoài, nhà sử học, nhà nghiên cứu Tim Doling (quốc tịch Anh) đến Huế tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, các điểm đến để viết cuốn sách “Khám phá Huế” (Exploring Huế) do Nhà xuất bản Thế Giới phát hành. Ông đã dành cho Thừa Thiên Huế Cuối tuần cuộc trò chuyện thú vị.

* Điều gì khiến ông muốn viết sách về Huế? Ông bắt đầu dự án này như thế nào?

Tôi sống ở Việt Nam từ năm 1995. Vợ tôi là người Việt Nam, chúng tôi sống ở TP Hồ Chí Minh, đây cũng là quê hương thứ hai của tôi. Việt Nam có quá nhiều di tích và khách nước ngoài chưa có cơ hội đi tham quan. Tôi muốn giới thiệu vẻ đẹp, giá trị của nhiều vùng đất với du khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Huế là một trong số điểm đến đó. Chiều nay, tôi đến điện Hòn Chén và gặp hai du khách người Ý. Họ nói rằng, họ không có thông tin nên không biết gì, sách hướng dẫn bằng tiếng Ý họ mang theo không có Điện Hòn Chén. Tâm lý khách đi du lịch không có thông tin thì không thích lắm. Tôi tìm hiểu những câu chuyện xung quanh các di tích và giới thiệu trong sách.

Trước khi đến đây, tôi đã nghiên cứu nhiều thông tin trong sách, trên internet qua các trang web của Huế, tìm hiểu về các di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Sau đó đến đây với danh sách khu vực phải đi tham quan. Đây là chuyến đi đầu tiên đến Huế để phục vụ cho dự án viết sách “Khám phá Huế”. 

Ông Tim Doling nghiên cứu bản đồ để chỉ dẫn cụ thể cho người đọc trong cuốn sách

* Trong “Khám phá Huế”, ông sẽ giới thiệu những gì? Cuốn sách này có gì khác biệt so với những cuốn guide book ông viết trước đó?

Cuốn sách này nhằm hướng dẫn du khách nước ngoài tham quan Huế, nhất là những người đi du lịch một mình, không qua công ty du lịch nên tôi giới thiệu các tour đi bộ, tour đi xe đạp, xe gắn máy, ô tô. Sách mở đầu với những chương giới thiệu về lịch sử, văn hóa Huế và triều đình nhà Nguyễn, sau đó giới thiệu về khu vực xung quanh thành phố với Đại Nội, lăng tẩm. Đồng thời giới thiệu các tour đi bộ trong trung tâm TP Huế và một số tour tham quan các di tích khác bằng xe đạp, xe hơi như Cầu ngói Thanh Toàn, Tháp Chămpa Phú Diên, phố cổ Bao Vinh – Địa Linh, khu vực đường Chi Lăng, hệ thống các phủ, đình làng, nhà rường... Phía Bắc của Đại Nội có sông Ngự Hà cũng có thể tổ chức tour dọc sông này.

Với mỗi địa điểm, di tích, tôi sẽ tìm hiểu trong sách, tài liệu nghiên cứu và kể cho du khách những câu chuyện gắn liền với chúng. Có rất nhiều chủ đề, mỗi lĩnh vực có câu chuyện, thông tin khác nhau. Chẳng hạn đi vào chùa, đình làng thì người nước ngoài muốn biết ý nghĩa của tất cả các loại bàn thờ. Tôi sẽ giải thích rõ mỗi bàn thờ thờ ai. Viết về Đại Nội sẽ giới thiệu lịch sử của triều Nguyễn, kể về cuộc sống bên trong cung cấm. Hoặc với những tòa nhà Pháp ở Huế, tôi sẽ nghiên cứu lịch sử, sau đó phác thảo tour đi bộ, giới thiệu nhà này là nhà của ai, có câu chuyện gì thú vị. Với lăng chúa Nguyễn, tôi sẽ làm bản đồ chỉ cho mọi người biết lăng chúa ở đâu để có thể đi tham quan. Tôi sẵn sàng làm nhiều bản đồ vì muốn phục vụ những người không đi du lịch theo tour.

Cuốn sách này chắc chắn sẽ dày hơn những cuốn trước (cười). Huế có quá nhiều di tích giá trị. Tôi sẽ giới thiệu 90% những điểm mình đi khảo sát vào trong sách - những di tích quan trọng.

* Ông đã tham quan những điểm nào và cảm nhận như thế nào về di sản văn hóa Huế?

Tôi đã tham quan Huế vài lần, cách đây hơn 20 năm. Tôi thích Huế vì đây là thành phố rất đẹp, đẹp ngay cả khi trời mưa, đặc biệt kiến trúc ở Huế không như những nơi khác, nhất là kiến trúc triều Nguyễn. Người Huế rất dễ thương, không khí ở đây trong lành. Thích nhất là phong cảnh bên sông Hương, những ngôi làng ở ngoại ô thành phố rất yên tĩnh.

Huế có quá nhiều di tích lịch sử, ở khắp nơi. Tôi vừa viết xong sách khám phá Đà Nẵng và Hội An. Việc đó có lẽ không phức tạp bằng viết sách về Huế, vì văn hóa di sản ở đây rất phong phú, đa dạng, cũng hơi khó hiểu với người nước ngoài. Tôi đã đi qua những tòa nhà có kiến trúc Pháp, đến một số ngôi chùa, những nhà vườn, phủ đệ, đình làng quan trọng nhất, không thể tất cả vì quá nhiều (cười)… Huế có nhiều nhà vườn đẹp, những khu vườn xanh mướt, xum suê cây trái như vậy sẽ rất thú vị đối với người nước ngoài.

Tôi đã dành 2 ngày để đi tham quan lăng các chúa Nguyễn. Mọi người biết về lăng vua nhưng không ai biết về lăng của chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến các chúa sau này. Lăng của các vị chúa kiến trúc đơn giản hơn nhưng đối với du khách nước ngoài, đó sẽ là những điểm đến thú vị nếu chúng ta biết kể cho họ nghe những câu chuyện xung quanh chúng.

* Ông thấy Huế có nhiều thay đổi so với lần ông đến trước đây?

Huế bây giờ đẹp hơn nhiều, đổi khác rất nhiều nhưng tôi thấy chút tiếc nuối. Cách đây 20 năm, Huế có nhiều biệt thự Pháp nhưng bây giờ nhiều biệt thự trong số đó không còn, nhất là khu vực này (khu phố Tây-PV) trở thành khu vực du lịch, không nhận ra được, điều đó tốt nhưng tiếc là nhiều biệt thự Pháp đã bị phá hủy. 20 năm trước, nơi này giống như làng “im lặng”, giờ sôi động giống như khu du lịch ở Thái Lan. Đó cũng là sự phát triển tất yếu của thời gian. Tôi tiếc vì những tòa nhà Pháp là một trong những di tích thu hút khách nước ngoài tìm hiểu.

* Ông có chia sẻ gì về việc phát huy giá trị di sản ở Huế?

Di sản thu hút khách nước ngoài, chúng có giá trị kinh tế chứ không đơn thuần chỉ là giá trị văn hóa nếu biết cách khai thác. Việc bảo tồn và phát huy di sản vật thể có thể cung cấp lợi ích kinh tế cho thành phố. Chúng ta phải bảo vệ và bảo tồn các tòa nhà cũ có giá trị di sản, nghiên cứu lịch sử của chúng và xây dựng những câu chuyện xung quanh các tòa nhà này, bằng cách làm cho chúng là “di sản sống”, chứ không phải là “di sản chết”. Như vậy, chúng ta có thể biến chúng thành một công cụ để đổi mới những khu vực nghèo, bồi dưỡng ý thức cộng đồng, tăng cường đời sống văn hóa thông qua việc tái sử dụng các tòa nhà cũ như không gian văn hóa, và trên tất cả là việc khuyến khích du lịch văn hóa di sản (culture and heritage tourism).

Di sản có thể thu hút “khách du lịch văn hóa” thường là những người lớn tuổi đã về hưu, có trình độ văn hóa cao và kinh tế khá giả. Ở những nơi khác trên thế giới, nhiều bài nghiên cứu đã chỉ rằng “khách du lịch văn hóa” thường chi tiêu nhiều tiền vào các chuyến đi du lịch của họ, ở lại lâu hơn để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và tham gia vào các hoạt động nhiều hơn so với khách du lịch khác. Bằng cách bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản, tôi nghĩ thành phố này có thể kéo dài thời gian lưu trú trung bình của du khách nước ngoài và tăng thu nhập từ du lịch.

* Ông thấy du lịch ở đây như thế nào? Theo ông, du lịch Huế nên làm những gì nữa để quảng bá ra thế giới tốt hơn?

Tôi thấy môi trường du lịch ở đây sạch sẽ hơn những nơi khác. Huế phải có thông tin nhiều hơn để du khách tiếp cận. Ở các điểm tham quan cần phải có thông tin chi tiết. Rất nhiều di tích ở đây không có thông tin, bảng giới thiệu nên du khách khó khám phá. Cần phải làm nhiều việc để quảng bá cho du lịch Huế.

Sau khi tốt nghiệp đại học và học tiếp lên thạc sĩ về lịch sử tại xứ Wales, Tim Doling từng là giám đốc các nhà hát, trung tâm văn hóa tại Coleraine (Bắc Ireland), Horsham (Anh) và Hồng Kông; đã thực hiện các dự án văn hóa ở châu Á, châu Phi và châu Âu với UNESCO và Hội đồng Anh. Từ 1999 - 2004: Ông Tim Doling từng làm việc với Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam trong dự án do Quỹ Ford tài trợ để phát triển giáo trình quản lý nghệ thuật trong ba trường đại học tại Hà Nội; tạo trang web văn hóa Visiting Arts Cultural Profiles, trong đó có trang web Việt Nam Cultural Profile, Cambodia (Campuchia) Cultural Profile và Laos (Lào) Cultural Profile, với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller.

Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách khám phá về Việt Nam, như: Đường sắt và đường xe điện của Việt Nam (The Railways and tramways of Việt Nam), Khám phá TP Hồ Chí Minh (Exploring Hồ Chí Minh City) và nhiều cuốn sách hướng dẫn về vùng Tây Bắc và Đông Bắc của Việt Nam. Các ấn phẩm này đã được đông đảo du khách nước ngoài đón nhận, nghiên cứu và tìm hiểu. Ông thường xuyên viết cho trang Saigoneer về khám phá Sài Gòn.

MINH HIỀN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

TIN MỚI

Return to top