ClockThứ Ba, 23/06/2015 09:33

Tôm cá chết do nắng nóng

TTH - Nắng nóng kéo dài, độ mặn thấp nên tôm, cá nuôi tại các địa phương chậm lớn và xuất hiện tình trạng chết rải rác.

Thiệt hại hàng trăm hoa

Ông Võ Văn Chương, một trong những hộ nuôi thủy sản xen ghép ở thôn 4, xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết, chưa có năm nào diễn biến môi trường phức tạp như năm nay. Độ mặn tại các vùng đầm phá không đủ tiêu chuẩn để nuôi trồng thủy sản (NTTS). Các loại khí độc trong ao nuôi tăng cao và thường xuyên, nhiệt độ ban ngày tăng cao… là tác nhân dẫn đến tôm, cá nuôi chậm lớn, chết rải rác.
 
Người dân Ngũ Điền cho tôm ăn
Hộ ông Chương chuyển đổi mô hình nuôi xen ghép từ năm 2009, qua các năm nuôi có lãi, gia đình ông không chỉ trả hết nợ mà còn vươn lên khá giàu. Tuy nhiên năm nay, hai hồ nuôi xen ghép tôm-cá dìa (mỗi hồ 3.600m2) đang gặp khó khăn do thủy sản chậm phát triển. “Mặc dù đã có nhiều biện pháp bảo vệ nhưng tôm, cá vẫn rất chậm lớn, chết rải rác, chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Chương lo ngại. 
 
“Đối với các ao chưa có hiện tượng tôm chết, cần ổn định độ PH đảm bảo 7,5-8,3. Mỗi ngày phải đo độ PH 2-3 lần, mức độ chênh lệch giữa sáng và chiều không quá 0,3. Nguồn nước trong ao hồ phải đảm bảo xanh màu lá cây, độ trong 35-45cm; nồng độ NH3< 0,1mg/lít, H2S< 0,03mg/lít; độ kiềm đạt 80-120mg/lít; đảm bảo duy trì độ sâu > 1,2m. Theo định kỳ 7-10 ngày phải bón vôi supper canxi, liều lượng 200kg/ha; các loại men vi sinh, vôi hấp thu khí độc như Dolomite, Zeolite theo liều lượng hướng dẫn để ổn định môi trường và đạt mức quy định”.
   Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh
Hộ ông Nguyễn Văn Tin ở thôn 3, xã Vinh Thanh (Phú Vang) cũng tỏ ra lo lắng trước tình hình nắng nóng kéo dài, thời tiết diễn biến phức tạp. Hộ này có diện tích mặt nước nuôi đến 4 ha thủy sản xen ghép nên nguy cơ thiệt hại rất lớn. “Với 4 ha mặt nước, thả nuôi hơn cả triệu con tôm, cá giống chi phí khoảng 150 triệu đồng, cộng với chi phí thức ăn, điện, nước… khoảng 300-400 triệu đồng.
 
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh lo lắng, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 ha nuôi tôm, cá và một số đối tượng khác bị chết hàng loạt, bình quân mỗi hộ thiệt hại từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Riêng vụ nuôi này, tại nhiều địa phương đang xuất hiện cá, tôm chết rải rác với diện tích khoảng 20 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, TX Hương Trà… Dự báo, thời gian đến, nắng nóng tiếp tục xảy ra và diễn biến rất phức tạp, khó lường, đe dọa đến sự phát triển của các đối tượng thủy sản, nhất là tôm, cá.
 
Áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp
 
Ông Võ Đông Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công rất lo lắng trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến tôm, cá chậm lớn và chết. Khuyến cáo của chính quyền địa phương, người dân không nên nuôi ồ ạt, có thể tạm ngừng nuôi trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhiệt độ cao như hiện nay. Đối với các ao hồ đã nuôi, cán bộ phụ trách thủy sản phối hợp với người dân có phương án bảo vệ, hạn chế tối đa tôm, cá chết, không để chết hàng loạt gây thiệt hại lớn. Khi xảy ra dịch bệnh, tôm, cá chết hàng loạt, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để có biện pháp hỗ trợ xử lý…
 
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục Trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết, đơn vị đã cử cán bộ về cơ sở, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp bảo vệ tôm, cá mùa nắng nóng. Người dân phải thường xuyên theo dõi, quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, ổn định. Mực nước trong ao hồ luôn luôn đảm bảo theo quy định trên 1,2m. Trước khi đưa nước bổ sung vào ao nuôi nên sử dụng thuốc tím nồng độ 2-5g/m3, Vicato, hoặc BKC để khử trùng môi trường, sau từ 1-3 ngày bổ sung cho ao nuôi. Người dân cần sử dụng chế phẩm sinh học nhằm tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật có lợi phát triển trong ao nuôi; hạn chế tối đa việc thay nước, hoặc lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi.
 
Thời tiết từ đầu năm đến nay biến đổi thất thường, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm cao từ 7-100C. Độ mặn năm nay thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, dao động từ 0-16%0, tại các vùng nuôi thủy sản từ 3-10%0. Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết, qua quan trắc môi trường tại các vùng nuôi cho thấy, nhiệt độ trong ao nuôi và ngoài đầm phá tại một số địa phương khá cao, buổi sáng lúc 8 giờ là 320C, lúc 10 giờ tăng lên 350C. Độ mặn ở các vùng nuôi và trong đầm phá thấp, từ 0-10%0, nồng độ NH3 cao đến 0,3mg/lít. Môi trường thay đổi đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng, các loại khí độc NH3, H2S phát sinh trong ao nuôi…
Thức ăn cho tôm phải đảm bảo chất lượng, mua từ các công ty, đại lý có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Trong điều kiện nắng nóng, môi trường diễn biến phức tạp như hiện nay, nên bổ sung thức ăn giàu vitamin C, men tiêu hóa. Biện pháp tối ưu nhất là nên cho tôm ăn, phòng bệnh bằng thảo dược, như dịch chiết củ tỏi, lá trầu trộn với thức ăn, với liều lượng 300g/kg thức ăn. Thời gian cho ăn liên tục từ 3-5 ngày nhằm tăng sức đề kháng, tôm chóng lớn. Đối với ao nuôi tôm trên cát, đầm phá phải thường xuyên vận hành máy sục khí, tạo nguồn ô xi đảm bảo cho tôm phát triển. Cho tôm ăn đúng liều lượng, tránh dư thừa, nên giảm cho ăn vào ban ngày, tăng cường vào buổi tối.
 
Khi ao nuôi xảy ra dịch bệnh, người dân tuyệt đối không xả thải ra môi trường xung quanh mà phải báo cho cơ quan chức năng xử lý. Các loại bệnh do vi rút đốm trắng, taura, đầu vàng phải tiêu hủy bằng clorin. Các bệnh do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng phải cho tôm ăn một trong các loại kháng sinh Rifamyxin, Doxycilin và Tetracilin đảm bảo liều lượng theo quy định. Đối với nuôi tôm xen ghép xảy ra dịch bệnh thì mạnh dạn tiêu huy tôm, giữ lại nuôi các đối tượng khác, nhưng phải đóng kín các cống, không để rò rỉ ra môi trường; đồng thời sử dụng các loại hóa chất để dập dịch, xử lý môi trường, không để lây lan trên diện rộng.
 

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Hương Trà ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp

Sau khi Quy hoạch chung tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TX. Hương Trà ưu tiên xúc tiến đầu tư, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm, các cụm công nghiệp (CCN); chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm hình thành các CCN trên địa bàn.

Hương Trà ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp
Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

Ngày 25/4, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế tiếp nhận một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung từ ông Đỗ Văn Minh ở phường An Đông tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top