ClockThứ Năm, 23/07/2015 07:29

Trả giá đắt cho việc phát triển ồ ạt

TTH - Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn HĐND tỉnh ngày 22/7 là tình trạng người nuôi tôm thua lỗ do thiếu kỹ thuật, nuôi tự phát theo phong trào, không chủ động được nguồn giống và thiếu cách đối phó với dịch bệnh khi có sự cố xảy ra.

Ngoài tầm kiểm soát

Vấn đề đặt ra ở đây là vai trò của ngành nông nghiệp trong việc kiểm soát, cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ thuật và tăng cường tính dự báo cho người dân ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản? Ngành đã có định hướng và kế hoạch dài hơi gì cho việc nuôi trồng bền vững?

Các công đoạn ươm tôm giống ở Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (ở Phong Điền) luôn tuân thủ quy trình nghiêm ngặt

Trả lời câu hỏi trên của đại biểu tại phiên chất vấn, ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh nêu con số: Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hằng năm dao động 7.000- 7.500 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 3.000 ha. Những năm trước, khi nghề nuôi tôm chưa phát triển ồ ạt, nuôi tôm được mùa, được giá đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người nuôi tôm. Năm 2014, bình quân 1 ha nuôi tôm cho thu nhập 4-5 tỷ đồng. Khi 1 con tôm có giá trị thực tương đương với 1kg lúa thì người dân không ngần ngại ồ ạt phát triển diện tích nuôi tôm. Điều này xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh... dẫn đến thua lỗ, trắng tay. Ông Nguyên xót xa: “Thực tế nuôi tôm trên địa bàn tỉnh gần đây đã cho thấy nhiều bài học về sự trả giá quá đắt cho phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, ngoài tầm quản lý dẫn đến thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng và sự hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn”.

Ông Hồ Sỹ Nguyên cho rằng, nuôi tôm công nghiệp là ngành sản suất có độ rủi ro lớn, chịu ảnh hưởng nhạy cảm với môi trường và dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. UBND tỉnh khuyến khích người dân nuôi tôm công nghiệp, nhưng cần phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, có xác nhận của cơ quan chuyên môn và đặt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng. 

Ô nhiễm nguồn nước - vấn đề nhức nhối

Khi đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TBT Báo Thừa Thiên Huế) “truy” về trách nhiệm của ngành nông nghiệp trong việc xảy ra tình trạng trên, ông Hồ Sỹ Nguyên lại cho rằng, người nuôi tự phát không theo quy hoạch, không chịu sự hướng dẫn về kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, nên… ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 7 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản nhưng chưa sản xuất được tôm thẻ chân trắng (đang được người dân nuôi nhiều) phải nhập từ tỉnh khác về, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nuôi tôm thải ra, theo ông Nguyên, đây cũng là vấn đề nhức nhối hiện nay, không phải ngày một ngày hai xử lý được vì để thay đổi quy hoạch nuôi phải cần nguồn kinh phí rất lớn. Đồng thời, đề xuất HĐND tỉnh cần bổ sung thêm nguồn kinh phí để quy hoạch vùng nuôi tôm theo hướng nuôi trồng bền vững.

Hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình

Tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương và từ ngân sách địa phương, tỉnh đang từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng nuôi trồng thủy sản một số khu nuôi trồng tập trung nhằm nâng cao sản lượng nuôi và hạn chế dịch bệnh do ô nhiễm môi trường. Trong năm 2016 sẽ triển khai đầu tư hạ tầng vùng nuôi xã Phong Hải (Phong Điền) khoảng 160 ha.

Về những hoạch định trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, để ngành nuôi tôm phát triển đúng hướng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh diện tích đầm phá, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2010- 2020 và quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá. Trên cơ sở đó, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình nuôi, kiểm tra và hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, lịch thời vụ, lựa chọn giống nuôi và phương án phòng trừ dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý giống và kiểm soát mầm bệnh từ con giống. Để có nguồn giống tại chỗ đạt chất lượng và giá thành rẻ, tỉnh đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, chuyển giao công nghệ sinh sản giống tôm chân trắng tại địa phương. Khuyến khích để các trại giống, các đơn vị cổ phần phát triển sản xuất hoặc ương gieo giống tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh. Về phòng chống dịch bệnh, Sở tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thường xuyên tiến hành công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để nhanh chóng phát hiện và cảnh báo cho người nuôi những biến động xấu về môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh để người nuôi có kế hoạch phòng chống. Hướng dẫn và khuyến cáo người nuôi tuân thủ các biện pháp phòng bệnh cho tôm nuôi, khuyến khích áp dụng các hình thức nuôi tôm tiên tiến để kiểm soát các yếu tố môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Về lâu dài, Sở đang tổ chức nghiên cứu, triển khai các đề tài nghiên cứu về nuôi tôm sạch, nuôi tôm thâm canh, quy trình nuôi luân canh, nuôi kết hợp, hoàn thiện quy trình sản xuất và thuần dưỡng giống, quy trình phòng, trị một số bệnh tôm, sử dụng một số hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, xử lý môi trường các ao nuôi. Đầu tư và tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

Thái Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Return to top