ClockThứ Sáu, 12/06/2015 17:28

“Trắng” kỹ thuật nuôi tôm

TTH - Thiếu kiến thức, kỹ thuật và cả kinh nghiệm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi tôm trên vùng cát ven biển huyện Phong Điền thua lỗ.

Cho tôm ăn

Sau một thời gian “phơi hồ” vì dịch bệnh, giá tôm giảm, những ngày đầu tháng 6 này, nhiều hộ ở các xã Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc… bắt đầu cải tạo ao hồ, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Người dân lại tiếp tục bỏ ra tiền tỷ để nuôi tôm, nhưng chẳng biết “vận mệnh” thế nào, lời lỗ ra sao.

Theo kiểu "hên, xui"

Cách đây hơn 10 năm, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Trường Sơn, Công ty TNHH Đông Phương… đến thuê đất, đào ao nuôi tôm ở vùng cát ven biển huyện Phong Điền. Họ biến vùng đất cát hoang sơ thành vùng nuôi tôm công nghiệp sôi động. Ngay từ những vụ đầu tiên, các doanh nghiệp này đã thu lãi lớn từ nuôi tôm sú, khiến nhiều hộ dân địa phương nóng lòng. Một số hộ không cam chịu “khoanh tay đứng nhìn” đã chung vốn đầu tư đào ao nuôi tôm. Ban đầu còn thuê kỹ sư, trả công nuôi đến chục triệu đồng mỗi tháng. Các vụ đầu tiên nuôi có năng suất cao. Mỗi ao hồ của các hộ rộng chỉ chừng 2.000m2, thu được 5-6 tấn tôm sú thương phẩm.

Kiểm tra tôm

Mới chỉ qua vài vụ nuôi, các hộ này “học lóm” được “đôi chiêu” kỹ thuật đã không ngần ngại “nói lời chia tay” với các kỹ sư. Các vụ trở về sau, họ tự tay nuôi tôm, từ khâu chăm sóc, cho ăn đến phòng trừ dịch bệnh. Cũng may mà có vụ lỗ, vụ lời. Các vụ lỗ thường do dịch bệnh, nhưng bà con đều nghĩ đơn thuần là do môi trường, thời tiết, tôm giống kém chất lượng... Từ một vài nhóm hộ nuôi ban đầu, chỉ sau một vài năm, các xã vùng cát huyện Phong Điền có đến hàng chục nhóm hộ nuôi tôm sú. Cách đây mấy năm, mô hình nuôi tôm chân trắng phù hợp với vùng cát ven biển, các doanh nghiệp chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng. Thấy các công ty nuôi đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, người dân cho rằng: “Nuôi tôm chân trắng rất dễ”. Vậy là, có đến hàng trăm hộ đua nhau đào ao nuôi tôm chân trắng, chỉ tính riêng tại xã Phong Hải có gần 70 ha.

Thu hoạch tôm

Điều đáng nói là hầu hết các hộ nuôi không trang bị cho mình những kiến thức, quy trình kỹ thuật cơ bản trước khi nuôi. Phần lớn người dân đều tỏ ra chủ quan, thấy lợi trước mắt nhưng không thấy được hệ lụy về sau. Ông V.K ở thôn Thế Mỹ, xã Phong Hải, nói: “Thấy họ nuôi được thì mình cũng nuôi được. Họ có thuê kỹ sư đâu mà nuôi cũng hiệu quả”. Nhưng khi hỏi về khâu chọn giống như thế nào có chất lượng, hay kỹ năng phát hiện, xử lý các loại dịch bệnh… thì ông cũng như nhiều hộ nuôi đều ú ớ. Trong số hàng chục hộ nuôi, ngoài các hộ nắm vững kỹ thuật thì cũng có một số hộ “gặp may” nuôi có lãi. Thế là, người dân cứ nhìn vào các hộ có lãi mà đua nhau đào hồ nuôi tôm theo kiểu “hên xui”. Có hộ đã lên TP Huế sinh sống mấy chục năm, như ông K. khi nghe nuôi tôm có lãi cũng bán tài sản về quê mua hồ nuôi tôm. Khi ông K. có dự định nuôi tôm, tôi hỏi liệu kiến thức, kỹ thuật đã vững chưa, tôm thường xảy ra các loại bệnh gì, cách phát hiện và xử lý ra sao…? Ông K. trả lời: “Nghe bà con nói nuôi tôm chân trắng dễ lắm, chẳng đòi hỏi, yêu cầu kỹ thuật gì nhiều cả. Mà họ nuôi được thì mình cũng nuôi được, chứ ngại chi (!?)”.

Đánh đu tiền tỷ

"Trắng" kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm là một nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm bấp bênh.

Ông Nguyễn D. ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải theo đuổi nghề nuôi tôm cả chục năm nay. Cứ mỗi lần có dịp gặp ông, tôi thường hỏi về lời lãi, thì đều nhận được lời than thở: “Lời mô mà lời. Công nợ chồng chất mấy năm ni đến vài tỷ đồng. Giờ chừ không biết xoay xở như thế nào để trả nợ, chỉ còn cách đeo bám con tôm nhưng “may ít, rủi nhiều”.

Ông D. có hồ nuôi rộng hơn 2.000m2, các trang thiết bị như máy sục khí, tạo ô xy, điện thắp sáng, cả ao lắng, hệ thống xử lý môi trường… đều được đầu tư khá bài bản. Về hạ tầng theo quy định, như thế được xem cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nhưng về kỹ thuật lại “có vấn đề”, vì chưa hề qua trường lớp nào, ngay cả mật độ giống thả nuôi cũng rất mù mờ.

Ông Hồ Q. ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải đến nay đã nuôi chừng 10 vụ. Một số vụ cũng có lãi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, còn lại đều thua lỗ. Hay hộ ông Võ T. ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải chỉ mới nuôi vài vụ đã bị lỗ vài tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ được ông Hồ Q. cho biết, là do dịch bệnh. Khi hỏi vì sao dịch bệnh, thì ông Q. và nhiều hộ nuôi đều “bó tay”. Có người cho rằng, có thể do con giống chất lượng thấp. Tôi hỏi, biết chất lượng giống kém vì sao lại mua về nuôi? Ông Q. đáp lại bằng sự im lặng.

Nuôi tôm còn đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật mà người nuôi cần phải nắm và hiểu rõ. Các hộ nuôi chỉ nghe độ PH, kiềm, khí độc, NH3, NH2… nhưng chẳng hiểu đó là gì. Khi thiếu, hoặc thừa một trong số các yếu tố đó thì người dân chẳng biết xử lý, bổ sung như thế nào cho hợp lý. Ngay cả điều phối thức ăn cũng lúc thừa lúc thiếu là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, xảy ra dịch bệnh.

Hộ ông Võ K. ở TP Huế mới chỉ nuôi vụ đầu tiên nhưng đã lỗ nửa tỷ đồng. Đầu tư ban đầu từ việc mua ao hồ, lưới bạt, dàn quạt, máy móc… đến con giống, thức ăn hơn cả tỷ đồng. Mật độ thả nuôi quá dày nên tôm chậm lớn, phải sau bốn tháng mới thu hoạch nên tăng chi phí đầu tư. “May mà không có dịch, nếu bị dịch hậu quả sẽ khó lường, thua lỗ nặng”, ông K. nói. “Lúc đầu cứ nghĩ là tôm chân trắng dễ nuôi, chỉ thả giống rồi cho ăn, chạy quạt tạo ôxy… theo như “học lóm” từ bà con. Nào ngờ quá trình nuôi nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chăm sóc tôm. Các loại bệnh tôm thường gặp, cách phòng trừ đều chưa biết, hay việc đo độ PH, kiềm…vào thời điểm nào, thừa thiếu và biện pháp xử lý ra sao đều chưa hiểu rõ…”, ông K. chia sẻ…

Cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành chức năng
 
Cách đây mấy năm, dịch bệnh tôm xảy ra triền miên, UBND huyện Phong Điền đã yêu cầu, hướng dẫn các địa phương tổ chức quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát một cách hợp lý. UBND các xã cũng đã tuân thủ công tác quy hoạch, đồng thời hướng dẫn và vận động người dân chấp hành khá tốt việc đầu tư xây dựng ao nuôi, ao lắng, ao xử lý nước thải, hệ thống xử lý môi trường... Các thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất phục vụ nuôi tôm được người đân đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu… Yêu cầu đặt ra một cách cấp thiết, là người nuôi tôm cần tuân thủ đúng với quy hoạch, các biện pháp xử lý môi trường, trang bị đầy đủ kiến thức, quy trình kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp; không nên chạy theo phong trào khi chưa nắm vững các quy trình kỹ thuật nuôi tôm. Điều này ngoài việc người dân tự nghiên cứu, tìm hiểu, cần sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành chức năng trong việc hỗ trợ, định hướng sản xuất, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm bền vững và hiệu quả.
 
(Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền)
 
Việc người dân thiếu kiến thức, kỹ thuật nuôi tôm đang là vấn đề nan giải. Phần lớn các hộ đều chủ quan, thấy lợi nhuận trước mắt đã đánh liều. Trong khi đó, nuôi tôm công nghiệp yêu cầu kỹ thuật rất cao, từ quy hoạch, hạ tầng, ao nuôi, ao xử lý… đến trình độ, kiến thức, kỹ thuật nuôi phải đảm bảo. Điều này không phải người dân nào cũng làm được, mà cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, hệ thống khuyến nông, kỹ sư từ tỉnh đến cơ sở. Các hộ, nhóm hộ cũng cần thuê kỹ sư để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc, xử lý dịch bệnh… đảm bảo đúng quy trình nuôi tôm công nghiệp mới nuôi có lãi.
 
(Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh)

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top