ClockThứ Năm, 20/02/2014 14:27

Tuyệt tình chú cháu

TTH - Chú - bị hại vào phòng xét xử trước. Ngang qua chỗ chú ngồi để đến ghế dành cho bị cáo, cháu (đang được tại ngoại) gườm gườm nhìn chú. Mấy người con gái của bị hại thấy anh họ có thái độ với cha như vậy, quắc mắt. Con trai bị cáo không vừa, cũng trừng mắt tức tối, hằn học.

Không bán được đất của chú, cháu sinh lòng hậm hực, thường xuyên gây gổ, hỗn hào. Chú bực dọc qua nhà cháu để nói lời từ mặt, thì bị cháu dùng ống tuýp sắt nện vào đầu, mặt, gây thương tích 8%. Sau sáu tháng qua nhiều bệnh viện ở Huế và TP Hồ Chí Minh điều trị vết thương, chú trở về địa phương (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang) có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với cháu. Cháu bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích”. TAND huyện Phú Vang xử cháu 9 tháng tù. Cháu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo. Chú kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm, để xét xử lại theo hướng nặng hơn đối với bị cáo. TAND tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích”.

Minh họa của Hương Trà

Kể tội

Hai bên chỉ chịu dừng “cuộc chiến” khi Hội đồng xét xử vào làm việc. Tòa hỏi bị cáo và bị hại, vẫn giữ nguyên kháng cáo hay có thay đổi, bổ sung gì không? Cháu vẫn xin giảm án, được hưởng án treo. Chú vẫn kiên quyết yêu cầu tòa phải hủy án, “trị” bị cáo thật đích đáng. Chú bức xúc kể: “Cha mẹ tui sinh được năm người con, ba gái hai trai. Anh trai tui có vợ, nhưng chưa kịp có con thì bị bắt đi lính vào tận thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), được một thời gian thì chết. Thời gian này, chị gái tui cũng đang làm việc tại một bệnh viện ở Quy Nhơn. Một hôm có người phụ nữ sắp đến ngày sinh, tìm chị gái tui và nói đứa trẻ trong bụng là con của anh trai tui. Không có cưới hỏi. Anh trai tui cũng không kể với gia đình có con với người đàn bà đó. Nhưng “người ta” đã nói vậy ắt có nguyên do. Anh tui thì đã chết, người phụ nữ đó còn phải đi lấy chồng. Vì thương đứa trẻ không tội tình, lại coi như đó là giọt máu “lưu lạc” của người anh còn sót lại trên đời, gia đình tui bồng đứa trẻ mới một tháng rưỡi tuổi về Huế chăm bẵm.” Theo lời kể của người chú, vì đứa trẻ mới sinh còn đỏ hỏn mà đã không có mẹ, nên việc chăm sóc nuôi nấng vất vả khó khăn trăm bề. Những lúc đứa trẻ đau ốm, nhiều đêm liền vợ chồng ông hầu như thức trắng để chăm sóc. Vợ chồng chú sinh được chín người con, nhưng toàn gái. Do đó, cả gia tộc càng quý đứa cháu trai duy nhất của dòng họ. Cháu lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình người chú và ông bà nội. “Vợ chồng tui thương hắn như thương con. Hắn trưởng thành, vợ chồng tui lo cưới vợ cho hắn. Ngoài mấy cây vàng để làm vốn, vợ chồng tui còn lo tiền làm nhà cho cháu. Không ngờ, cho mình là cháu đích tôn, hắn nổi lòng tham, muốn chiếm đất đai của gia đình tui, nhiều lần gọi người về để bán. Nhưng vì sổ đỏ mang tên vợ chồng tui, hắn bán không được nên đâm ra tức tối. Nhiều lần hắn chửi tục, rủa tui là “đồ vô tự”, không có con trai nối dõi thì chín đứa con gái cũng như không. Không cha, không mẹ, được nuôi nấng, yêu thương, cho ăn học, có vợ con nhà cửa đàng hoàng, vậy mà hắn vô ơn, hỗn láo, lại cả gan coi thường pháp luật, ra tay giết chú”. Người chú kể tội cháu.

Tuyệt tình

Trong lúc chú - bị hại “kể tội”, cháu - bị cáo, đứng trước vành móng ngựa, liên tục quay sang phía chú với ánh mắt gườm gườm. Bị hại một mực cho rằng, kết luận về giám định thương tích bị hại gây ra cho ông là không chính xác. Theo bị hại, Bệnh viện Trung ương Huế là nơi cấp cứu, điều trị đầu tiên. “Nhưng thấy tui luôn trong tình trạng khó thở, cơ thể suy yếu nặng, sợ nguy hiểm đến tính mạng, gia đình tức tốc mua vé máy bay đưa tui vô TP Hồ Chí Minh chữa trị. Các bác sĩ phát hiện tui bị gãy mũi, gãy xương hàm, tổn thương mắt… nên tui phải lần lượt điều trị, phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Mắt. Cái mặt tui gãy nát như vậy nên phải mổ sắp lại từng khúc xương, điều trị cả nửa năm mới đỡ, vậy nên thương tích không thể là 8% như kết luận giám định”. Bị hại còn quả quyết, nếu tòa không tin, ông sẵn sàng trả chi phí đi lại để tòa đến những bệnh viện mà ông đã điều trị, phẫu thuật ở TP Hồ Chí Minh để xác minh. Tuy nhiên, căn cứ vào những giải thích của bác sĩ giám định pháp y có mặt tại phiên tòa, về sơ sở khoa học của bản kết luận giám định của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế, kết luận tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại: “Đa chấn thương vùng mặt và thân thể, hiện tại gây suy nhược cơ thể 8%, tỷ lệ tổn hại sức khỏe 8%”, tòa không chấp nhận yêu cầu của bị hại. Bị hại không “phục”, đòi kiện tiếp lên Tòa án Tối cao. “Đành rằng, bị cáo là người có hành vi vi phạm pháp luật thì phải chịu sự xét xử của pháp luật. Nhưng tôi thiết nghĩ, là chú cháu, là người ruột thịt trong nhà thì cũng không nên quá tuyệt tình với nhau…” - Ông Nguyễn Thản, Chánh tòa hình sự, thẩm phán thành viên của hội đồng xét xử nghiêm khắc nhận xét.

Phiên tòa tạm dừng để hội đồng xét xử nghị án. Bị hại đi ra hành lang, bị cáo không quên trừng mắt, rít lên trong cổ họng “đồ chú mà đưa cháu vô tù”. Con trai bị cáo thì đe “ông và người nhà ông liệu hồn”. Bị hại bức xúc: “Cháu chắt côn đồ. Hắn cố tình giết tui, chẳng qua số tui còn may, thoát chết. Gia đình tui đã gạch tên hắn trong gia phả”.

Tòa tuyên y án 9 tháng tù đối với bị cáo. Rời vành móng ngựa, bị cáo ra hành lang phòng xét xử, nhưng lừng khừng như có ý đợi bị hại để gây gổ. Dù tòa phải chuyển qua xét xử một vụ án khác, nhưng thấy chú và cháu trong vụ án này tình trạng căng thẳng, sợ có điều không hay xảy ra, nên vị thẩm phán thành viên hội đồng xét xử bảo bị hại ngồi lại. Một lúc lâu sau, bị hại và mấy người con gái mới rời phòng xét xử. Vừa đi, người chú vừa lẩm bẩm: “Thằng côn đồ ni còn ở ngoài ngày mô là còn nguy hiểm ngày đó. Cầu cho thằng ni bị bắt vô trại giam sớm.” Chánh tòa hình sự Nguyễn Thản lắc đầu ngao ngán: “Công việc của chúng tôi hàng ngày phải tiếp xúc với tội phạm, với những sự việc đau lòng. Nhưng đối với những vụ án “nồi da xáo thịt” kiểu này, quả thật cảm giác đau lòng như nhân lên bội phần. Vì dù sao, họ cũng là ruột thịt với nhau…”

Duy Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top