ClockThứ Bảy, 08/04/2017 13:46

Ước mơ nhỏ của người mẹ nghèo

TTH - Năm 1997, bà con xóm Đầm Sam ai cũng trầm trồ chúc mừng ngày vui của đôi trai gái là anh Phan Thanh Tuấn và chị Nguyễn Thị Thúy cùng sinh năm 1978.

Họ đều là những người con sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, cả hai không có điều kiện đến trường, nhưng anh có nghề thợ xây, chị chăm chỉ lo việc nhà, chằm nón. Trong suy nghĩ của người chân quê, chừng đó là đủ để họ bắt đầu cho một gia đình bình dị.

Công việc chằm nón giúp chị Thúy vừa chăm sóc các con vừa kiếm được hơn 10 nghìn đồng mỗi ngày

Sau năm 1999, vợ chồng chị Thúy được Nhà nước cấp một mảnh đất theo diện tái định cư, càng cho họ nhiều hy vọng. Chưa có tiền xây nhà, chỉ có chiếc mui thuyền rộng hơn 10m2 đặt trên mảnh đất, nhưng với họ đó thực sự là căn nhà hạnh phúc hơn cả mong đợi. Cứ nghĩ chỉ cần chăm chỉ, cuộc sống sẽ ngày một ổn định. Thế nhưng hy vọng tắt lịm khi chị vừa sinh con thứ 2 thì anh bất ngờ phát bệnh tâm thần. Thời gian đầu, tinh thần anh lúc khỏe, lúc bất thường nên vẫn cố theo đồng nghiệp ra công trường, hy vọng kiếm được đồng nào hay đồng đó. Thế nhưng bệnh tình anh thường tái phát thình lình, nhiều lần đang làm thì bị co giật ngã từ giàn giáo xuống, thân thể đầy thương tích, tiền lương không đủ mua thuốc thang và chi phí nhập viện, anh buộc bỏ hẳn nghề xây dựng. Từ đó đến nay, khi nào thật tỉnh táo anh mới cùng vợ đi bủa lái trên đầm, ngày gặp may cũng kiếm chưa được trăm ngàn, có ngày chỉ bủa được mớ cá rô nhỏ, bán được vài ba chục ngàn. Thu nhập không nhiều, nhưng nhờ đó hàng ngày có cá cho bữa ăn, chỉ cần ra ruộng kiếm thêm mớ rau nữa là gia đình đủ chất nên chị Thúy không phụ nghề. Chị chỉ mong anh Tuấn tỉnh táo để bủa lái cùng chị, có anh phụ đỡ ghe cũng bớt phần cực nhọc cho chị. Theo như lời chị Thúy, anh nhiều lần lên co giật khi đang bủa lưới, có lúc ngã xuống đầm chị phải nhờ bà con xuống dìu lên bờ.

Thời gian bủa lái từ 5 giờ đến 7 giờ sáng hàng ngày, về nhà dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng xong chị Thúy chỉ biết tranh thủ chằm thêm cái nón, tuy chỉ kiếm được hơn 10 nghìn đồng/ngày những cũng rất cần thiết trong cuộc sống của gia đình họ. Vất vả là thế, nhưng do thiếu hiểu biết, không nắm vững kiến thức, cứ thế lần lượt chị sinh thêm 3 người con nữa. Trong 5 người con của họ thì có 4 người ảnh hưởng gen di truyền của anh Tuấn; trong đó, người con trai áp út vừa bị tâm thần vừa bị câm điếc. Hầu hết các em đều chậm chạp, từ chuyện học hành đến công việc luôn thua chúng kém bạn. Con trai lớn của họ năm nay 19 tuổi, 2 cô con gái đã trên 15 tuổi; gia đình không có điều kiện, lại tiếp thu bài chậm nên cả 3 đã đi làm giúp việc nhà ở xa. Điều đáng buồn là tính khí thất thường nên không ai ổn định công việc được lâu dài. Vài tháng không đứa này lại đứa khác về nhà chờ tìm việc chỗ khác, không đỡ đần được mẹ đồng nào.

Hiện một mình chị Thúy phải lo cho 4 miệng ăn, may có cậu con trai út Phan Thanh Khải, hiện đang là học sinh lớp một Trường tiểu Phú Mỹ 2 là tỏ ra nhanh nhẹn, thông minh không chỉ so với các anh chị mà cả với các bạn cùng trang lứa. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Ngọc Linh, cho biết, Khải tiếp thu bài rất nhanh và tỏ ra rất ham học. Chị Thúy thì thở dài khi nói về con trai út: “Cực khổ thì đã quá cực khổ rồi, nhưng nhìn con hàng ngày ôm quyển sách tui chỉ ước chi có tiền nuôi cho hắn học thiệt nhiều để hy vọng có cuộc sống khác cha mẹ, anh chị”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Nguyễn Thị Thúy, thôn Định Cư, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế; hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế; điện thoại 0234.3827920.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top