|
Bà Andrea Teufel hướng dẫn học sinh tô màu di sản tại điện Phụng Tiên |
Phục dựng điện Phụng Tiên
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa phi lợi nhuận e.V.Fuda (GEKE) – CHLB Đức tổ chức triển lãm “Khám phá Quần thể điện Phụng Tiên”, một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn, trùng tu và giáo dục tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế, giai đoạn 2021 - 2026”. Thông qua phục dựng ảo tổng thể kiến trúc nguyên bản điện Phụng Tiên, triển lãm giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về kiến trúc, đời sống tâm linh thời Nguyễn cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật thời kỳ này.
Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn. Năm 1947, công trình này đã bị phá hủy, chỉ còn lại các cổng, hệ thống tường bao quanh và bức bình phong sau ngôi điện. Từ năm 2017 đến nay, quần thể điện Phụng Tiên đã được khôi phục thông qua một dự án hợp tác Đức - Việt, để bảo tồn các cấu trúc còn lại và hồi sinh hình dáng, chức năng ban đầu của quần thể. Dự án trùng tu các công trình ở lối vào, hệ thống tường bao quanh của khu điện cũng như năm cổng vào và bình phong phía sau, bảo tồn về mặt khảo cổ các tàn tích và nền móng của các tòa nhà bị phá hủy, tái tạo lại bố cục trước đây của công trình và các tòa nhà trên cơ sở các mảnh ghép kiến trúc và hồ sơ lưu trữ.
Trong khuôn khổ dự án, triển lãm “Khám phá Quần thể điện Phụng Tiên” là tâm huyết của bà Andrea Teufel, chuyên gia bảo tồn của GEKE và các cộng sự. Theo chia sẻ của bà Andrea Teufel, việc phục dựng ảo công trình điện Phụng Tiên là giải pháp tối ưu nhất với tình hình hiện nay của ngôi điện. Bởi, để phục hồi toàn bộ ngôi điện sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, trong khi Đại Nội còn nhiều công trình cần tập trung đầu tư trùng tu. Việc giới thiệu kiến trúc, những chi tiết trang trí, những câu chuyện gắn với nơi này thông qua loại hình phục chế ảo để du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về điện Phụng Tiên là một cách khác để phục hồi di tích này.
Bà Andrea Teufel cho hay: “Du khách khi đến tham quan Đại Nội chỉ đi ngang qua hoặc dừng lại công trình điện Phụng Tiên rất chóng vánh. Nếu có thể mang đến cho du khách câu chuyện lịch sử liên quan đến di tích này sẽ ấn tượng hơn là đơn thuần xem kiến trúc cung đình. Hơn nữa, tôi mong muốn người dân Huế có thể hiểu hơn về kiến trúc và vẻ đẹp của Kinh thành Huế, lịch sử và văn hóa cung đình để biết cách gìn giữ di sản của cha ông”.
Sau khi tham gia phục hồi nguyên trạng hệ thống cổng chính, bình phong và non bộ ở khu vực điện Phụng Tiên, bà Andrea Teufel tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2021 - 2026. Trong hợp phần dự án, ngoài việc bảo tồn, phục hồi bình phong hậu, các cổng còn lại và bức tường bao quanh công trình điện Phụng Tiên, bà Andrea Teufel và các cộng sự còn kết hợp đào tạo lý thuyết và thực hành cho thợ thủ công của địa phương về kỹ thuật, phương pháp bảo tồn, trùng tu công trình di sản văn hóa; tập huấn giáo dục di sản, nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản qua các khóa học thực tế cho học sinh và sinh viên.
Giữ gìn và truyền bá vẻ đẹp di sản
Mỗi lần có dịp gặp bà Andrea Teufel, tôi đều thấy bà đang cần mẫn với công việc tại di tích điện Phụng Tiên. Trong trang phục giản dị, bà loay hoay với việc nghiên cứu các họa tiết trang trí, vôi vữa, các vật liệu gốc của ngôi điện. Mùa hè, bà dành thời gian chia sẻ về giá trị kiến trúc của điện Phụng Tiên tại các lớp giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên.
Với chương trình “Bảo vệ di sản”, bà Andrea Teufel giới thiệu với các sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế quá trình bảo tồn, trùng tu các công trình di sản của điện Phụng Tiên, trọng tâm là giới thiệu công nghệ trang trí các công trình với vôi vữa màu và các bề mặt vẽ bích họa. Sinh viên còn được nghe bà giới thiệu cách làm ra chất liệu, cách tô vẽ mỹ thuật trên tường, hướng dẫn thực hành tự làm các tấm mẫu bằng các loại vôi vữa khác nhau. Qua đó, các bạn sinh viên được tìm hiểu về kỹ thuật bảo tồn và trùng tu các công trình lịch sử.
Mỗi lần chia sẻ, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, bà Andrea Teufel dành tất cả tâm huyết để vun đắp cho thế hệ trẻ của Huế tình yêu với di sản, bởi theo bà, đây sẽ là thế hệ tương lai giữ gìn, phát huy giá trị di sản của quê hương. Với vẻ mặt ngời sáng, cách nói chuyện sinh động, dí dỏm, bà truyền “lửa” đam mê cho các bạn trẻ, không khí các buổi trải nghiệm cũng luôn hào hứng, sôi nổi.
Đến nay, bà Andrea Teufel có gần 20 năm sống ở Huế và gắn bó với công việc trùng tu di tích. Bà chia sẻ: “Tôi yêu thích kiến trúc, màu sắc, vật liệu độc đáo ở nơi này mà tôi chưa từng được thấy trước đó. Nó luôn thôi thúc tôi tiếp tục tìm tòi, khám phá sâu hơn, đặc biệt là vật liệu và kỹ thuật xây dựng của người xưa để phục dựng tốt hơn, trả lại yếu tố gốc cho di tích”. Tâm huyết như vậy nên bà Andrea Teufel không sử dụng vật liệu thay thế mà nghiên cứu vật liệu gốc để giữ lại vẻ đẹp của kiến trúc di tích. Do vậy, các công trình tại điện Phụng Tiên được phục hồi bằng phương pháp truyền thống dưới thời nhà Nguyễn.