|
|
Nhiều bạn trẻ lựa chọn đến tham quan bảo tàng để tìm hiểu lịch sử |
“Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời Bác dạy lúc sinh thời vẫn luôn nhắc nhở những thế hệ của đất nước phải quan tâm gìn giữ truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc, luôn giữ niềm tự hào, lòng yêu nước, đặc biệt khi mặt trái nền kinh tế thị trường cùng những tác động của lối sống thực dụng, ham hưởng thụ đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ. Một tín hiệu đáng mừng khi càng ngày, những từ khóa về lịch sử, về các bảo tàng đang ngày càng được giới trẻ tìm kiếm. Chỉ riêng trên mạng xã hội Facebook, đã có hơn 2.000 bài viết được đăng tải với nội dung review, cảm nhận sau khi đến bảo tàng, di tích lịch sử. Ở Huế, nhiều bảo tàng thu hút sự quan tâm của người trẻ, như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng tranh thêu XQ… Đây là một tín hiệu đáng mừng vì thế hệ tiếp nối đã quan tâm nhiều hơn, muốn tìm hiểu về lịch sử đất nước.
Đang trong kỳ nghỉ hè, cô sinh viên Phan Thị Ngọc Ánh (Khoa Kiến trúc, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế) dành thời gian đến thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Một không gian ấm cúng mở ra trước mắt cô. Những câu chuyện, những kỷ vật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được gìn giữ, chăm sóc cẩn thận. Những lời kể của chú nhân viên bảo tàng về cuộc đời của Đại tướng đưa cô đến gần hơn với “vị tướng phong trào”.
“Nhờ đến bảo tàng, được nhìn ngắm những kỷ vật và lắng nghe những câu chuyện về Đại tướng, mình mới biết thêm về lịch sử dân tộc, về một vị tướng gần gũi với Nhân dân, toàn tài với câu nói nổi tiếng “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Đây sẽ là một kỷ niệm khó quên của mình”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Phan Bản Nhật Nam, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế cũng dành thời gian để tìm hiểu lịch sử thông qua những chuyến đi bảo tàng. Nhật Nam kể, em dành thời gian đi Bảo tàng Hồ Chí Minh, lắng nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ tại Huế với những hình ảnh, hiện vật mộc mạc, đa dạng. Bên cạnh được tìm hiểu về vị lãnh tụ nổi tiếng của dân tộc, em cũng biết thêm một số thông tin về ngôi trường em đang theo học. Nhật Nam cho rằng, việc đi bảo tàng khiến em rất thích thú vì có nhiều thông tin không thể tìm thấy được ở trong sách giáo khoa hay những tiết học ở trường.
Bên cạnh những bảo tàng về lịch sử, nhiều bạn trẻ Huế cũng lựa chọn những bảo tàng văn hóa như là nơi để vừa thư giãn, vừa tìm hiểu về văn hóa vào dịp cuối tuần. Lần đầu đến với Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, Phan Thị Kiểu Oanh (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế) thừa nhận “tiếc vì đã không đến nơi này sớm hơn”. Những vật dụng như lu, hũ, bình, chén, bát bồng, bình vôi làm bằng các chất liệu khác nhau như đất nung, sành, gốm men… với nhiều niên đại khác nhau. Mỗi đồ vật đều mang trong mình một câu chuyện, những nét văn hóa về đời sống, sinh hoạt của cư dân Huế từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. “Mình nghĩ, thay vì đi cà phê, mình có thể rủ thêm bạn bè đi bảo tàng. Thông qua việc đi bảo tàng, chúng mình vừa có thể xả stress, vừa có thêm những hiểu biết về văn hóa của quê hương”, Kiều Oanh phấn khởi.
Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng cũng là một địa chỉ được nhiều bạn trẻ lựa chọn tham quan. Được biết đến với tên gọi “nơi kể câu chuyện về một giấc mơ”, những tác phẩm được trưng bày nơi đây đưa nhiều bạn trẻ đắm mình vào không gian nghệ thuật đương đại tuyệt đẹp, vừa lãng mạn vừa thấm đẫm chất thơ. Không chỉ về những tác phẩm tranh, nơi đây có sự hòa quyện của cảnh quan, kiến trúc kết hợp với nghệ thuật trưng bày, sắp đặt tinh tế đầy tính nghệ thuật. “Đi thăm Bảo tàng Lê Bá Đảng, chúng em vừa có thể tiếp cận với nghệ thuật, mỹ thuật, vừa chiêm ngưỡng sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc với thiên nhiên. Chúng em còn có được những bức ảnh đẹp để về khoe với bạn bè nữa”, Kiểu Oanh cho hay.