ClockThứ Bảy, 30/12/2023 07:05

Bộ sưu tập tiền Đông Dương của Cecile Le Pham

TTH - Trong hàng ngàn hiện vật bà Cecile Le Pham, chủ nhân Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham (53 Hàm Nghi, TP. Huế) đang sở hữu, bộ sưu tập tiền cổ Đông Dương mang đến cho người xem góc nhìn thú vị về loại tiền tệ từng lưu hành tại Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc.

Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham chính thức mở cửa Không gian hội tụ văn hóa Đông - Tây

Bà Cecile Le Pham giới thiệu về bộ sưu tập tiền Đông Dương 

Những tờ tiền giấy đầu tiên tại Việt Nam

Năm 2023, sau chuyến sang Pháp thăm gia đình, bà Cecile Le Pham mang về Huế bộ sưu tập tiền Đông Dương với khoảng trên 100 tờ tiền giấy và nhiều đồng tiền xu do Ngân hàng Đông Dương phát hành. Những tờ tiền giấy có nhiều mệnh giá khác nhau, như: Một trăm bạc, giấy bạc một đồng, giấy một đồng vàng, một trăm đồng vàng, hai mươi xu…

Những mẫu tiền cổ Đông Dương, cũng chính là những tờ tiền giấy đầu tiên tại Việt Nam đã phát hành trên 100 năm được bà Cecile Le Pham cất giữ cẩn thận, vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều tờ còn rất mới. Ngoài những hình thức trình bày thể hiện mệnh giá, ngôn ngữ gồm chữ Pháp, chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Campuchia tùy từng thời kỳ, trên tiền giấy còn có trang trí các biểu tượng gắn liền với văn hóa, con người Việt Nam.

Trong bộ sưu tập tiền Đông Dương của bà Cecile Le Pham, điều thú vị là có nhiều tờ tiền có biểu tượng gắn liền với các công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Bà Cecile thích thú khoe tờ tiền mệnh giá “Một trăm bạc” với hình vẽ chính giữa là Nghi Môn ở cầu Trung Đạo trước điện Thái Hòa - Đại Nội Huế. Bên phải Nghi Môn là hình đỉnh lư bằng đồng. Đây là “tờ 100 đỉnh lư” nổi tiếng được lưu hành trong giai đoạn 1923 – 1932.

 Tiền giấy ghi bằng chữ Quốc ngữ mệnh giá “Một trăm bạc”, hình đỉnh lư nổi tiếng

Ở mặt trước tờ “Giấy một đồng vàng” lưu hành giai đoạn 1933 - 1939, ngoài hình ảnh người phụ nữ Bắc Kỳ đội mấn, mặc áo tứ thân còn có hình ảnh của Minh Lâu ở Hiếu Lăng (lăng vua Minh Mạng). Mặt sau ghi dòng chữ Hán “Đông phương Hối lý Ngân hàng”, mệnh giá ghi bằng chữ Campuchia, chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Hình ảnh chính của mặt sau là người thanh niên ở trần gánh hai thúng dừa, nên dân gian gọi là “Tờ 1 đồng thằng gánh dừa”.

Một tờ tiền khác với giá “Một trăm đồng”, mặt trước bằng chữ Pháp, in hình ba cô gái Campuchia - Lào - Việt Nam, có màu sắc sặc sỡ. Mặt sau in chân dung Quốc trưởng Bảo Đại và Bái đình ở Ứng lăng của vua Khải Định. Hay tờ mệnh giá “Hai trăm đồng” có in chân dung Quốc trưởng Bảo Đại thể hiện một giai đoạn khác của tiền tệ Đông Dương do Viện Phát hành Liên bang Campuchia, Lào và Việt Nam phát hành.

 Mặt sau của tờ tiền mệnh giá “Một trăm bạc”

Ngoài hình ảnh của Quốc trưởng Bảo Đại, một điểm đặc biệt trên nhiều tờ tiền Đông Dương là hình ảnh một người đàn ông đầu vấn khăn được khắc bóng chìm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy cho rằng, đây là hình ảnh của cụ Ưng Tôn (hiệu là Thúc Thuyên), con Hiệp tá đại học sĩ Hường Thiết và là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Ông là người Việt đầu tiên sang Pháp học ngành tài chính ngân hàng.

Gợi nhớ quê hương

Trong số các nhà sưu tập đồ cổ tôi từng được gặp, bà Cecile Le Pham là một trường hợp đặc biệt. Bà là một doanh nhân, không nghiên cứu sâu về văn hóa nhưng lại có tình yêu sâu nặng với những món đồ cổ của Việt Nam. Chính tình cảm này thôi thúc bà sưu tầm “đồ Việt Nam” ở khắp nơi trên thế giới dù có khi không am hiểu về chúng. Với bà, khi nhìn những hiện vật này, bà thấy hình ảnh của quê hương. Bà Cecile nhớ lại: “Lúc ấy, tiền Đông Dương được bày bán rất nhiều ở chợ đồ cổ gần nhà tôi tại Pháp. Người ta bày bán cùng với tiền của những nước khác. Dù không am hiểu giá trị của chúng, nhưng tôi rất xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh của quê hương trên tiền giấy nên muốn mang về. Những hình ảnh của vua Bảo Đại, người nông dân gồng gánh, người phụ nữ mặc áo dài hay hình ảnh kiến trúc cung đình Huế… giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ Việt Nam”.

Bộ sưu tập tiền cổ Đông Dương được bà Cecile sưu tập từ những năm 1980, bắt đầu tại Sài Gòn khi bà từ Pháp về Việt Nam thăm gia đình. Khi trở lại Pháp, bà sưu tầm những tờ tiền cổ Đông Dương mỗi khi bắt gặp tại chợ bán đồ cổ ở Pháp. Bộ sưu tập tiền Đông Dương còn có sự góp sức của con trai bà Cecile, anh Phạm Lê Hồng Hải. Từ lúc 10 tuổi, anh bắt đầu để ý sưu tập mặc dù chưa hiểu gì về chúng. Mỗi lần bắt gặp những tờ tiền này, anh Hải rất thích và mua về, cất giữ cẩn thận.

Phản ánh giai đoạn đất nước bị chính quyền thực dân đô hộ, tiền cổ Đông Dương là một phần của lịch sử. Trong lịch sử đồng tiền Việt Nam, tiền giấy Đông Dương nhận được sự quan tâm lớn của giới chơi tiền cổ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy, tiền Đông Dương có các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu khi bắt đầu đặt hệ thống tiền tệ thuộc địa, Ngân hàng Đông Dương sử dụng các hình thức trang trí của châu Âu, như hình ảnh các vị thần Hy Lạp và La Mã. Khi người Pháp bắt đầu nghiên cứu sâu nền văn hóa Việt Nam, hình ảnh của nước Việt Nam cũng như 3 nước Đông Dương được sử dụng để trang trí tiền tệ.

Song song với tiền Đông Dương, tiền của triều đình Huế vẫn phát hành và sử dụng. Tuy nhiên, do mệnh giá của tiền Đông Dương cao nên nó mang tính lưu trữ như tài sản. Ông Huy cho hay: “Những tờ tiền Đông Dương ở giai đoạn đầu tiên hiện rất hiếm và có giá trị. Bộ sưu tập tiền Đông Dương của bà Cecile Le Pham tuy chưa có những loại bạc giấy quý hiếm nhưng trong tổng thể của Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham, có thể mở thêm phòng trưng bày tiền giấy để làm phong phú thêm nội dung trưng bày”.

Cha là người Pháp, dù sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng suốt thời thơ ấu, bà Cecile học nội trú trong trường Pháp, chỉ đến tết, bà mới được về nhà. Được nuôi dạy trong môi trường Tây học nên bà Cecile lúc đó không có tình cảm, suy nghĩ của một người Việt Nam. Chỉ đến khi sang nước ngoài, những lần trở về Cần Thơ thăm mẹ, bà mới cảm nhận mình là người Việt. Tình cảm sâu nặng và nỗi nhớ quê hương được khơi dậy và dần khắc khoải trong lòng bà. Điều ấy thôi thúc bà Cecile tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, trở về quê làm việc, xây dựng các trại trẻ mồ côi. Đây cũng là lý do thôi thúc bà sưu tầm rất nhiều cổ vật, hiện vật của Việt Nam lưu lạc trên thế giới.

Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn

Tiếp nối thành công của các bộ sưu tập “Xưa và nay”, “Nhật Nguyệt”, “Em đến từ nghìn xưa”, “Vũ khúc gấm lụa”, “Bóng – Hình”…, tối 14/12, nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu sẽ ra mắt bộ sưu tập áo dài mới mang tên “Màu thời gian” trong chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang “Diệu – Màu thời gian” tại TP. Hồ Chí Minh.

Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn
Thông tin doanh nghiệp:
Bộ sưu tập trang sức ngọc trai đen cao cấp từ Long Beach Pearl

Những mẫu trang sức ngọc trai đen Tahiti mang một vẻ đẹp quyến rũ, huyền bí và sang trọng nên rất được nhiều chị em yêu thích. Hơn nữa, mỗi mẫu trang sức, bộ sưu tập về ngọc trai Tahiti đều tiềm ẩn nhiều ý nghĩa, thông điệp hay. Tìm hiểu về ngọc trai đen chi tiết hơn trong bài viết này.

Bộ sưu tập trang sức ngọc trai đen cao cấp từ Long Beach Pearl
Không gian hội tụ văn hóa Đông - Tây

Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham (53 Hàm Nghi, TP. Huế), một bảo tàng ngoài công lập chuẩn bị ra mắt và đón công chúng đến tham quan. Đây là tâm huyết của bà Cecile Le Pham (Việt kiều Pháp) sau gần 30 năm sưu tầm hiện vật từ khắp nơi trên thế giới.

Không gian hội tụ văn hóa Đông - Tây
Nhà thiết kế Xuân Thu và câu chuyện tháng Ba

Dự kiến ra mắt vào ngày 8/3 tới, bộ sưu tập (BST) mới có cái tên rất gợi "Đôi bàn tay mẹ” là câu chuyện mà NTK Xuân Thu muốn giới thiệu đến công chúng về dấu ấn đặc biệt của gia đình mình trong hành trình thiết kế và tạo thương hiệu riêng cho áo dài Xuân Thu.

Nhà thiết kế Xuân Thu và câu chuyện tháng Ba

TIN MỚI

Return to top