ClockThứ Tư, 02/02/2022 22:07

Bửu Chỉ vẽ cọp & niềm vui với tranh con giáp

TTH - Nếu tranh ký họa bút sắt, sơn dầu hay mực đen về chủ đề chiến tranh và hòa bình làm nên tên tuổi cố họa sĩ Bửu Chỉ, thì những tác phẩm vẽ con giáp vào những dịp Tết Nguyên đán của ông đưa người xem lạc vào một thế giới khác lạ.

Xử lý các trường hợp không mang khẩu trang nơi công cộng dịp Tết Nguyên đán Tân SửuTết đầu tiên của những công dân Việt mớiTập trung chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán

Một tác phẩm con cọp khác được cố hoạ sĩ vẽ và trình bày bìa số Xuân ở Tạp chí Sông HươngTết Nguyên đán Bính Dần - 1986

Con giáp của Bửu Chỉ có gì đó mộng mơ, bay bổng nhưng cũng rất triết học, sang trọng dù rất dân dã, gần gũi đời thường. Từ thập niên 1980, tranh con giáp của họa sĩ tài hoa này khiến văn nghệ sĩ lẫn người yêu nghệ thuật háo hức đón chờ và ngắm nghía một cách say đắm.

Ông thích vẽ con giáp, vẽ để chơi tết, tặng bạn bè và đặc biệt để làm trang bìa cho Tạp chí Sông Hương thời đó. Tất nhiên, trong bộ sưu tập ấy không thể thiếu tranh con cọp - biểu tượng con giáp năm Dần.

Con cọp... 24 tuổi

“Bửu Chỉ vẽ tranh con giáp nhiều lắm, đẹp lắm. Nếu nói con cọp, có tác phẩm tuyệt đẹp được ông vẽ tặng cho gia đình họa sĩ Nguyễn Hữu Ngô. Nhìn vào là mê ngay!”, nhà văn, dịch giả Bửu Ý trong một lần giới thiệu với giới văn nghệ sĩ.

Chúng tôi tìm về ngôi nhà của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Hữu Ngô nằm cạnh dòng An Cựu để diện kiến con cọp nổi tiếng - theo lời chỉ dẫn của nhà văn Bửu Ý. Trong không gian cổ kính của ngôi nhà lối kiến trúc Á - Âu, tác phẩm con cọp được đặt trong khung kính, treo một cách trang trọng ở phòng sinh hoạt chung. Vừa bước vào cửa hay đứng ở góc nào, tác phẩm ấy cũng đập vào mắt với màu sắc ấn tượng. “Con cọp này mới ngày nào đó giờ vừa tròn 2 giáp, đúng 24 tuổi” - họa sĩ Nguyễn Hữu Ngô ví von hài hước.

Một ngày tiết trời se lạnh, đầu năm xuân Mậu Dần (1998), họa sĩ Bửu Chỉ đến thăm gia đình ông Ngô. Trong lúc trò chuyện, họa sĩ đã cao hứng muốn vẽ một bức tranh con cọp - con giáp năm Dần để chúc tết đến gia chủ. Sẵn tiện cọ màu đã có, ông Ngô bèn nói vợ chạy ngay ra chợ An Cựu gần đó mua một tấm giấy loại màu đỏ. Theo lời gia chủ, trong lúc mọi người vừa nhâm nhi, ông Chỉ chăm chú theo đường cọ, hình hài con cọp từ từ hiện ra. Trong thoáng chốc, bức tranh con cọp vẽ bằng chất liệu bột màu theo lối bùa chú phương Đông thành hình với nét vẽ rất lạ, dứt khoát nhưng rất mềm mại, mạnh mẽ nhưng uốn lượn thăng hoa. Trên đầu con cọp có hình chữ vương (王) như những vệt vằn của màu lông, tượng trưng cho vua của muôn thú. Bên trên góc trái bức tranh, họa sĩ Bửu Chỉ để lại bút tích rất rõ ràng: “Buuchi.maudan.98.”.

Trong suy nghĩ của bà Trần Thị Kiên Trinh, vợ ông Ngô, con cọp thường hung tợn, dữ dằn như vị thế vốn có là chúa tể sơn lâm. Ấy vậy mà khi cầm trên tay tác phẩm của người họa sĩ thân hữu tặng gia đình, bà đã không khỏi bất ngờ: “Nó thật duyên dáng, đáng yêu quá chừng”. Khách vào nhà thấy con cọp ai cũng tỏ ra thích thú bởi sự cách điệu dễ thương, nhiều đứa trẻ tưởng chừng sợ hãi lại rất háo hức xin được “vuốt ve”. Nhìn con cọp ở nhiều góc khác nhau, sẽ thấy nó khi đang nằm nghỉ ngơi, lúc tưởng tượng nó đang trườn, xa ra chẳng khác gì một chúa tể sơn lâm đang đùa nghịch, pha trò… “Chẳng biết nó là giống đực, hay giống cái. Nhìn cái móng vuốt sắt bén tỏ ra uy quyền nhưng các sọc vằn dọc sẫm màu trên bộ lông vàng pha trắng rất điệu đà”, bà Trinh hài hước.

Điểm ấn tượng tạo nên sự riêng biệt của con cọp này là sau khi vẽ xong, họa sĩ Bửu Chỉ đã cho gắn thêm năm tấm gương tròn quanh phần trên con giáp như là dấu chỉ ngũ hành bí ẩn, độc đáo. Và con cọp đó đã được gia chủ gìn giữ, trân trọng như một kỷ vật trong suốt 24 năm qua.

Mỗi con giáp là thông điệp, lời chúc xuân

Phòng tư liệu, lưu trữ của Tạp chí Sông Hương đến nay vẫn lưu giữ trọn các số đã phát hành, trong đó có rất nhiều bìa in con giáp ngày xuân của cố họa sĩ Bửu Chỉ. Phủ lớp bụi thời gian, những trang giấy đã úa vàng nhưng nhiều trang bìa tết in hình con giáp vẫn rất sắc nét dù đã hơn ba thập kỷ trôi qua.

Trong rất nhiều số tết đó, vẫn còn số Xuân 1986 - Bính Dần với hình bìa con cọp tự tay cố họa sĩ Bửu Chỉ vẽ và trình bày. Nhìn vào sắc màu có thể liên tưởng đến ngay bảng màu ngũ sắc quen thuộc của Huế. Qua đôi bàn tay tài hoa của người họa sĩ có vẻ như được thuần hóa với thế đứng thẳng, quay trực diện tỏ vẻ hầm hố nhưng tướng tá đằm đẹ, dịu hiền, có gì đó ngộ nghĩnh, suy tư.

Cứ thế, lật dở từng số bìa tết có hình con giáp của cố họa sĩ Bửu Chỉ mới thấy được trong sự đều đặn, niềm đam mê, thú vui riêng của ông. Tranh con giáp mỗi năm của ông ngoài thể hiện được đặc tính của loài vật còn mang lại cho người xem tiếng cười sảng khoái, dí dỏm, hài hước nhưng cũng thông qua đó để gửi gắm thông điệp, lời chúc xuân.

“Khác với những đề tài làm nên tên tuổi, tranh con giáp của họa sĩ Bửu Chỉ in trên Tạp chí Sông Hương cũng có điều gì đó rất riêng, mang tính dân gian, gần gũi với đời thường nên người xem rất cảm tình. Thích hơn, mỗi con giáp sau khi vẽ tự tay ông trình bày lên bìa một cách nền nã nhưng rất sang trọng”, nhà thơ Lê Vĩnh Thái - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương cảm nhận sau khi xem lại tranh con giáp và nhớ về người tiền bối.

PGS. TS. Phan Thanh Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế nhớ lại, không riêng gì vẽ tranh con giáp làm bìa cho Tạp chí Sông Hương, những năm 80 của thế kỷ trước họa sĩ Bửu Chỉ còn vẽ và trưng bày tranh con giáp với rất nhiều họa sĩ khác, tạo nên sân chơi được nhiều người đón nhận vào thời đó.

Tranh con giáp của họa sĩ Bửu Chỉ rất rõ nét, tách bạch, “vẽ con nào ra con đó”. Tuy nhiên, điểm chung ở các tác phẩm con giáp đó đều có dấu tích xưa hay ngụ ngôn, ẩn dụ. “Không chỉ mang đậm dấu ấn dân gian, tranh con giáp của Bửu Chỉ có chất tây lẫn chất ta trong cùng một tác phẩm. Con giáp của Bửu Chỉ còn đầy sự sung mãn, khát khao của cuộc sống và ít bị ảnh ảnh bởi thời cuộc. Sắc màu trong tranh ông cũng tươi rói, hân hoan”, PGS. TS. Phan Thanh Bình, nhìn nhận.

Thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, họa sĩ Bửu Chỉ còn làm việc ở tạp chí và tết nào ông cũng đảm nhận khâu vẽ tranh con giáp để làm bìa, kiêm khâu trình bày. Nói về những tác phẩm tranh bìa con giáp của người cộng sự cùng làm việc thời điểm đó, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, cựu Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhận định, cố họa sĩ Bửu Chỉ là con người tài hoa, tâm huyết. Vì thế, khi cho ra sản phẩm nào cũng được công chúng đón nhận.

Không chỉ những sáng tác bằng bút sắt về đề tài tranh đấu đô thị, Bửu Chỉ đã thành công với ý tưởng riêng để tạo được thương hiệu về tranh con giáp. Ngoài bắt được thần thái riêng của mỗi con giáp, người họa sĩ tài hoa này còn chuyển tải được phong cách riêng rất đặc biệt, trong đó có sự ẩn hiện của phong cách dân gian và hồn cốt văn hóa Huế. “Thời đó, khi nhắc đến thương hiệu Tạp chí sông Hương, người ta cũng sẽ nhớ ngay tranh con giáp của Bửu Chỉ”, ông Phê nói.

Bài, ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Niềm vui từ ngôi trường vượt khó

Năm học mới 2024 - 2025, Trường mầm non Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) lại đón nhận nhiều tin vui khi được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Niềm vui từ ngôi trường vượt khó
Niềm vui từ nấm đắng

Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt. Leo lên những đỉnh đồi chót vót, lặn lội dưới những tán rừng thâm u, những người đi săn nấm tràm luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, như bị ong rừng đốt, rắn rết cắn, ngã xe, lọt hố… và thường xuyên phải đằm mình trong những cơn mưa giông bất chợt giữa rừng. Đổi lại, cùng với niềm vui thú, sự phấn khích mà việc tìm nấm mang lại, nhiều người còn kiếm được tiền triệu mỗi ngày để cải thiện sinh kế.

Niềm vui từ nấm đắng
Niềm vui bên bãi bờ

Từng đoàn thanh niên đi dọc phía bãi bờ, ngó sóng vỗ, mỗi người chọn một vị trí, canh thời điểm buông câu.

Niềm vui bên bãi bờ
Niềm vui đời thường

Nhà có ba anh em thì anh trai cả và tôi đều sinh sống và làm việc ở tỉnh xa. May mà có vợ chồng cô em út làm nhà ngay trong vườn, sát cạnh nhà cha mẹ đã già yếu, đỡ đần sớm hôm lúc các cụ trái gió trở trời. Để phần nào “bù đắp” về việc mình không thể thường xuyên chăm sóc được cha mẹ, thời gian qua, lần nào về quê tôi thường đến siêu thị gần nhà, tranh thủ mua những loại thức ăn tốt cho sức khỏe của người già, cất vào tủ lạnh để cha mẹ dùng dần. Đồng thời, xin số điện thoại của nhân viên siêu thị, kết bạn zalo. Siêu thị có dịch vụ ship hàng tận nhà cho khách. Các bạn nhân viên cũng nhiệt tình tư vấn (gửi kèm hình ảnh qua zalo) nên dù ở xa, tôi vẫn có thể dễ dàng chọn lựa những loại trái cây tươi ngon cho cha mẹ.

Niềm vui đời thường
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Cách lập bản đồ sao chính xác nhấtapp than so học online Trúc Chỉ Hà Nội
Return to top