ClockChủ Nhật, 31/10/2021 07:07

Cho mùa sau

Gánh hàng rongNỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”

Mưa gió suốt đêm qua, giờ vẫn gió mưa đầy trời. Mở cửa nhìn ra, cái lạnh đột ngột thốc vào cổ áo. Cánh đồng trước nhà ngập trong làn nước bạc. Không còn thấy màu xanh rau má ngút ngát thường ngày. Đằng xa, vòm cây gối cổ thụ trùm lên ngôi miếu cổ cũng bị gió mưa quần cho rũ rượi. Ngoài sông nước đang lên, tràn qua các con hói, lấp xấp mặt đường làng. Mấy năm nay cứ mưa lũ về là sông Bồ đón nước bạc đầu tiên. Rồi nước theo các chi lưu tràn lên bao thôn xóm, đồng ruộng Quảng Điền. Làng Phước Yên, như bao ngôi làng trũng thấp hạ nguồn, lại thêm những ngày chìm trong mịt mờ mưa lũ.

Có 2 thứ sinh kế quan trọng hàng đầu với người nông dân Phước Yên là “rau má” và “lồng cá”. Dọc bờ sông, mấy chục lồng cá trắm cỏ đang nổi theo con nước. Với nhiều hộ dân, lồng cá là một nguồn hoa lợi đáng kể, là “của để dành” cho những lo toan gia sự trong năm. Cách đây mấy ngày, ngay trước đợt mưa lũ lớn đầu tiên, bà con đã lo gia cố, chằng buộc các lồng cá vào bờ. Rồi còn phải túc trực suốt ngày đêm canh chừng con nước, khi nước lên phải kéo lồng vào sát bờ tránh dòng nước xiết. Không ai quên được hình ảnh “khiếp đảm” ba năm trước khi chứng kiến một người đàn ông thôn Hạ Lang cố bám theo lồng cá bị bứt dây trôi theo dòng nước dữ hơn 10km về tận thôn Niêm Phò mà rồi cũng đành buông tay, may cố sức bơi được vào bờ, nuốt nước mắt nhìn lồng cá trôi về hạ lưu. Chỉ thoát chết trong gang tấc mà mấy chục triệu đồng từ 5 tấn cá lồng công khó cũng đi tong. Hôm rồi, vợ chồng Tâm khoe mới xổ lồng cá trắm cỏ, được hơn 5 tạ. Ở đây hễ lồng cá nhà nào đến kỳ thu hoạch thì anh em trong xóm đều sang góp một tay vợt cá. Vui nhất là khi vợt được những con cá trắm nặng đến 3- 4kg vùng vẫy tóe nước, tiếng nói cười xuýt xoa rộn khắp bến sông.

Phước Yên còn là xứ đồng rau má xanh ngút ngàn. Làng giàu lên nhờ rau má. Nhưng hai năm nay rau má Phước Yên gặp khó vì con virus Corona quái ác. Đã ngừng lại những chuyến xe mỗi ngày chở hàng chục tấn rau má ra bắc vào nam. Rau má đến kỳ hầu như không bán được, giá sụt chỉ còn 3.000 đồng/kg, không đủ bù công chăm tưới. Một số bà con trồng cầm chừng, có nhà cắt đem cho cá trắm ăn thay cỏ. Thất bát mùa dịch chưa qua, lại thêm mùa lụt tới. Rau má chìm hết trong mênh mông nước bạc. Buổi sáng mưa gió vẫn ầm ào, ràn rạt. Đường làng không một bóng người. Nhưng bên bờ ruộng nước lấp xấp mặt đường, vài người dân lúp xúp nón lá áo mưa với những chiếc rổ trong tay. Chính là người dân đi vớt hạt rau má theo nước dạt vào bờ. Những hạt rau này sẽ được đem phơi sấy bảo quản, làm giống. Với người dân Phước Yên từ bao đời, cảnh mưa lũ trắng đồng đâu còn xa lạ. Nhưng một khi nước rút thì ruộng lại lên xanh. Ngoài những hôm rau sống sót, còn có thêm những hạt giống góp vào vụ mới. Mùi chát ngọt đặc trưng của rau má dưới những tay liềm ràn rạt lại lan tỏa khắp đồng mỗi buổi sớm mai.

Lũ về lồng cá, rau má Phước Yên. Cá nổi, rau chìm còn người dân quê thì vuốt ngược gió mưa lo toan vụ mới. Từ tay người những con cá giống, những hạt rau giống lại rải khắp trên dòng sông, thửa ruộng đời mình, mùa gối mùa suốt cuộc đời.

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Return to top