ClockThứ Bảy, 21/05/2022 06:30

Chuyển đổi hoạt động thư viện, khơi dậy phong trào đọc

TTH - Thư viện các trường đại học (ĐH) tại Huế đang tập trung số hóa tài liệu, phát triển thư viện số và mở ra không gian đọc thân thiện nhằm khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong sinh viên.

Trường đại học Sư phạm ra mắt thư viện số

Sinh viên tìm hiểu các tài liệu, giáo trình tại ngày hội sách Trường đại học Khoa học

Sau 2 tuần ra mắt, thư viện số Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã thu hút khoảng 9.300 lượt người truy cập. Với bộ sưu tập tài liệu 12 chuyên ngành đào tạo, gồm giáo trình và tài liệu tham khảo (3.709 tài liệu) và mua quyền truy cập 2 cơ sở dữ liệu điện tử chuyên sâu ProQuest Central và SienceDirect đáp ứng việc học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, thư viện số bước đầu thu hút được bạn đọc. Nguyễn Thị Hoài An, sinh viên năm thứ 3 của trường chia sẻ: “Nhờ tiện lợi trong khâu tìm kiếm tài liệu từ xa, thư viện số đáp ứng được nhu cầu của sinh viên”.

Sự ra đời của thư viện số Trường ĐH Sư phạm không chỉ thực hiện đúng theo Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mà còn hướng đến tạo được thói quen đọc sách cho sinh viên, khi số lượt đọc thời gian qua có chiều hướng bị sụt giảm, văn hóa đọc bị ảnh hưởng bởi internet và các phương tiện giải trí công nghệ.

Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường ĐH Sư phạm cho biết, chưa tính hai năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (2019-2020, 2020-2021), số liệu thống kê bạn đọc/lượt sách cũng để lại những trăn trở. Con số này trong năm học 2016-2017 là 39.199/100.000 thì đến 2017-2018 là 33.850 bạn đọc/128.618 lượt sách. Đến năm học 2018-2019, con số trên là 13.626/53.294.

Trường đại học Khoa học tạo không gian thân thiện để sinh viên hứng thú đọc sách

Không riêng gì thư viện Trường ĐH Sư phạm, tại nhiều thư viện các trường ĐH phong trào đọc sách ít nhiều bị ảnh hưởng và việc chuyển đổi, thay đổi mô hình hoạt động thư viện là tất yếu. Theo đại diện bộ phận thư viện Trường Du lịch - ĐH Huế, các khảo sát liên quan trong những năm qua cho thấy, văn hóa đọc của sinh viên bị ảnh hưởng lớn khi công nghệ và hàng loạt phương tiện giải trí ra đời. Tình trạng lười đọc sách, ngại đọc sách xuất hiện phổ biến hơn và thói quen đọc sách, phương thức đọc của sinh viên cũng có những thay đổi. Điều này đòi hỏi các thư viện phải thay đổi, chuyển đổi số thư viện.

Tại Huế, các trường ĐH đã và đang tập trung mạnh cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện. Ông Nguyễn Thanh Sỹ, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, từ năm 2014, trường đã chú ý đến xây dựng thư viện số, đến năm 2020 thì tương đối hoàn thiện. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tiếp tục số hóa các tài liệu, giáo trình, bài báo khoa học, các luận văn, khóa luận… phục vụ nhu cầu tìm đọc của sinh viên. Trung bình mỗi năm, có hơn 3.000 tài liệu được số hóa.

Cùng với thư viện số, việc làm mới không gian đọc sách cũng là giải pháp thay đổi nhằm tạo sự hứng thú cho bạn đọc đến thư viện truyền thống. Tại nhiều đơn vị như Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế hay Trường ĐH Phú Xuân… các không gian đọc thân thiện, trang trí thêm cây xanh, có phòng điều hòa, khu vực để check-in tạo cho sinh viên thích thú hơn với việc đọc sách. Anh Nguyễn Tường Du, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Khoa học cho biết, từ năm nay, Hội Sinh viên trường phát động phong trào mỗi tuần hai ngày đến thư viện để hưởng ứng và lan tỏa, tạo thói quen cho sinh viên với việc đọc sách.

Các trường cũng áp dụng nhiều giải pháp trong việc chuyển đổi mô hình thư viện nhằm tăng tính tự học, tự nghiên cứu, đọc sách của sinh viên. Trong đó, thư viện các trường hình thành các cuộc thi đọc sách cho sinh viên, triển lãm và giới thiệu sách, mời các diễn giả chia sẻ về giá trị và thói quen của việc đọc sách...

Các thư viện cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị hiện đại và xây dựng thói quen đọc cho sinh viên tại thư viện, cùng với các giảng viên bộ môn định hướng sách tài liệu để sinh viên tham khảo, tìm đọc.

Bài, ảnh: MINH TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thông của thư viện. Nếu làm tốt công tác truyền thông thì cộng đồng sẽ dễ dàng nhận diện rõ được vai trò, đóng góp của thư viện, giúp cộng đồng nhận biết, có ấn tượng tốt, kích thích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của thư viện nhiều hơn. Đó là một trong nhiều nhận định được các chuyên gia, những người làm công tác thư viện đưa ra khi bàn về việc truyền thông, quảng bá văn hóa đọc trong đời sống hiện nay.

Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top