“Cây cô đơn” - trở nên nổi tiếng sau phim “Mắt biếc”
Cơ hội
Năm 2019 và 2020 đánh dấu sức hút của Huế đối với điện ảnh khi có nhiều bộ phim được quay tại Huế, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. “Gái già lắm chiêu 3” và “Mắt biếc” có doanh thu trên 100 tỷ đồng, “Hoa nở về đêm” dự Liên hoan phim Cannes... Nhiều người kỳ vọng, đây là khởi đầu để đưa Huế trở thành phim trường trong tương lai. Đạo diễn Victor Vũ khẳng định, chính những nét đẹp văn hóa rất riêng của Huế thu hút mãnh liệt tâm hồn của nhà làm phim, chắc chắn Huế có đầy đủ tiềm năng để trở thành phim trường lớn.
Chia sẻ cơ hội phát triển văn hóa dưới góc nhìn điện ảnh tại sự kiện Innovation Day 2020, đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân cho rằng, Huế phù hợp để phát triển công nghiệp văn hóa, vì Huế có bản sắc văn hóa truyền thống rất riêng, đặc trưng. Theo anh, Huế nên là một thị trường ngách cung ứng dịch vụ và nhân lực cho công nghiệp điện ảnh. Ngoài ưu điểm về bối cảnh, doanh nghiệp tại Huế có thể tham gia cung cấp diễn viên quần chúng, viết kịch bản, trợ lý sản xuất, thời trang, âm nhạc, đạo cụ, thiết kế, dịch vụ lưu trú...
Phim “Gái già lắm chiêu V” thực hiện cảnh quay tại Huế
Đạo diễn Bảo Nhân phân tích: “Điện ảnh là sản phẩm có thể mang giá trị văn hóa, con người vượt biên giới đi khắp mọi nơi và đem về giá trị kinh tế cho Huế. Cơ hội đang dần mở ra khi các dự án phim bom tấn có kinh phí trên 20 tỷ đồng chọn về Huế thực hiện các cảnh quay. Huế có không gian, bối cảnh phù hợp với dòng phim retro, cổ trang, xu hướng phim sẽ trở lại mạnh mẽ trong thời gian tới. Đó là ưu điểm bước đầu, là thị trường ngách để chào mời các nhà sản xuất. Huế đang sở hữu đội ngũ nhân lực trẻ, chính quyền cởi mở đón nhận các đoàn phim. Huế cũng đang tập trung phát triển công nghệ làm nền tảng. Mọi thứ dường như đang diễn biến mắt xích với nhau một cách hợp lý”.
Từng triển khai nhiều sự kiện quan trọng cho khách hàng tại Huế, ông Vũ Trung Hiệp, Giám đốc Điều hành LinkStar cho rằng, qua 20 năm kinh nghiệm tổ chức chuỗi sự kiện Festival Huế, Huế hoàn toàn có đủ năng lực phát triển thành điểm đến tổ chức sự kiện nhưng cần đổi mới, mở rộng chủ đề lễ hội và loại hình sự kiện khác nhau nhằm tăng tính hấp dẫn. Huế còn cần thêm những không gian hoặc tổ hợp hiện đại có thể đăng cai các liên hoan phim, tổ chức các liveshow âm nhạc và những doanh nghiệp có thể cung ứng các phần việc tại chỗ.
Với thế mạnh về văn hóa di sản và cảnh quan, Huế có cơ hội trở thành phim trường lớn
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài” tạo ra cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ khi tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm áo dài Huế đến với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế. Ông Hải nhẩm tính: “Năm 2019, Huế đón hơn 4,9 triệu lượt khách. Nếu phục vụ được 20% lượng khách đến Huế may áo dài với chi phí tầm 1 triệu đồng/khách, doanh thu dự kiến có thể đạt khoảng trên 900 tỷ đồng. Cùng với áo dài, có thể thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, phụ kiện hỗ trợ. Đây chính là cách phát triển công nghiệp văn hóa, vừa kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nguồn thu ngân sách, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống”.
Có chiến lược cụ thể
Tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa trở thành ngành “hái ra tiền”. Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền kinh tế điển hình chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa – công nghiệp sáng tạo. Đạo diễn Bảo Nhân dẫn chứng, các hoạt động giải trí, truyền hình, quảng cáo đã đóng góp hơn 85% tổng GDP quốc gia của Hồng Kông từ năm 2005 – 2018. Nhật Bản có doanh thu trung bình lên đến 2 tỷ USD từ viết truyện, xuất bản truyện, làm quà lưu niệm từ truyện... Hàn Quốc cũng không kém cạnh với những nhóm nhạc, phim ảnh được ưa chuộng trên toàn cầu. Trong bối cảnh bùng nổ của 4.0, công nghiệp văn hóa đã và đang có nhiều cơ hội để phát triển.
Huế có tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa, thể hiện qua kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được khẳng định, tôn vinh, các lễ hội, nghề thủ công, ẩm thực cùng môi trường tự nhiên, cảnh quan... Huế đã tập trung khai thác tiềm năng này để phát triển công nghiệp văn hóa, thể hiện qua việc xây dựng thương hiệu Festival Huế, thành phố văn hóa ASEAN; khai thác chuỗi giá trị từ di sản, di tích, bảo tàng, nghề thủ công truyền thống...
TS. Phan Thanh Hải khẳng định, Thừa Thiên Huế sẽ được rất nhiều nếu phát triển công nghiệp văn hóa đúng nghĩa. Giàu có nhờ lợi thế văn hóa di sản, sang trọng lên vì thương hiệu và thực sự trở thành một thành phố “đáng sống”. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần mang văn hóa Huế ra với thế giới.
Thừa Thiên Huế cũng đang đứng trước nhiều thách thức: sự cạnh tranh quyết liệt của các địa phương khác; ngành công nghiệp văn hóa của Huế còn nhỏ, yếu, trong khi văn hóa và công nghiệp văn hóa đòi hỏi sự đầu tư lớn và có chiều sâu. Việc thiếu đầu tư cho các thiết chế văn hóa, dịch vụ khiến Thừa Thiên Huế đến nay vẫn chưa khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, không có khả năng đón đoàn khách lớn, không cung ứng được yêu cầu cao cấp của khách...
Để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, cần thay đổi cách tiếp cận, cách nhìn về văn hóa, phải xem di sản văn hóa là “quỹ” để phát triển. “Đầu tư cho văn hóa phải mang tầm chiến lược, có chiều sâu để phục vụ phát triển bền vững. Đó là đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế bài bản, đào tạo con người, xây dựng nguồn nhân lực, nghiên cứu nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, linh hoạt để giải phóng tiềm năng. Vấn đề cốt lõi là phải thực sự tôn trọng văn hóa, di sản, xem đó là nguồn lực để phát triển, vừa phát huy thế mạnh của nó nhưng vừa giữ gìn, nâng niu, bồi đắp… Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thế mạnh của địa phương, làm cho văn hóa, di sản Huế trở nên hấp dẫn khó cưỡng đối với nhà đầu tư, du khách; làm cho mỗi người dân Huế không chỉ tự hào mà còn biết tham gia vào chuỗi khai thác, phát huy giá trị di sản”, ông Hải nhấn mạnh.
Cùng với chính sách cởi mở của tỉnh trong những năm gần đây, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là “chìa khóa vàng” để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Điều cần thiết là xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp...
Bài: Minh Hiền
Ảnh: Trung Phan - Minh Hiền