ClockThứ Tư, 11/01/2023 14:10

Cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022: Lấy tác phẩm cũ, đã công bố trên youtube, facebook để dự thi là điều tối kỵ, rất không nên

TTH.VN - Sau khi Thừa Thiên Huế Online đăng tải bài viết “Lùm xùm xung quanh một số tác phẩm đạt giải cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022”, độc giả đã có phản hồi liên quan một số nội dung trong bài viết. Xin gửi đến bạn đọc.

Ban tổ chức không xin phép tác giả khi biểu diễn ca khúc "Mười thương"Lùm xùm xung quanh một số tác phẩm đạt giải Cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022

1 - Tôi là một nhạc sĩ ở Huế, từng tham gia cũng nhiều cuộc thi sáng tác. Mới đây, đọc bài báo “Lùm xùm xung quanh một số tác phẩm đạt giải cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022” của tác giả Hàn Đăng đăng trên Thừa Thiên Huế Online ngày 7/1, tôi thấy vấn đề tác giả đặt ra rất đúng, nhưng trả lời của Trưởng BTC và Trưởng BGK cuộc thi lại không thỏa đáng, cần trao đổi lại.

Ca khúc “Thương màu mắt Huế” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩ đăng trên youtube (ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, bài báo cho biết, có nhiều phản ánh về ca khúc đoạt giải Nhất “Thương màu mắt Huế” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩ – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng; ca khúc đoạt giải Ba “Đường xưa” của tác giả Trần Hữu Dàng (Thừa Thiên Huế); ca khúc đạt giải Khuyến khích “Mười thương” của tác giả Văn Đen (Thừa Thiên Huế). Đây là những ca khúc vi phạm quy chế cuộc thi nhưng vẫn đạt giải, có ca khúc đạt giải cao.

Trả lời những phản ánh trên, theo bài viết, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh cho biết: “thể lệ ghi rõ là “… chưa công bố và biểu diễn trên sân khấu dưới bất kỳ hình thức nào”, còn ở đây là đăng tải trên youtube và chia sẻ trên facebook nên không thể gọi là công bố và biểu diễn trên sân khấu. Tức là các tác phẩm này không phạm quy.

Ngoài ra, những tác phẩm nói trên sau khi đăng tải ở youtube, facebook hay được trình diễn ở hội hè, tiệc tùng nào đó cũng chưa chắc sẽ giữ nguyên gốc để gửi tham dự cuộc thi Tôi yêu Huế 2022, mà tác giả có thể thay đổi ca từ, giai điệu, thậm chí thay đổi 1 từ cũng đã dẫn tới sự khác biệt, nên không thể nói đây là những sáng tác cũ!”.

Theo tôi, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc trả lời như trên là không thỏa đáng. Bởi, trong thể lệ cuộc thi “Tôi yêu Huế”, ở mục 4 - Quy cách tác phẩm dự thi ghi rõ: “Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm sáng tác mới, chưa gửi tham gia bất kỳ cuộc thi nào, chưa có công bố và biểu diễn trên sân khấu dưới bất kỳ hình thức nào”.

Rõ ràng ở đây có 4 tiêu chí rất cụ thể: 1/Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm sáng tác mới; 2/ Chưa gửi tham gia bất kỳ cuộc thi nào; 3/ Chưa có công bố; 4/ Chưa biểu diễn trên sân khấu dưới bất kỳ hình thức nào. Trưởng BTC chỉ dựa vào 2 tiêu chí cuối là “Chưa có công bố và biểu diễn trên sân khấu dưới bất kỳ hình thức nào” để khẳng định “… còn ở đây là đăng tải trên youtube và chia sẻ trên facebook, không thể gọi là công bố và biểu diễn trên sân khấu”.

Nói như vậy, ông Thanh Ngọc bỏ qua tiêu chí “Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm sáng tác mới”. Và, sao có thể nói tác phẩm đã đăng tải trên youtube và trên facebook không phải là công bố?!

Chúng ta đang sống ở thời đại công nghệ số, thời đại 4.0, thời đại bùng nổ của mạng internet. Tác phẩm biểu diễn trên một sân khấu nhỏ nào đó, nhiều lắm cũng chỉ vài trăm người xem. Còn tác phẩm đã đăng trên mạng youtube hay facebook thì có thể có hàng triệu triệu người biết, sao có thể nói không phải là công bố?!

Thứ hai, ông Thanh Ngọc nói: “Những tác phẩm nói trên sau khi đăng tải ở youtube, facebook hay được trình diễn ở hội hè, tiệc tùng nào đó cũng chưa chắc sẽ giữ nguyên gốc để gửi tham dự cuộc thi Tôi yêu Huế 2022, mà tác giả có thể thay đổi ca từ, giai điệu, thậm chí thay đổi 1 từ cũng đã dẫn tới sự khác biệt, nên không thể nói đây là những sáng tác cũ”.

Nói “cũng chưa chắc sẽ giữ nguyên gốc để gửi tham dự cuộc thi”, vậy BTC đã có động thái gì để kiểm tra, đối chiếu xem các tác giả có chỉnh sửa gì so với bản gốc chưa? 

2 - Trong bài báo của tác giả Hàn Đăng, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết: “Về tác phẩm “Mười thương” của tác giả Văn Đen, sau khi BTC cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022 trao giải (18/12/2022) thì đến cuối tháng 12/2022, Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) mới công bố và trao giải nên cũng không thể nói tác giả này vi phạm thể lệ cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022”.  

Ca khúc “Mười thương” của tác giả Văn Đen biểu diễn tại Chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí “Thiên thần Việt” năm 2019 đăng trên youtube (ảnh chụp màn hình) 

Khi nói như thế, không biết tác giả Văn Đen cùng gửi bài “Mười thương” tham dự cả cuộc thi “Tôi yêu Huế” lẫn dự giải thưởng Hội NSVN hay gửi dự cuộc thi “Tôi yêu Huế” trước, được giải rồi mới gửi dự giải thưởng Hội NSVN. Hay gửi dự giải thưởng Hội NSVN 2022 rồi mới gửi dự cuộc thi “Tôi yêu Huế”.

Tuy nhiên, theo tôi, nếu tác phẩm này được tác giả Văn Đen gửi dự thi “Tôi yêu Huế” năm 2022 và được giải rồi mới gửi dự giải thưởng Hội NSVN 2022 thì tác phẩm này vi phạm quy chế của giải thưởng Hội NSVN 2022 vì ở mục 8 trong quy chế quy định: “Hội NSVN không nhận và không xét giải thưởng cho các tác phẩm sau: Đang có tranh chấp, khiếu kiện về quyền tác giả, hoặc đang tham dự giải thưởng của các Hội đồng khác”.

Nếu tác giả đã gửi dự giải thưởng Hội NSVN 2022 rồi mới gửi dự thi “Tôi yêu Huế” năm 2022 thì vi phạm quy chế cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022 ở tiêu chí 2: “Chưa gửi tham gia bất kỳ cuộc thi nào”.

Còn nếu gửi một lúc cho cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022 và giải thưởng Hội NSVN 2022 thì tác phẩm 2 lần vi phạm của 2 quy chế của 2 cuộc thi nói trên.

3 - Cũng theo bài báo, ông Lê Chí Quốc Anh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế - Phó BTC, Trưởng BGK cuộc thi “Tôi yêu Huế” năm 2022 cũng khẳng định, các trường hợp nêu trên không vi phạm thể lệ cuộc thi.

Ca khúc “Đường xưa” của tác giả Trần Hữu Dàng đăng trên youtube (ảnh chụp màn hình)

Theo ông Quốc Anh, “để xác định những tác phẩm này không phải là sáng tác mới thì cần căn cứ vào bản gốc đã được công bố để đối chiếu xem có thay đổi về ca từ, giai điệu…nào không hay vẫn giữ nguyên. Có những tác phẩm sau khi sáng tác, được tác giả thể hiện ở một góc vui nào đó, nhưng khi chuẩn bị tham dự cuộc thi – như Tôi yêu Huế chẳng hạn – họ ấp ủ trong thời gian dài mà có thể chỉ để hiệu chỉnh 1, 2 nốt nhạc rồi mới “chốt” và gửi tham dự. Và đến thời điểm hiện tại, những tác phẩm đạt giải nói trên chưa có văn bản chính thức khẳng định đã được công bố”.

Ông Quốc Anh cho rằng: “Việc các tác phẩm này đăng tải trên youtube, chia sẻ trên facebook như một cách gửi gắm mang tính cá nhân của tác giả, còn công bố chính thức là phải có văn bản chính thức, hoặc công bố trên báo, đài, văn bản nhạc, hoặc ở một cuộc thi, biểu diễn trên sân khấu hay trong chương trình giới thiệu tác phẩm mới của hội chuyên ngành…”.

Theo tôi, chuyện lấy tác phẩm cũ, đã công bố trên youtube, facebook và phát sóng trên truyền hình (như tác phẩm “Mười thương” của tác giả Văn Đen chẳng hạn) để dự thi là điều tối kỵ, rất không nên. Các tác giả và những người liên quan nên có giải thích, giải quyết thấu đáo hơn.

Bồ Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc thi "Tôi yêu Huế" năm 2022”: Cần có đánh giá, giải quyết thấu đáo từ phía Ban tổ chức

Sau khi thông tin "Ban tổ chức không xin phép tác giả khi biểu diễn ca khúc "Mười thương" đăng tải trên Thừa Thiên Huế Online, đại diện đơn vị tổ chức chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí “Thiên thần Việt” (Cuộc thi “Thiên thần Việt”) năm 2019 đã có trao đổi cùng người viết về những nội dung liên quan.

Cuộc thi Tôi yêu Huế năm 2022” Cần có đánh giá, giải quyết thấu đáo từ phía Ban tổ chức
Liên quan vụ “Lùm xùm xung quanh một số tác phẩm đạt giải cuộc thi "Tôi yêu Huế" năm 2022”
Ban tổ chức không xin phép tác giả khi biểu diễn ca khúc "Mười thương"

Sau khi đăng tải bài viết “Lùm xùm xung quanh một số tác phẩm đạt giải cuộc thi "Tôi yêu Huế" năm 2022”, ngày 9/1, Thừa Thiên Huế Online nhận được phản hồi liên quan đến ca khúc "Mười thương".

Ban tổ chức không xin phép tác giả khi biểu diễn ca khúc Mười thương
Văn Đen - Người viết nhạc phong trào

“Quên thân lực lượng ngành y, ngày đêm túc trực cách ly đẩy lùi. Dịch bệnh bùng phát nơi nơi, ngành y xung kích chẳng phút nghỉ ngơi. Y đức như mẹ hiền, cứu giúp người bệnh thoát tay tử thần”. Đó là những ca từ đầy cảm động trong ca khúc “Đại dịch COVID sẽ tan”, sáng tác bởi nhạc sĩ Văn Đen, người từ lâu vẫn thường được bạn bè gọi bằng cái tên thân mật: “nhạc sĩ của những phong trào”.

Văn Đen - Người viết nhạc phong trào

TIN MỚI

Return to top