ClockChủ Nhật, 28/05/2023 07:21

Để có một quán sách báo bên bờ sông Hương

TTH - Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tuy ở bờ bắc sông Hương có nhà sách Phú Xuân hoành tráng, nhưng con đường này ít du khách và người muốn mua sách rất ngại phải vào gửi xe cộ; hơn nữa, không ít cuốn sách có giá trị nếu tác giả muốn đem sách đến ký gửi tại nhà sách Phú Xuân, thủ tục khá lôi thôi...

Sách là người thầySôi nổi các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023

leftcenterrightdel
Một góc quán sách Hải Hạc trong hẻm 5 Đội Cung - Huế 

Tôi cũng đã nghĩ đến vấn đề này từ lâu, khi một bạn yêu sách hỏi: “Em đã đọc bài của anh giới thiệu cuốn hồi ký “Gánh gánh…gồng gồng”, nhưng mua ở đâu?” - Tôi nghe nói tác giả có gửi một ít ở quán cà phê đường N.T.T…”.  Ồi! Đầy quán cà phê, hỏi không đúng…vô duyên…”. Xin được nói thêm, “Gánh gánh…gồng gồng” là tác phẩm nổi tiếng có rất nhiều chương viết về Huế, của một “kỳ nữ” Huế - bà Xuân Phượng, từng đoạt giải nhất văn chương cả nước. Gần hơn, sau khi báo Thừa Thiên Huế đưa tin buổi giới thiệu cuốn sách biên khảo “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo”của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, cũng có bạn hỏi: “Thế mua sách ấy ở đâu?” Tôi cũng đành chịu, mặc dù tác giả người Huế, cuốn sách viết về một nhân vật có công lớn với Huế và ngành báo chí; nhưng sách do tác giả tự in và phát hành, sau khi biếu tặng hơn trăm cuốn, còn vài trăm bản, nghe đâu đã tiêu thụ hết tại TP. Hồ Chí Minh.

Một chuyện cụ thể nữa, một số tác giả hay nhân vật được nhắc đến trong bài viết trên báo Thừa Thiên Huế hay tạp chí Sông Hương, muốn mua vài số làm kỷ niệm cũng không biết tìm mua ở đâu?... Có thể nói ngay, nếu như có một quán sách báo bên bờ nam sông Hương thì câu trả lời rất dễ.

Cũng có thể sẽ có bạn bảo, bây giờ, người đọc sách báo ngày càng ít, “bày chuyện” đó ra làm gì! Xin thưa: Ngược lại, chính vì thế mới cần có một quán sách báo thuận tiện nhất cho người muốn mua. Đây cũng là một cách tạo điều kiện và nhắc nhở mọi người giữ cho được thói quen đọc sách thường xuyên, chứ không thể an tâm vì đã có những hoạt động “Sách và văn hóa đọc” diễn ra thật sôi động và đa dạng, nhưng một năm chỉ trong vài ngày…

Mặt khác, một trung tâm văn hoá như Huế, không tìm thấy một quán sách báo nào trong suốt dải “đất vàng” bên bờ nam Sông Hương - nơi rất đông du khách thưởng ngoạn, thì rõ thật vô lý! Tôi đã có lần nói điều này với một vị lãnh đạo TP. Huế́, sau khi đến thăm quán sách khiêm tốn trong hẻm 5 Đội Cung - quán sách Hải Hạc - do một nhà báo làm chủ “kiêm nhiệm”, đồng chí tỏ ý cũng rất muốn có một quán sách báo đàng hoàng bên bờ nam sông Hương. Vậy nhưng, “Đường sách Huế” năm ngoái đã có nhóm “chuyên gia” đi khảo sát, tìm chỗ, nhưng đến nay vẫn… lặng thinh!

Nên lý giải các điều trên như thế nào? Theo tôi, có mấy nguyên nhân:

1. Do người đọc ít hơn trước, việc kinh doanh sách báo hiện nay khó mang lại lợi nhuận; bằng chứng là Nhà sách Phương Nam tại 15 Lê Lợi một thời khá “hoành tráng” đã phải đóng cửa mấy năm nay. Thực trạng đó dễ dẫn đến suy luận: một việc không có lời, lại có ít người quan tâm thì sao lại phải nhọc lòng suy tính?

Xin phép được “đối thoại” như sau: Nếu đã nhận thức việc đọc sách báo có nhiều lợi ích không thể tranh cãi, thì trong tình hình hiện nay, không nên đặt yếu tố lợi nhuận lên trước - giải quyết “nút thắt” này sẽ bàn tiếp dưới đây. Còn chính vì do ít người quan tâm đọc sách báo, nên càng phải tìm mọi cách đưa sách báo đến tay người đọc. Mở quán sách báo nơi đông người qua lại và thuận tiện ghé mua là phương thức có khả năng thực hiện nhất. Một điều quan trọng cũng nên lưu ý, khi người ta đã bỏ tiền ra mua thì sách báo sẽ được đọc hết - khác với sách báo được tặng, phần lớn nằm in trong tủ kính!

2. Việc mở một quán sách báo bên bờ nam sông Hương - nơi còn rất - rất nhiều khoảng trống - chưa thực hiện được có phải do… “cơ chế”? Tôi phải dùng “ngoặc kép” và dấu hỏi (?) do đôi điều lý giải sau đây có lẽ chưa có cơ quan hữu quan công bố. Trước hết, đó là sự phân cấp giữa tỉnh và thành phố trong việc sử dụng không gian đôi bờ sông Hương. Tiếp đó là chưa có quy định cụ thể công trình quy mô thế nào, thuộc lĩnh vực nào được đặt bên bờ sông Hương nên làm cái gì mới cũng sợ bị phê phán? Riêng về điểm này, xin được có ý kiến như sau: Đúng là phải rất thận trọng khi định làm gì bên bờ sông Hương. Nhưng đặt một quầy sách báo với quy mô và kiểu dáng phù hợp thì chỉ làm sang thêm cho báu vật mà tạo hóa đã ban cho Huế mà thôi. Vì vậy, rất mong các cơ quan hữu quan cùng “ngồi lại” để sớm có phương án cho phép đặt một quán sách báo bên bờ nam sông Hương; hơn thế, nếu có thiết kế, quy hoạch đẹp thì có thể đây là một “Không gian sách” thay cho địa chỉ mà thành phố đang tìm để xây dựng một “Đường sách”…

3. Điều quan trọng và thực tế, là khi thành phố và tỉnh có chủ trương nói trên, ai sẽ là người thực hiện trong tình hình khó khăn hiện nay. Theo tôi, có hai cách:

Thứ nhất, cho đấu thầu – có thể sẽ có tư nhân có cách tiếp thị để kinh doanh không bị lỗ, hoặc có doanh nhân yêu Huế và quan tâm đến văn hóa vui lòng nhận làm công trình này mà không nhằm mục đích kinh doanh.

Thứ hai, nếu cách trên không thực hiện được, đề nghị giao cho ngành văn hoá. Chúng ta chưa quên một thời gian dài, ngành văn hoá có công ty phát hành sách hoạt động khắp các địa phương khá kết quả. Hoàn cảnh thay đổi, không phải đặt vấn đề quay lại cơ chế cũ, nhưng trong ngành văn hóa - văn nghệ và cả thể thao hiện nay, do tính đặc thù của chúng, vẫn còn phải “bao cấp” không ít hoạt động. Vậy tại sao, một việc cần thiết góp phần cụ thể tạo nên thói quen đọc sách báo thường xuyên, lại không thể “bao cấp” hay bù lỗ một phần? Thiết nghĩ, ngành văn hoá thành phố và tỉnh không khó cử ra một tổ 2-3 người lo việc này… Tất nhiên, hình mẫu quán sách báo phải được thiết kế phù hợp cảnh quan bờ sông Hương, trong đó dành chỗ đẹp nhất cho sách báo viết về Huế và tác giả ở Huế… Xin được mạnh dạn đặt vấn đề trước công luận và rất mong được các cơ quan hữu quan nghiên cứu để sớm có chủ trương thực hiện việc làm chỉ mang lại điều tốt đẹp cho Huế mà thôi!

Bài: Nguyễn Khắc Phê - Ảnh: PK
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách cũ

Tôi không phải là một người yêu sách cũ cho đến một ngày, khi bất chợt gặp một cuốn sách lướt qua mắt, trên dòng thời gian của một trang facebook cá nhân.

Sách cũ
Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ

Đó là chủ đề của buổi workshop diễn ra vào chiều 7/12 tại 23 - 25 Lê Lợi (TP.Huế) với sự chia sẻ của giảng viên Nguyễn Chí Ngàn - Bộ môn Nhân học, Khảo cổ học, Văn hóa Du lịch, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoạt động do Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức.

Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ
Thư viện ngày mưa

Cửa sổ mở rộng, hàng chục đóa hồng dưới mưa vẫn đỏ rực. Từ chỗ tôi ngồi nhìn ra có thể thấy một khu vườn nhỏ gồm nhiều chậu cây nằm dọc theo hành lang dài. Hơi xa sau mấy chậu hoa hồng là hai chậu đậu biếc, những bông hoa nhỏ tím một màu rất Huế đang bám chặt vào dây leo trên bờ tường. Ngày mưa, sắc hoa làm không gian thư viện vui lên.

Thư viện ngày mưa

TIN MỚI

Return to top