Nhà văn Trần Thuỳ Mai. Ảnh: NVCC
Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã kết nối với nhà văn Trần Thuỳ Mai để lắng nghe những chia sẻ của bà về hành trình "thai nghén" tác phẩm cho đến giải thưởng.
Từ Mỹ, nhà văn chia sẻ: “Khi chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử để gieo trồng trên cánh đồng của mình, với những hạt giống tư liệu và ý tưởng tôi có từ nơi mình sinh ra, mục đích của tôi đơn giản chỉ để không bị đứt rễ với quê hương…”.
Hay tin đoạt giải, cảm giác đầu tiên của tôi là bất ngờ. Đây là giải do độc giả và chuyên gia đề cử. Ban tổ chức giữ kín kết quả, còn mấy ngày nữa công bố mới báo tin. Khi nhà văn Nhật Chiêu – đại diện Hội đồng xét giải - gọi điện báo tin thì tôi loạng quạng mất một lúc mới bắt đầu cảm thấy vui mừng và hân hạnh.
Giải Sách hay của Viện Giáo dục IRED trong những năm qua đã được đánh giá là một giải uy tín, có nhiều tác động tích cực đến những xu hướng đọc, viết, dịch và làm sách tiến bộ của Việt Nam.
Tên tuổi của nhà văn gắn liền với những sáng tác truyện ngắn và “Từ Dụ Thái hậu” là tiểu thuyết đầu tay nhưng rất thành công. Có lẽ đây là tác phẩm được ấp ủ từ lâu?
Vâng, cũng khá lâu! Tôi bắt tay vào việc thu thập tư liệu và xây dựng ý tưởng từ năm 2011. Sau đó, viết dần dần qua nhiều chặng, đến 2019 thì hoàn thành. Nhiều bạn đọc nói giọng văn của tôi đã thay đổi, không giống như thời viết truyện ngắn. Thật ra, không phải tôi thay đổi, mà là do yêu cầu của thể loại, mỗi thể loại đòi hỏi cách viết khác nhau.
“Từ Dụ Thái hậu” là tiểu thuyết lịch sử, bản thân câu chuyện bao gồm rất nhiều nhân vật đa dạng, rất nhiều tình tiết đan xen. Vì vậy, tôi chọn bút pháp giản dị nhất, để không làm rối câu chuyện. Tôi thường có quan niệm, sự giản dị là con đường ngắn nhất đi đến trái tim.
Tại sao là “Từ Dụ Thái hậu” mà không phải một nhân vật khác, thưa bà?
Từ Dụ Thái hậu là một hình ảnh rất đẹp của vương triều Nguyễn. Chuyện về bà được ghi trong sử sách, chủ yếu là trong bộ Đại Nam liệt truyện. Tuy vậy, lời bình trong sách sử dù sao cũng chưa đủ bảo chứng cho giá trị của một nhân vật! Bởi vì, trong sử chính thống bà Thái hậu nào cũng đều được ghi là tốt đẹp, nhân từ, cao minh. Thử hỏi có sử quan nào dám ghi không tốt cho mẹ vua, bà nội vua không? Nhưng với Từ Dụ Thái hậu thì khác, hình ảnh bà không chỉ được ca ngợi trong chính sử, mà còn để lại dấu ấn qua nhiều giai thoại và thơ ca dân gian, với tất cả niềm kính mến của dân nghèo.
Điều đó chỉ duy nhất xảy ra với một mình bà Thái hậu này mà thôi! Chính điều đó đã khiến tôi bị thu hút bởi cuộc đời, tính cách và vai trò rất đặc biệt của bà trong lịch sử!
Nhà văn có thể chia sẻ đôi chút về bí quyết để có một tác phẩm thành công như tiểu thuyết vừa đạt giải của mình?
Nếu nói đến chữ “bí quyết” thì hơi cao siêu quá, tôi chỉ có hai điều chia sẻ, rút ra được từ kinh nghiệm ba mươi năm cầm bút:
Thứ nhất là, chỉ viết những gì mình thích, theo cách mình thích. Không vì cái ưa chuộng của người khác mà cố gắng làm ra vẻ huyền ảo, hiện sinh, siêu thực… Viết cũng giống như tình yêu, chính trong lúc cho cũng là lúc nhận. Chỉ lúc đi tận cùng tâm hồn mình, mới gặp được tâm hồn của người khác. Đi tận cùng cái thích của mình, mới gặp được cái thích của bạn đọc!
Nhà văn Trần Thuỳ Mai (đứng) trong một lần giao lưu với người yêu văn chương nhân sự kiện ra mắt cuốn tiểu thuyết "Từ Dụ Thái hậu". Ảnh: PHAN MINH NGA
Thứ hai, tôi cố gắng áp dụng bí quyết của thuật bắn cung, mà nhân vật Trương Đăng Quế đã truyền cho Hoàng tử trưởng Miên Tông ở chương 30 tiểu thuyết "Từ Dụ Thái hậu". Đó là thuật Nhiếp tâm, “để cho mình với hồng tâm trở thành một”. Một khi đề tài đã thâm nhập vào trong trí óc và tâm hồn mình, thì dường như nó tự có sự sống, mình chỉ nương theo đường đi của nó mà viết ra thôi…
Nhà văn từng nói rằng văn hóa, lịch sử, con người Huế, Việt Nam là những gì quý nhất mà bản thân đã tiếp cận trong nửa cuộc đời. Nó ảnh hưởng như thế nào trong sáng tác của bà?
Văn hóa, lịch sử là một phần tiềm ẩn trong máu thịt da tóc của mỗi con người, có điều chúng ta thường không để ý đến nó thôi. Bởi vậy những chuyến đi xa đôi khi rất cần thiết cho người cầm bút. Khi tiếp cận những nền văn hóa khác, mình thấy rõ nhất cái gì là Việt Nam, cái gì là mình…
Từ khi xa Huế tôi mới cảm nhận rất rõ những gì Huế đã cho tôi. Nếu kể tách bạch ra từng yếu tố thì quá dài, chỉ biết rằng khi cầm bút viết một tác phẩm đến 64 chương với 900 trang, những ký ức văn hóa Huế cứ tuần tự trải ra để làm nền cho câu chuyện, tôi không phải dụng công sắp xếp hay tô điểm gì cả…
Trên facebook cá nhân, nhà văn chia sẻ: “Mai sẽ cố gắng cày thêm nữa để góp thêm sách cho cuộc đời và để tạ lòng bạn đọc”. Đọc được điều đó, nhiều người đang đặt câu hỏi có phải nhà văn đang ấp ủ nhiều tác phẩm mới?
Vâng, hiện tôi đang viết một câu chuyện khác, về một nhân vật khác. Bối cảnh sẽ là đất nước Việt Nam thế kỷ 19, từ khi Tây bắn vào cửa Hàn cho đến sự kiện Thất thủ kinh đô. Trong câu chuyện mới này, chúng ta sẽ không lìa xa hình ảnh của Từ Dụ Thái hậu, bởi bà là một trong những người đứng ngay giữa cơn sóng gió mà ta thường gọi là thời kỳ “Tứ nguyệt tam vương”.
Nhưng, nhân vật trung tâm của tôi lần này lại là một công chúa triều Nguyễn. Các con gái của hai Hoàng đế Minh Mạng và Thiệu Trị sống trong giai đoạn này tất cả là 99 người, tôi sẽ viết về một trong số 99 nàng công chúa ấy (xin phép giấu tên người đẹp để sau này còn có cái mà “vén màn bí mật”).
Nhà văn sẽ tiếp tục theo đuổi thể loại tiểu thuyết hay quay về truyện ngắn?
Tôi vẫn rất yêu thích thể loại truyện ngắn, thể loại có kích cỡ nhỏ nhưng sức nén lớn. Thời gian này tôi đang còn “nhiếp tâm” vào truyện dài, ít nhất là trong một năm nữa. Tính tôi làm việc gì thường đắm đuối vào việc đó, không có khả năng làm một lúc nhiều việc.
Tuy vậy trong tháng 10 này, Công ty sách PhanBook cùng Nhà xuất bản Phụ Nữ sẽ cho in “Tuyển tập truyện ngắn Trần Thùy Mai” gồm những truyện tôi đã viết từ khi cầm bút đến nay. Nhân dịp này, tôi xin được giới thiệu cuốn sách sắp ra đời cùng bạn đọc.
Xin cảm ơn nhà văn!
PHAN THÀNH (Thực hiện)