ClockThứ Hai, 31/07/2023 06:41

Dòng sông Hương qua thiên bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

TTH - vNhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9 tháng 9 năm 1937, quê Triệu Long, Quảng Trị, vừa qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 7 năm 2023.

Lãnh đạo, văn nghệ sĩ, công chúng ái mộ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ DạHoàng Phủ Ngọc Tường đã “về ngủ dưới khung trời cỏ hoa”Vĩnh biệt nhà văn hóa Hoàng Phủ Ngọc TườngNhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời

leftcenterrightdel
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Gia đình cung cấp 

Anh từng dạy học, tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi độc lập, thống nhất Tổ quốc. Anh từng hoạt động ở chiến khu Trị Thiên, làm Tổng thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế. Anh từng làm Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt (Quảng Trị).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (bút ký, 1971); Những dấu chân qua thành phố (thơ, 1976); Rất nhiều ánh lửa (ký, 1979); Ai đặt tên cho dòng sông (bút ký, 1986); Bản di chúc cỏ lau (truyện ký, 1986); Người hái phù dung (thơ, 1992); Hoa trái quanh tôi (bút ký, 1995); Ngọn núi ảo ảnh (bút ký, 2000); Miền gái đẹp (nhàn đàm 2001); Trịnh Công Sơn, cây đàn Lya của hoàng tử Bé (bút ký, 2005)… Anh đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 với tác phẩm Rất nhiều ánh lửa, tặng thưởng văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999 với tập bút ký Ngọn núi ảo ảnh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Sông Hương như một cô gái đẹp được nhiều người say mê. Một trong những người tình tri kỷ và thủy chung với sông Hương chính là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có thể xem thiên bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông là “tiếng lòng” của nhà văn dâng tặng người tình mà nhà văn yêu một cách say đắm. Trong suốt thiên bút ký này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi thì so sánh sông Hương với cô gái Di-gan, với Kiều; khi thì nhân cách hóa sông Hương: “dịu dàng và trí tuệ”, “nằm ngủ mơ màng”...  “Trăm năm tính cuộc vuông tròn - Phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông” (Nguyễn Du), Hoàng Phủ vì yêu sông Hương nên đã lặn lội, trèo đèo, vượt suối lần đến ngọn nguồn dòng sông để tìm hiểu, quan sát và nhà văn ngạc nhiên bắt gặp người tình của mình vào cái tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” không giống như nàng Kiều “âm thầm trướng rủ, màn che” mà là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Đây là bí ẩn đầu tiên của dòng sông được nhà văn khám phá. Hai nét tính cách đối lập của sông Hương: dịu dàng và mãnh liệt đã hình thành “giữa lòng Trường Sơn”, “dưới bóng cây đại ngàn” như thế nhưng đã mấy ai biết?

Trong hai nét tính cách ấy thì nét dịu dàng của sông Hương chỉ được nhà văn tập trung làm nổi bật ở vóc dáng mềm mại và bước đi khoan thai, nhẹ nhàng của “nàng”: vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm. Và: sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Nét dịu dàng được tác giả đặc tả qua hình ảnh dòng sông như một cô gái đẹp “nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Sự dịu dàng chỉ cần nhìn ngắm là có thể nhận ra những tính cách mãnh liệt của dòng sông thì đòi hỏi phải có sự am hiểu thật tường tận về lịch sử và văn học mới phát hiện được.

Nhà văn ngược dòng quá khứ và hình dung sông Hương đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Ðại Việt qua những thế kỷ trung đại. Thế kỷ XVIII, nó vẻ vang soi bóng Kinh thành Phú Xuân của anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỷ XIX với máu của những cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển… Tính cách mãnh liệt ấy của sông Hương “chợt nhiên hùng tráng lên như kiếm dựng trời xanh trong khí phách của Cao Bá Quát”. Phải nhạy cảm và tinh tế đến mức nào, phải thấu hiểu sông Hương đến mức nào, Hoàng Phủ Ngọc Tường mới diễn tả được nỗi lòng thầm kín của sông Hương với thành phố Huế thân yêu một cách lãng mạn và tài tình đến như thế. Nhà văn so sánh cặp tình nhân này với cặp tình nhân lý tưởng của truyện Kiều: tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc, và cả hai cùng gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở. Chỉ qua một khúc quanh, một đường cong từ cồn Giã Viên, sang đến cồn Hến nhà văn có thể lắng nghe: như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu...

Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường thì còn có thể cảm nhận điều đó bằng thị giác với: trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng. Theo nhà văn thì toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế: đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya.

Có thể nói với thiên bút ký nổi tiếng này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khái quát khá đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên Huế, văn hóa Huế, con người Huế một cách cô đọng và giàu chất thơ.  

Mai Văn Hoan
ĐÁNH GIÁ
3.5
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top