|
Hồi ký “Lửa đường phố” |
Cuốn hồi ký bắt đầu bằng câu chuyện khi xe quân sự của Mỹ cán chết một sinh viên Huế rồi bỏ chạy đã dấy lên sự phẫn nộ trong giới sinh viên – học sinh và Nhân dân Huế. Từ đây, những cuộc xuống đường biểu tình đòi nợ máu phải trả bằng máu diễn ra sôi sục. Mở đầu bằng “chiến dịch đốt xe Mỹ” khắp nội thành Huế. Từ đốt xe Mỹ, đốt hồ sơ quân sự học đường, đốt thẻ cử tri, ngọn lửa như lan rộng khắp các ngõ phố, thôi thúc Nhân dân cùng hòa vào dòng người rạo rực xuống đường tranh đấu. Tiếng hát xuống đường của đội văn nghệ xung kích vang vọng khắp nội thành, như ngọn gió lành thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của tuổi trẻ Huế đang ngùn ngụt cháy trong huyết quản.
Tại trụ sở Tổng hội Sinh viên Huế - số 22 Trương Định đã trở thành “xưởng chế tạo bom xăng” từ vỏ chai, xà phòng, sợi cao su. Nhưng “bom xăng” tự tạo đã theo đôi bàn tay các chàng trai cô gái hướng về phía quân thù. Đất nước đang lầm than bởi khói lửa chiến tranh, nên tuổi trẻ đâu thể đứng bên lề cuộc chiến, bình yên ngồi mộng mơ trên giảng đường. Họ mang trong tim ngọn lửa của tuổi trẻ với bao khát khao, những lý tưởng cao đẹp.
Ngay cả các em thiếu niên, nhi đồng cũng hòa vào phong trào đấu tranh sôi động trong đô thị Huế. Những đứa trẻ chưa kịp trưởng thành cũng trở thành những người chiến sĩ dũng cảm bảo vệ đất nước. Hình ảnh các em học sinh 12, 13 tuổi cầm biểu ngữ tuần hành trên phố, “tiếng hô khẩu hiệu của các em trong trẻo, dễ thương nghe rất cảm động” hay khi dũng cảm “tay xách những chai bom xăng tự chế chạy từng toán nhỏ đột kích các đội tuần tiễu cảnh sát dã chiến” cứ khắc sâu mãi trong lòng người đọc.
“Lửa đường phố” là ngọn lửa sôi sục đấu tranh của sinh viên, học sinh Huế. Người đọc như được hòa mình vào không khí sôi nổi và đầy tự hào của những chàng trai, cô gái năm nào trên đường phố Huế. Những năm tháng ấy, họ đã hăng hái xuống đường đấu tranh bất chấp gian nguy. Dẫu bị bắt bớ, khi ngồi trên xe Jeep của cảnh sát về lao tạm, họ vẫn nhìn nhau nở nụ cười hiền trên môi, đọc thấy trong mắt nhau lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ.
Ở “Lửa đường phố”, Huế đã không còn trầm tĩnh, lặng yên và cổ kính mà là một Huế rộn ràng, náo động, hừng hực lửa đấu tranh trên mặt trận đường phố. Giữa khói lửa chiến tranh, dường như lòng người cũng gần nhau hơn. Nhân dân, đồng bào đã hòa chung làm một. Sinh viên – học sinh cùng bà con tiểu thương, Nhân dân thành phố cùng nhau xuống đường tranh đấu bất chấp sự đàn áp, bắt bớ của quân thù. Bởi “Đau thương, chết chóc không làm Huế chùn chân, ngục tù, súng đạn không ngăn được các phong trào yêu nước Huế nổi dậy… Sức mạnh Huế đã nuôi lớn tâm hồn tuổi trẻ chúng tôi. Huế đã giúp tuổi trẻ học đường miền Nam biết chịu thương, chịu khó và biết sống cao đẹp vì một lý tưởng cao đẹp”.
Đọc “Lửa đường phố”, người đọc sẽ bắt gặp rất nhiều tình tiết ấn tượng. Đó là dáng hình bà mẹ gánh nguyên gánh quạt giấy chạy theo đoàn biểu tình, phát cho mỗi người một cái vì lo “Đi giang cái đầu nắng đau chết con ơi!”. Hay một chị tiểu thương bưng thúng chanh to, hốt lia lịa ném cho đoàn người: “Ngậm đi em! Ngậm cho đỡ khát mà đả đảo thằng Mỹ, thằng Thiệu”. Là khi Cần đốt xe Mỹ và bị phát hiện, bị truy đuổi đã nhảy đại lên chiếc xe ôm bên cạnh. Người xe ôm chở Cần chạy như bay qua các ngã đường về Tổng hội Sinh viên. Trong khi Cần ngồi sau xe đầy lo lắng “Lỡ xe này của bọn “cớm” chở mình về ty thì sao?”. Nhưng may mà Cần đã “gặp người nhà”. Những năm tháng ấy, Nhân dân Huế đã đồng lòng, sát cánh cùng tuổi trẻ Huế viết nên những câu chuyện hào hùng.
Bên cạnh không khí hào hùng, người đọc đôi khi còn cười lên sảng khoái trước những tình tiết dí dỏm. Đó là câu chuyện khi các em học sinh viết khẩu hiệu, bích chương phục vụ cho cuộc biểu tình nhưng nhất quyết không viết hoa chữ Mỹ, vì “Thằng Mỹ xấu xa, độc ác, đẹp đẽ, tốt lành chi hắn mà mình viết hoa”. Đó là lúc em Minh xuống đường, ném đá vào lưng tên cảnh sát dã chiến cao to, không ngờ lại chính là anh ruột mình, để rồi bị anh trai dọa: “Minh, mi biết ai đây không? Về nhà mi chết với tau” khiến những người chứng kiến cười ồ lên. Người đọc cũng bật cười thích thú, nhưng rồi lại thấy xót xa. Tội ác của chiến tranh đâu xa xôi gì, nó hiện hữu ngay trong mỗi gia đình người Việt, là cảnh nồi da xáo thịt mà Nhân dân phải gánh chịu từng ngày.
Tôi nhớ con gái tôi đã vô cùng thích thú khi dõi theo cuộc đấu tranh của các anh chị sinh viên Huế, nhất là các em học sinh nhỏ 12,13 tuổi nhưng gan lỳ, dũng cảm. Các em cũng xuống đường tranh đấu, hòa mình trong không khí hào hùng của thành phố, của dân tộc. Có lẽ vì vậy, mà sau khi gấp lại cuốn hồi ký, con bé đã thốt lên đầy tiếc nuối: “Đang hấp dẫn mà hết rồi, tiếc quá”. Không khí đấu tranh hào hùng của cha ông, sự bất khuất, kiên cường của lớp người đi trước đã thấm vào lòng đứa bé 10 tuổi và ở lại mãi trong tim cùng với niềm tự hào.
Một tối chở con chạy ngang qua đường Huỳnh Thúc Kháng. Chùa Diệu Đế bên kia sông sáng bừng một góc phố. Con bé chỉ tay về phía bên sông rồi nói với tôi, các bạn học sinh nhỏ tuổi từng chặn chiếc xe Jeeb chở bọn cảnh sát mật vụ lại rồi đốt gần bên chùa đó mẹ. Đó là một tình tiết được nhà thơ Võ Quê ghi lại trong “Lửa đường phố”. Chúng tôi dừng xe lại. Nghe gió rì rào thổi trên ngọn bồ đề ven sông. Dường như, cái không khí đấu tranh sôi động một thuở, vẫn còn vọng vang trong gió, rì rào luồng theo sóng nước Hương giang.