ClockChủ Nhật, 25/10/2020 10:22

Giữ cốt cách Huế

TTH - Là vùng đất kinh kỳ, Huế mang trong mình bao trầm tích văn hóa. Ngoài những di sản vật thể và phi vật thể đã được nhân loại vinh danh, lối sống và cốt cách của người Huế cũng là thứ “đặc sản” làm nên bản sắc riêng có, cần được bồi đắp, phát huy trong thời đại mới.

Cốt cách Huế trong tranh của họa sĩ Tôn Thất ĐàoCây cầu của cốt cách và tâm hồn Huế

Áo dài - trang phục được bạn trẻ Huế lựa chọn (Ảnh minh họa)

Nét riêng

Những truyền thống lịch sử và văn hóa mà Huế mang nặng đã xây đắp nên những giá trị truyền thống tốt đẹp, hình thành những nếp gấp trong suy nghĩ, đời sống, nhu cầu vật chất và tinh thần, cách ăn và mặc, nói năng, ứng xử rất đặc trưng của người Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nhận định, Huế là nơi hội tụ, thủ đắc những “kho báu” từ một số cơ duyên hiếm hoi và diễm phúc trong lịch sử. Không phải nơi đâu cũng từng là điểm tụ hội của những tầng lớp tinh hoa nhất của quốc gia trong suốt hàng thế kỷ, cho nên, sau đó dù có ly tán thì không thể không để lại những dấu ấn, dựng nên nề nếp cho cư dân sở tại về những gì sang trọng, lịch lãm, cao quý trên mảnh đất này.

Theo phân tích của TS. Thái Kim Lan, chính khung cảnh, điều kiện xã hội, văn hóa của Cố đô Huế cộng thêm giáo dục gia đình còn giữ nề nếp truyền thống là hai yếu tố chính tạo nên bản sắc Huế, với thái độ sống kính cẩn đạo lý và tâm linh, hướng đến sự cao quý của tâm hồn. Chất Huế là sự kín đáo, một chút tư thế phản tĩnh về hiện hữu đời thường và ý muốn gìn giữ chiều sâu của tâm hồn, sự trang trọng nét đẹp tinh thần.

Nhận diện giá trị bản sắc văn hóa Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, nhờ quá trình tiếp biến và hội tụ đầy cam go, thử thách qua nhiều năm tháng mà những di sản tinh thần như những viên ngọc quý càng mài, càng va đập thì càng sáng, giúp cho bức tranh toàn cảnh của văn hóa Huế ngày càng phong phú, đậm đà và có chiều sâu thu hút.

Những giá trị đó là lòng yêu nước, hiếu hòa, nhân hậu, trọng lễ nghĩa, coi trọng tri thức, các giá trị tinh thần, luật pháp… Người ta dễ nhận ra điều này qua thái độ tôn trọng bảo vệ các di sản văn hóa lịch sử trong phạm vi quốc gia cũng như trong mỗi gia đình, họ tộc, làng xóm của người Huế. Đó còn là ý thức riêng về bản sắc ngôn ngữ, giọng nói, nếp sống, truyền thống văn hóa của mình, với ý thức giấy rách vẫn giữ lấy lề, không dễ thay đổi, vay mượn. Các giá trị văn hóa tinh thần này cũng không ngoài những phẩm chất của dân tộc, có điều ở Huế được hội tụ theo một cách riêng, tạo nên vẻ khác biệt trong con người Huế.

Theo thời gian, những giá trị, bản sắc văn hóa của người Huế đang dần phai nhạt. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông ưu tư: “Những gì làm nên tính cách người Huế: lễ nghĩa, thong dong thong thả, thâm trầm, nề nếp… đã từng lan tỏa khắp mọi nơi, nay đang lặng lẽ mất dần, thay vào đó là sự hòa tan một cách đáng tiếc vào những xu thế của lối sống thực dụng, vội vã”.

Ông đề nghị, những gì riêng có đầy ấn tượng của Huế chính là các “mảnh ngọc bích” đang bị vỡ vụn trong không gian lẫn thời gian, nhất thiết phải tìm lại nếu chúng đã mất, phải nuôi dưỡng nếu chúng đang trên đà mai một và phải phát triển những gì chúng đang được duy trì. Giữ gìn giá trị của những nề nếp cũ không phải là động thái quay lại ngưỡng mộ quá khứ, mà là một cách dọn đường đầy trí tuệ để xác lập cái riêng cho tương lai. Tất nhiên, chúng ta không quên tận hưởng những giá trị đương đại để bồi đắp cho những gì vốn có trở nên hoàn hảo nhất trong điều kiện có thể.

Giữ gìn bản sắc

Theo nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý, để lưu giữ và phát huy bản sắc riêng có của Huế, trước tiên, tự mỗi người dân phải biết thực tâm quý nó. Từ khởi sự ban đầu ấy, chúng ta có thể đề ra một chương trình hành động với những việc làm cụ thể và khả thi để mọi người cùng chung tay. Thế hệ trẻ chính là người sẽ giữ gìn bản sắc, cốt cách, phẩm hạnh của người Huế, vì thế, quan trọng nhất là giáo dục về truyền thống văn hóa để hình thành nhân cách cho họ.

Với gia đình, khung cảnh và truyền thống gia đình là tấm gương cho người trẻ noi theo. TS. Thái Kim Lan bày tỏ: “Trong một gia đình có nề nếp thì con cái được may mắn tiếp cận, khám phá đặc trưng qua hình ảnh và nếp sống của gia đình. Theo kinh nghiệm của tôi, việc kể cho con nghe những điều hay, tốt đẹp của truyền thống gia đình và quê hương dòng họ, những tấm gương tốt là cách gợi ý cho người trẻ có ý thức về cuộc sống chung quanh, qua đó gầy dựng nhân cách của mình”.

Tín hiệu vui là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm về với văn hóa di sản của cha ông. Nhóm bạn trẻ của IZI Huế vẫn thường xuyên tổ chức những chương trình trải nghiệm tìm hiểu, khám phá di sản và các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh, sinh viên ở các làng nghề, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Nhiều bạn trẻ sinh trưởng trên mảnh đất Cố đô và cả những người phải duyên Huế ở lại với Huế đã làm rất nhiều điều ý nghĩa cho xứ sở thơ mộng này. Minh Khuê, một thành viên của IZI Huế chia sẻ: “Trước làn sóng hội nhập, những nét đẹp truyền thống đang dần bị phai nhạt, chúng em mong muốn khơi dậy tình yêu với văn hóa di sản truyền thống trong lòng các bạn trẻ thông qua những hoạt động này”.

Ở tầm nhìn rộng hơn, để bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị, nhân cách con người Huế trong thời kỳ mới, trên cơ sở hệ giá trị con người Việt Nam, nghiên cứu xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị con người Huế và các chuẩn mực văn hóa cho từng đối tượng. Đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống đặc trưng của con người Huế về nền nếp, hiếu thuận, lễ nghĩa, nhân hòa, thiện chí... Bên cạnh đó là giải pháp mạnh mẽ để khắc phục có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, trong sạch hóa môi trường sống, môi trường văn hóa, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cho rừng thêm xanh

Phía tây Phong Điền bây giờ không còn đất trống, đồi trọc mà thay vào đó là những cánh rừng đã xanh hơn. Đây là kết quả của sự đoàn kết chung tay của ban, ngành chức năng và người dân trong việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua.

Giữ cho rừng thêm xanh
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top