Sông Hương - núi Ngự: Trục huyết mạch tư tưởng
Núi sông là hằng số địa lý chia cắt, cũng là điểm kết nối, gắn liền. Lưu vực sông là điểm tụ cư thuận lợi và là không gian thiêng của con người. Người Việt Nam tiến, đặc biệt là chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tiếp cận, chuyển hóa linh địa Hóa Châu ven sông Hương một cách hài hòa khi định vị chùa Thiên Mụ (1601) và dịch chuyển thủ phủ đến Kim Long, rồi Phú Xuân (từ 1636).
Khiêm lăng và Sông Hương nhìn từ trên cao (AAVH, 1932)
Thế ứng xử độc đáo với tinh thần thái hòa đó, sông Hương trở thành minh đường theo chiều Đông - Tây, trục Long Thọ - Hà Khê đến Vọng Cảnh - Hòn Chén làm Thiên quan Địa trục. Chiều Nam - Bắc từ Ngọ Môn - Ngự Bình - sông Hương trở thành trục chính cho Kinh thành hướng về phương Nam với hành hỏa đầy năng lượng sống, khát vọng canh tân. Xứ Huế xưa nay luôn nâng niu, nuôi dưỡng những “lá phổi” đặc trưng, như Dã Viên, cồn Hến, Long Thọ, Hà Khê, Nam Giao, Xã Tắc, nhất là linh địa Ngự Bình, sông Hương, sông An Cựu, phá Tam Giang và hệ thống Kinh thành, phủ đệ, nhà vườn, chùa chiền, chốn sơn lăng..., với những lệ định chi tiết, nghiêm cẩn: chọn - trồng - chăm sóc cây, cấm đào đất, đốt lửa, chống sạt lở khe suối, bảo vệ nguồn nước.
Người Pháp đặc biệt tôn trọng di sản truyền thống Đại Nam, cùng Nam triều đô thị hóa vùng ruộng đồng làng Dương Xuân ở bờ nam sông Hương thành khu phố Tây, từ nhà máy vôi thủy Long Thọ - ga Huế - đập Đá đến sông An Cựu. Đông Tây hội ngộ trên tinh thần hài hòa xuyên suốt đó thực sự tôn trọng tự nhiên và văn hóa, làm nên hồn cốt đặc trưng của một thành phố vườn, thành phố di sản, một tuyệt tác đô thị.
Sông Hương minh đường được bảo vệ nghiêm ngặt từ thượng nguồn về hạ lưu, tối quan trọng đoạn Tuần - Kinh thành qua hai điểm thiêng Hải Cát, Thiên Mụ. Đoạn sông hiền hòa cồn Dã Viên - cồn Hến được coi là cửa ngõ miền Thủy phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Huế, từ thời Minh Mệnh, triều đình thường tổ chức nhiều Thủy Lục trai đàn quy mô lớn để mong hóa giải bớt những miền u khuất, đem lại sinh khí cho kinh đô đầy an lạc, cũng là động thái nhân văn tri ân tiền nhân. Dòng sông càng thêm giá trị cho chức năng thư giãn nghỉ dưỡng của một đô thị sinh thái đặc trưng gắn liền đường đi bộ, xe đạp, thể dục, trong không gian công viên tinh tế của cỏ cây, hoa lá sạch sẽ, chỉnh chu.
Chợ Đông Ba nhìn từ trên cao (AAVH, 1932)
Ngự Bình đúng nghĩa bức bình phong của Kinh thành, trong nghệ thuật cảnh quan truyền thống, mang nhiều ý nghĩa khoa học địa lý và dịch lý. Bình phong trong quan hệ theo chiều ngang bảo đảm chức năng chế ngự những luồng gió độc; đồng thời theo thẳng đứng, là điểm tiếp nhận năng lượng quý giá từ thiên nhiên Trời - Đất để chuyển hóa, mang lại sinh lực cho khu trung tâm. Theo nguyên tắc thông linh Trời - Người - Đất (Tam tài) thì cây, đá và đất là chất xúc tác tối ưu để quá trình đó được linh nghiệm, giúp con người tiếp nhận sinh khí trọn vẹn nhất trong mối quan hệ Thiên Nhân cảm ứng. Hệ cây tín ngưỡng, như sanh, bồ đề, hay thông, tùng, với đặc tính sinh học, đặc điểm lịch sử văn hóa và ý nghĩa biểu tượng của tôn giáo tín ngưỡng, được chọn lựa, giúp tiếp xúc - tiếp dẫn để thu nhận, chuyển hóa năng lượng thiên nhiên đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Xã hội Việt Nam truyền thống chú trọng xu hướng điển chế hóa để xác lập nên những bộ quy tắc ứng xử, cấm kỵ nghiêm khắc nhằm nhấn mạnh sự tôn nghiêm, linh thiêng để bảo vệ di sản văn hóa, không gian, môi trường sống trước mọi nguy cơ. Cấm địa Ngự Bình được nhà Nguyễn xây dựng thành một không gian văn hóa độc đáo, rất sang trọng và điển chế đỉnh cao của nghệ thuật thưởng lãm thiên nhiên kỳ thú và hội đàm, nghị luận, sáng tác văn chương thi phú. Nhờ chức năng tiền án thiêng liêng của kinh sư mà ngọn đồi - hòn Bằng ở An Cựu được ban tên Ngự Bình, là danh sơn thắng tích của đất nước, lưu danh Cửu Đỉnh, trở thành trường thi ca độc đáo từ năm 1838 khi vua Minh Mạng du sơn, tổ chức đãi yến quan viên nhân tiết Trùng cửu (9/9), có đề thơ kỷ niệm, định lệ đăng lâm (lên núi ngắm cảnh) hàng năm. Vua Thiệu Trị ghi nhận Bình lĩnh đăng cao (lên đỉnh Ngự Bình) trong 20 thắng cảnh đất Thần kinh.
Sông Hương, sông An Cựu được nối kết Ngự Bình, sửa sang cảnh quan, kiến tạo đường sá, trồng cây trồng hoa, cắt chỗ rậm rạp, san phẳng nơi gập ghềnh, xây bậc đá ở bến sông, bắc cầu ván khe nhỏ. Hai bên đường từ chân đến đỉnh núi cho trồng hoa cỏ xứng danh. Nhà nước đầu tư đắp lại đường Kỳ Đài - Nam Giao - Ngự Bình; nghiêm lệnh giữ gìn thông tùng ở Cấm địa (Ngoại cấm, Nội cấm): cấm ngặt việc đào đất, khai thác đá, đốt lửa, đào giếng, chặt thông...
Đô thị sinh thái và di sản đặc trưng hiện đại
Trong quy hoạch phát triển đô thị Huế hiện nay, những trục và không gian tư tưởng đó của Huế được kế thừa xuyên suốt. Miền Hương Bình mãi xanh hiền hòa, sâu lắng, với cảnh quan độc đáo, những hoạt động độc đáo, quy chế đặc biệt, mang lại hiệu quả thiết thực. Đường đi bộ và cảnh quan, hoạt động sinh thái - văn hóa đặc hữu sẽ thổi thêm sức sống Huế. Nhà nước điều hành có hiệu quả là chỉ dấu tích cực thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa theo hướng xã hội hóa, thích nghi dần với công nghiệp văn hóa, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân trên nền tảng tích hợp, chuyển hóa các giá trị truyền thống vào trong từng hoạt động, sản phẩm đậm chất Huế.
Sông Hương được giữ gìn, nâng niu với những lối đi bộ, công viên sinh thái và hoạt động thể dục, thể thao, nghỉ dưỡng phù hợp. Thượng thành đi vào lịch sử với đợt di dân vĩ đại, là nền tảng để Huế mạnh dạn chuẩn bị cho cuộc “di dân tâm linh” với hàng vạn ngôi mộ ở Ngự Bình. Đầu thế kỷ XX, nơi đây “vỡ trận” khi triều đình suy yếu, mọc lên hàng chục nghĩa địa. Gió mát thông reo, trăng lên khói tỏa đầy chất thơ, lại bị bao bọc bởi sự u sầu lạnh lẽo của cõi chết với nhiều mồ mả.
Đưa vào quy củ, từ cảnh quan, đường sá cho tới công vụ hành chính, sản xuất, kinh doanh, văn hóa nghệ thuật, sẽ giúp xác lập lại một tinh thần Huế “lạc trú” đầy an nhiên tự tại, tầm vóc Huế hòa quyện truyền thống - hiện đại đúng nghĩa bền vững. Một trục xanh tư tưởng, sẽ càng mang lại môi trường và sức sống cho một trục xanh kinh tế - văn hóa, thiết thực phát triển bền vững của đô thị sinh thái và di sản đặc trưng theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Bài: TS. TRẦN ĐÌNH HẰNG - Ảnh: TL