ClockThứ Sáu, 15/03/2024 07:33

Lan tỏa tình yêu Huế xưa

TTH - Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu thương đến những mảnh đời thiệt thòi Lan tỏa tình yêu văn hóa HuếTìm thấy tình yêu thương, lòng biết ơn từ trang sách

 Đào Hữu Quý luôn mang trong mình tình yêu đối với ẩm thực và văn hóa Huế

Tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế, Đào Hữu Quý (sinh 1993) làm công việc đầu tiên là kế toán tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 5 năm làm việc tại nơi đất khách quê người, Quý quyết định nghỉ việc trở về mảnh đất Cố đô. Với Quý, những ngày đi xa mới thấy quê hương thật đẹp và cũng từ đó trong anh nảy nở tình yêu da diết hơn, muốn góp phần quảng bá, lan tỏa nét đẹp quê nhà.

Yêu thích mảng làng nghề truyền thống của quê hương, Quý nhận thấy bên những làng nghề nổi tiếng như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình,… thì Huế còn có những nghề, làng nghề truyền thống gần như bị bỏ quên, không có thông tin… đang dần mai một. Từ đó, chàng trai trẻ bắt đầu nghiên cứu về những làng nghề ấy, đi sâu vào tìm hiểu lý do vì sao những nghề ấy không có người nối nghề cũng như nỗi trăn trở của lớp người trước muốn truyền nghề cho đời sau mà không có được.

Quý lặng lẽ đi tìm thông tin của các làng nghề như làng hạt nổ Mậu Tài, làng nón Triều Sơn, làng Địa Linh nơi làm ông Công, ông Táo… Anh đến tận nơi, tìm gặp từng hộ gia đình vẫn đang còn duy trì nghề, tâm sự với người làm nghề. Những lăn lộn thực tế để có thể tự thân trải nghiệm, nhờ đó anh hiểu được sự vất vả của người làm nghề truyền thống, gánh nặng cơm áo và trách nhiệm giữ nghề trên vai họ... Từ trong lòng cuộc sống thực và lo âu cái đẹp của làng nghề truyền thống sẽ bị mai một đã hối thúc anh thực hiện những video về làng nghề.

Với Hữu Quý, những video về các món ăn hay làng nghề đang mai một được anh đăng lên mạng xã hội không phải để “câu like” hay “tăng view”, hay chỉ để mọi người “cưỡi ngựa xem hoa” rồi bỏ qua, mà còn muốn “nhắc nhẹ” mọi người về bản sắc dân tộc. Mong muốn nó trở thành một món ăn tinh thần mà với người già có thể là khơi gợi kỷ niệm, tạo sự nuối tiếc, với người trẻ là tò mò thích thú để tìm quen những sản phẩm đặc trưng đã âm thầm lưu truyền qua bao đời nay của vùng đất.

Luôn tâm niệm “không ai làm thì mình làm”, dẫu biết để vực dậy một làng nghề truyền thống thì sức ảnh hưởng của một cá nhân là không đủ, thế nhưng Hữu Quý không nản lòng mà càng tâm huyết hơn trong mỗi sản phẩm của mình. Để có một video hoàn thiện anh mất khá nhiều ngày tìm hiểu, sau đó đến tận nơi vừa quan sát, vừa tham gia làm và quay trọn quá trình đó. “Cũng tùy vào ngành nghề mà thời gian quay dài ngắn khác nhau, như ở làng Địa Linh, sau khi làm đất xong, mình đợi nung mất một tuần rồi mới quay lại để tiếp tục làm công đoạn gỡ tượng, cứ thế cho đến khi những bức tượng ông Công, ông Táo hoàn thiện thì video mới chấm dứt. Mất thời gian nhưng có những khung hình chân thật khiến mình an tâm”, Quý nói.

Những ngày đầu, ngoài nhiệt huyết Quý chẳng có kinh nghiệm gì, nhiều lần tìm đến nơi nhưng lại bị người dân từ chối vì sợ phiền hà, một số nơi thì muốn bảo vệ bí mật của nghề nên cũng vất vả. Cũng có nhiều trường hợp oái oăm khi các nghệ nhân chỉ đơn giản làm các công việc “cha truyền con nối”, không nắm rõ thông tin, lịch sử làng nghề. Có lúc quay được những hình ảnh đẹp của các công đoạn làm nghề rồi thì họ lại ngại khi phải nói trước máy quay khiến cho việc làm video trở ngại.

Quý chia sẻ: “Người Huế chân chất rất… dễ ngại, nhất là khi đứng trước ống kính. Các bác thợ thạo tay nghề, tỉ mỉ nhiệt tình giải thích từng công đoạn làm nghề bỗng lúng túng, ấp úng khi thấy mình đang quay lại cuộc nói chuyện”. Những lúc ấy, anh lại nhẫn nại để cùng với các bác thợ có được những hình ảnh đẹp và tự nhiên nhất... Nhờ nghiêm túc và kiên trì, các video của anh ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Khi thấy sau mỗi clip đều có người liên lạc để hỏi chỗ mua các sản phẩm nghề truyền thống ấy, giúp cho những người thợ có thêm thu nhập, Quý biết mình đã làm đúng.

Hiện nay, kênh Tiktok của Đào Hữu Quý có gần 100.000 lượt theo dõi, 800.000 lượt yêu thích. Những người xem chủ yếu của anh đến từ những thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Nhiều người theo dõi anh khi đến Huế đã liên hệ anh để được giới thiệu đến các danh lam thắng cảnh, làng nghề Cố đô.

Bài, ảnh: Phước Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Lan tỏa “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam”

Thực hiện kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba trong BĐBP tỉnh năm 2024, ngày 22/4, Đồn Biên phòng Vinh Hiền phối hợp với Trường THCS Vinh Giang (Phú Lộc) tổ chức “Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam”.

Lan tỏa “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam”
Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương

Ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1991, nghĩa là chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm làm từ thiện. Chị đã được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2023.

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương
Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Lan tỏa lối sống xanh

Từ những mô hình hay, cách tuyên truyền hiệu quả của Phong trào Ngày Chủ nhật xanh, bây giờ, lối sống xanh không còn là điều gì đó mới mẻ. Nó đã, đang từng ngày, từng giờ đi vào đời sống của người dân.

Lan tỏa lối sống xanh
Return to top