Anh Nguyễn Nhật Tường chăm sóc cây mai nở đúng dịp Tết Mậu Tuất
Truyền thống
Hiện nay, nhà nhà ở xã Điền Hòa đều có mai. Nhà ít cũng có một vài cây, nhiều thì gần 100 cây. Người trồng mai lấy hạt từ những cây có hoa đẹp trong nhà để nhân giống. Trồng mai không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Mai đẹp, có giá trị cao là cây mai có thân uốn mềm mại, nhánh ra đầy đủ. Để có được điều này, người trồng mai phải bỏ công chăm sóc hàng chục năm trời.
Ông Nguyễn Đăng Tuyên, người trồng mai đã 35 năm ở thôn 1, xã Điền Hòa cho hay, nghề trồng mai cảnh có từ thời ông nội và truyền sang cho cha ông rồi đến ông. Hiện tại, ông trồng gần 20 chậu mai. Chậu cao giá nhất khoảng 100 triệu đồng, thấp nhất khoảng 50 triệu đồng.
Theo ông Tuyên, chăm sóc mai, ngoài bón phân, tưới nước, người trồng mai phải phun thuốc trừ sâu bệnh cho mai và những ký sinh trùng bám trên cây để cây phát triển tốt. Tùy theo sở thích, cảm nhận từng người mà uốn lượn thân, cành, nhánh mai theo thế mà mình ưa thích. Riêng vườn mai nhà mình đều được ông uốn theo thế long, phụng.
Anh Nguyễn Nhật Tường (25 tuổi) là một trong những người trẻ theo nghề cha ông truyền lại. Theo anh Tường, nghề trồng mai, chơi mai ở xã Điền Hòa theo tính truyền thống. Trồng mai không chỉ làm đẹp cho tết mà còn cho giá trị kinh tế rất cao. Hiện nay, anh đang phụ giúp cha chăm sóc 30 chậu mai đang vào độ chín. Năm 2017, gia đình anh đã bán được cây mai trồng gần 30 năm với giá 70 triệu đồng. Theo anh, người trồng mai phải tận tâm với cây mai và có niềm đam mê, kiên nhẫn, bởi để có cây mai đẹp, có giá trị phải chăm sóc hàng chục năm trời.
Hình thành làng mai
Theo những người trồng mai, chơi mai cần có phong cách đặc trưng riêng. Người chơi mai phải có mắt nhìn, bàn tay khéo léo để tạo ra dáng, thế một cây mai đẹp. Thế mai đẹp cần phải lộ tứ diện. Để có một chậu mai cảnh như ý, người chơi phải chăm chút từng li từng tí. Phần thân mai phải uốn cho cân xứng, chậu mai cũng phải hợp với cây mai. Mai nhỏ thì dùng chậu bình thường, những cây thuộc hàng “lão mai” thì phải dùng những chậu lớn mới thích hợp. Người trồng mai khi đưa mai vào chậu phải làm sao cho bộ rễ hiện lên trên đất.
Toàn xã Điền Hòa có hơn 1.000 hộ dân thì có đến 30% hộ là nghệ nhân trồng mai cảnh với nhiều cây có tuổi đời từ 10 đến 20 năm. Nghề trồng mai cảnh là nét đặc trưng rất riêng ở Điền Hòa. Nhiều cây mai cảnh đã theo lái buôn, người chơi hoa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
UBND huyện Phong Điền đã có Quyết định số 6320/QĐ-UBND ngày 27/11/2017 trích ngân sách huyện năm 2017 từ nguồn mục tiêu quốc gia về giảm nghèo với số tiền 300 triệu đồng để hỗ trợ cho người dân xã Điền Hòa phát triển nghề trồng mai. Theo đó, người dân xã Điền Hòa sẽ được hỗ trợ vốn để trồng mai, nhằm thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Đăng Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa thông tin, cứ vào dịp trước tết hàng năm, UBND xã đều hỗ trợ kinh phí để tổ chức Hội mai xuân Điền Hòa, tạo sân chơi, nét đẹp văn hóa truyền thống cho người chơi mai; qua đó, giáo dục, khuyến khích niềm đam mê của người dân, góp phần giúp giữ gìn truyền thống trồng mai.
Năm 2018, từ nguồn hỗ trợ của huyện, UBND xã đã có phương án thành lập 8 đến 10 nhóm hộ. Mỗi nhóm hộ có từ 2 đến 5 hộ gia đình để tập trung trồng mai. Trong đó, kết hợp các hộ nghèo với những hộ có lao động, có kinh nghiệm về trồng mai để cùng nhau phát triển làng mai Điền Hòa. Hiện nay, xã đang lập đề án để trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới.
Năm nào cũng có người về Điền Hòa để mua hoa mai. Nhiều cây mai có gốc gác và khá nổi tiếng ở Điền Hòa đã về những nơi như: Viện Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, Tịnh Gia Viên Huế và một số công sở ở TP. Huế và các tỉnh, thành khác.
Bài, ảnh: HẢI HUẾ