Ông Thống chăm sóc mai
Không còn mai cổ thụ
Ông Nguyễn Văn Thống (89 tuổi, đội 8, xã Điền Hòa) vốn nổi tiếng một thời trồng mai, ngùi ngẫm trước cảnh làng mai đang đi vào “ngõ cụt”. “Thường vào độ này của nhiều năm trước, sân nhà của tui chứa hàng trăm chậu mai sắp trổ nụ. Từ ngày tôi già yếu đi, cây cối không ai chăm sóc, bón phân, mắt lại mờ nên không thể uốn, tạo dáng mai. Con cháu sau này không mặn mà với việc chơi hoa. Các chậu mai này bán đi, không có cây khác thế vào nên sân vườn ngày càng vắng”, ông Thống giãi bày.
Một số nhà do thiếu sự quan tâm chăm sóc, lơ là nên để mai chết một cách đáng tiếc. Anh Nguyễn Văn Tám ở đội 8, xã Điền Hòa kể: “Mấy năm trước, nhà ông Khư ở xóm trên trồng một cây mai cổ thụ, có người đến hỏi mua, trả giá trên 100 triệu đồng nhưng ông không bán. Trong một lần xây nhà, do không cẩn thận, để xi măng chảy xuống gốc cây mai, khiến cây mai héo khô rồi chết làm ông Khư rất tiếc”.
Ông Đặng Mức, một người chơi mai ở Điền Hòa trăn trở: “Việc trồng mai hiện nay gặp khá nhiều khó khăn do vừa khó trồng, lại khó tiêu thụ. Có được một cây mai cảnh đẹp phải mất tới 10-15 năm chăm sóc và phải có niềm đam mê, kiên nhẫn. Thay vì trồng mai, nhiều người chuyển sang trồng cây sanh, lộc vừng và hoa ngắn ngày... để kiếm thu nhập”. Trong khi làng mai truyền thống “xuống cấp”, thì mai nhiều nơi du nhập về Huế mỗi dịp tết, giá lại rẻ chỉ vài triệu đồng/chậu, khiến làng mai ở Điền Hòa càng khó khăn.
Để lưu giữ làng mai
Ông Đặng Mức cho rằng, muốn làng mai tồn tại, không bị mai một thì trước hết các nghệ nhân, bậc cao niên cần phải “truyền lửa”, truyền nghề cho các thế hệ sau. Trồng mai không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Theo thống kê của Hội Mai cảnh Điền Hòa, năm 2009, toàn xã có gần 2.000 chậu mai kiểng có độ tuổi từ 10-15 năm. Hầu như hộ gia đình nào cũng trồng hoa mai, nhà trồng ít 30-50 cây, nhà nhiều đến hàng trăm cây, mang lại thu nhập cho người dân khá cao. Mỗi chậu mai cảnh có giá từ 3 triệu đồng trở lên, dạng “lão mai” có giá từ 30-50 triệu đồng, có những chậu lên đến 100 triệu đồng. Gần đây, cây mai đang dần “mất vị trí”, ngày càng ít, nhiều nhà chỉ còn vài chậu chủ yếu để chơi tết hằng năm.
|
Chơi mai cần có phong cách đặc trưng, “tâm xuất ra tướng”, có nghĩa người chơi phải có tâm trạng vui vẻ thì mới tạo nên một dáng mai đặc biệt và ngược lại. Người dân nhiều nơi thường tạo thế mai theo các kiểu long, lân, quy phụng, riêng ở Điền Hòa chủ yếu tạo mai theo hai thế: long vân, long giáng... Để có một chậu mai cảnh đẹp, ngoài công chăm sóc hàng chục năm trời, người chơi mai phải am hiểu, chú ý đến 4 điểm: nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống.
Thế mai đẹp cần phải lộ tứ diện, nghĩa là nhìn từ bên ngoài phía nào cũng thấy hình dáng của con rồng. Để có một chậu mai cảnh như ý, người chơi phải chăm chút từng li từng tí, lúc chọn mai đưa vào chậu phải bó rễ và kê vật cứng dưới đáy chậu, như thế rễ mai mới lộ lên trên. Riêng phần thân mai phải uốn cho cân xứng, chậu mai cũng phải hòa hợp với cây mai, mai nhỏ thì dùng chậu bình thường, những cây thuộc hàng “lão mai” thì phải dùng những chậu cổ mới thích hợp…
Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa chia sẻ: “Lưu giữ nét đẹp làng nghề trồng hoa mai luôn là điều trăn trở đối với chính quyền địa phương. Vào dịp tết hằng năm, UBND xã đều hỗ trợ kinh phí để tổ chức Hội Mai xuân Điền Hòa, tạo sân chơi, nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời giáo dục, khuyến khích niềm đam mê chơi mai của người dân, góp phần giúp giữ gìn truyền thống trồng mai. Địa phương từng có ý tưởng triển khai mô hình trồng mai, giao cho các hợp tác xã quy hoạch, chọn vị trí trồng mai tập trung để phát triển kinh tế, nhưng do kinh phí quá lớn nên chưa thực hiện được”.
Bài, ảnh: Cao Hoàng Như