ClockThứ Bảy, 13/02/2021 10:51

Một thời con trâu

Con trâu của ký ứcThương con trâu bạc nghĩa tình

1. Dân gian ta có câu “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”, ngụ ý phải đủ 3 điều này mới là “đàn ông”. Này hí, đầu tiên là phải tậu trâu vì con trâu làm ra tiền ra bạc, còn vợ thì hay mua sắm tốn kém cho nên phải sắm trâu để làm lụng trước. Rồi nữa mới tính chuyện nhà cửa, nương vườn… ui chao lắm thứ. Dân gian cũng có câu “Muốn giàu nuôi trâu lái, muốn lụn bại nuôi bồ câu”. Ghê thật, “trâu lái” là trâu nái do dân địa phương (ngoài Bắc), người ta phát âm chữ “L” thành “N”.

Cứ luận vô những điều mà người đời hay nhắc tới kia thì ngoại tôi ở làng Thanh Thủy Thượng (Hương Thủy) xưa thuộc loại giàu. Ngoại có hai ba mảnh vườn rộng cả hecta, giờ “xẻ thịt” bán mỗi mét vuông đến cả chục triệu đồng, rồi nương rẫy cũng tính cả hàng mẫu ta. Không kể ruộng làm ở làng, ngoại còn đấu, cho làm rẽ hàng chục mẫu ở Phú Lương (Phú Vang) và trong nhà khi mô cũng có cả bầy trâu, sơ sơ hàng chục con. Nuôi trâu là để cày bừa, để lấy phân bón ruộng và ngày ấy, còn có thêm nghề… đạp lúa.

Trâu nuôi thì phải có người chự (chăn, giữ) và trong nhà ngoại bao giờ cũng nuôi 4 - 5 người nhưng cũng không quán xuyến hết và thế là mạ tôi cũng phải chự trâu. Bây giờ, tuổi đã ngoài 80 nhưng nhắc tới chuyện trâu bò là mạ vẫn tỏ ra bực bội. Mạ kể, ôn mệ tham công tiếc việc nên con gái không cho đi học mà bắt giữ trâu. Năm ấy, dì đầu của tôi có dôn đi hỏi. Ngày Tết, dượng ra thăm nhà vợ, gặp lúc mạ tôi 12 - 13 tuổi vẫn còn ngồi cỡi lưng trâu. Dượng bảo có quà cho mạ. Thế là không rõ do mừng hay lúng ta lúng túng thế nào đó mà mạ bị… ngã lăn quay.

Nhớ tới chuyện xưa, mạ cứ xuýt xoa, bảo lần nớ vừa đau lại vừa ốt dột. Đau là bởi cho tới bây chừ vẫn còn đó vết sẹo nơi mặt, còn ốt dột đến tức đi được là ai đời, đã tới tuổi gần có… dôn mà vẫn còn phải chự trâu, nhất là con gái nhà giàu như mạ. Khổ nỗi, cái nghề chự trâu phải quanh năm suốt tháng, đơn giản khi mô trâu cũng phải được no bụng. Vậy nên, kể cả ba ngày tết cũng không được nghỉ, nào cho trâu ăn, nào cho trâu uống, bỏ rơm cho trâu, rồi cho trâu mẹp. Vậy là còn mô nữa mà tết, mạ tôi thở dài và tiếc nuối.

2. Thoạt nghe thì vậy chứ thật tình mà nói, mạ tôi rất thương trâu. Dạo bé, tôi thường nghe mạ kể nhiều chuyện về trâu. Nhớ nhất là chuyện xưa trâu biết nói tiếng người và rồi vì răng chừ lại không. Mạ kể, lâu lắm có cậu bé chự trâu ham chơi, sợ trâu ăn lúa nên đã cột lại một nơi. Trâu đói meo. Để che mắt chủ, cậu ta lấy mo cau áp một lớp vào bụng con vật, rồi trát đất bùn ra ngoài… Chủ nhà dòm thấy tỏ ý hài lòng.

Một hôm, cậu mải chơi, trâu phải nhịn đói cả ngày. Hôm sau, ra đồng cày ruộng, trâu cố làm ra bộ bước không nổi. Chủ hỏi, mới bảo cưỡi trâu ham chơi nói láo, chơ “no chi mà no, trong mo cau ngoài đất sét; ỉa cái phẹt, hết no”. Bị đánh mê tơi, cậu bé chạy ra bờ ruộng giọt ngắn, giọt dài. Một ông lão hiện ra, hỏi cớ chi lại khóc. Cậu chỉ vào trâu, “tại nó cả”. Hỏi cần giúp cái chi, cậu bé bảo chỉ muốn trâu không nói được, thế là, ông lão bèn rút cây hương đốt lên, dí vào dưới cổ con vật. Trâu cố giãy giụa nhưng không kịp, kêu khản cả cổ. Tiếng nói dần dần mất hẳn.

Chuyện cổ dân gian về trâu nhiều lắm và thường là hình ảnh con vật hiền hậu, siêng năng, luôn giúp đỡ kẻ yếu. Buồn cười và tội nghiệp sao là con trâu trong truyện “Trí khôn của ta đây”, thấy cọp bị người dùng mẹo đốt cháy, sướng quá nên bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào nên bây chừ không có răng ở hàm trên. Riêng tôi, nhớ và thích nhất vẫn con trâu trong câu chuyện mạ kể, cơ bản cũng là con trâu chăm ngoan nhưng có điểm khác là nó đã biết phản kháng lại kẻ láo lận. Khổ thay cho trâu, cũng vì thế mà đành phải ôm hận, không còn biết nói!

Còn thử tìm trong kho tàng ca dao, tục ngữ cũng thấy ngồn ngộn bóng hình đầy thân thương con vật cầm tinh năm sửu này. Trước hết đó là con vật khỏe mạnh, “khỏe như trâu” hay “trâu gầy cũng tày bò giống”; là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu của nông dân, “làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc”. Không còn là con vật mà là người bạn cùng làm nông, người nông dân thường tâm tình tha thiết với trâu: “Trâu ơi! Ta bảo trâu này! Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”. Và cảnh người và trâu cùng đồng hành công việc nhà nông thật đầm ấm và hạnh phúc: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”.

3. Từ quê lên phố, có lần mắng yêu con, tôi bảo “không lo học thì cho đi chự trâu đó nghe”. Thằng bé lém lỉnh cự lại, nhà mình có trâu mô mà ba bắt chự. Tôi nghe và giật mình, ừ hí, ngay cả tôi nữa lâu rồi cũng ít có dịp gặp trâu. Nhớ trong đợt lụt vừa qua, có lần đi trên đường Tự Đức - Thủy Dương bắt gặp mấy chú trâu lầm lũi, trông xa lạ nơi phố xá giữa khung trời mưa gió. Khác với lúc tôi còn nhỏ, ở làng quê vẫn thấy có nhiều trâu. Cái xóm của tôi độ chừng hơn 10 nóc nhà đã có mấy cái chuồng trâu. Ra đường gặp trâu lang thang. Xuống hói thấy có trâu mẹp. Còn ngoài đồng là trâu cày, trâu nhẩn nhơ gặm cỏ... Cùng gắn bó với con người, sau ngày giải phóng, trâu cũng vô hợp tác xã, nhà ai có trâu cày quyền lực vô cùng.

Hôm rồi vô trang facebook làng Dạ Lê Thượng (quê tôi, Hương Thủy), thấy có người đăng hình ảnh trâu đạp lúa. Nhớ rồi, dạo ấy mùa thu hoạch tới, lúa ở đồng gặt vô, bà con mình chất thành từng nhả (đụm) lên sân rồi dùng trâu đạp. Trâu đi trước, người theo sau hò hét, dắt nhau đi vòng tới vòng lui trên nhả lúa, rồi sẩy rơm, trang lúa… người mô việc nấy suốt cả buổi chiều tối. Lũ trẻ như tôi luôn sẵn sàng với cái trạc có sẵn rơm, được giao nhiệm vụ canh chừng… trâu. Tội nghiệp con trâu, mõm bị bịt kín (sợ ăn lúa), nhất cử nhất động đều bị canh chừng... Ôi, nhắc lại thôi cũng thấy nhớ quá.

Khi chiếc máy cày xuất hiện trên cánh đồng làng và ngày mùa rầm vang tiếng động cơ máy tuốt lúa thì cũng là lúc báo hiệu cái thời con trâu đi trước và các chú mục đồng cỡi trâu thổi sáo đầy thi vị qua rồi. Còn tôi khi năm sửu cận kề, kể chuyện con trâu cũng là cách hoài niệm yêu thương. Bất giác ùa về trong tôi câu hát của một thời “con trâu là đầu cơ nghiệp”, rằng “ai bảo chăn trâu là khổ”, xưa ơi là xưa và nghe thật trong veo, ngút ngàn niềm tin yêu cuộc sống.

Bài: Đình Nam - Ảnh: Tranh dân gian

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian

Thừa Thiên Huế là vùng đất mang dấu ấn của thời di dân mở nước hơn 700 năm. Vì thế, cội nguồn văn hóa hình thành từ sự dung hợp bản sắc văn hóa của cư dân bản địa cùng cư dân Việt từ khắp các vùng miền của đất nước. Văn hóa dân gian luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng người Huế.

50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Return to top