ClockThứ Năm, 14/01/2021 13:45

Con trâu của ký ức

TTH - Tôi không phải tuổi sửu, nhưng cả một trời tuổi thơ gắn liền với đời mục đồng. Con trâu vì thế như một phần không thể thiếu trong hoài niệm với những buồn vui, những ngày ăn nằm trên lưng trâu, phiêu linh qua các cánh đồng…

Người trẻ ăn trầu

Một đàn trâu giữa cánh đồng mùa ngập nước tìm đường về nhà sau ngày rong ruổi kiếm ăn ở ngoại ô TP. Huế

Năm nay, lịch ta rơi vào năm con trâu. Trâu được ông bà xưa liệt vào hàng đầu của lục súc có công với người, gồm: trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn. Tôi quyết định viết điều gì đó về con trâu đồng bằng, nơi tôi lớn lên và có những năm tháng trải nghiệm đúng nghĩa của một mục đồng.

Từ xa xưa, con trâu có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khẩn hoang, mở rộng bờ cõi, dặm dài đất nước. Nhưng với ký ức tôi, đàn trâu “ra đời” sau khi ba mạ tôi nên vợ, nên chồng ở cái tuổi ngoài 30. Ngoại tôi khi đó nghèo, không có gì ngoài đàn trâu, thương người con gái lớn đi lấy chồng mà trong tay không có gì lận lưng, ông quyết định tặng đôi vợ chồng trẻ cặp trâu làm vốn. Con trâu từ đó trở thành “phương tiện” mưu sinh chủ lực của gia đình trẻ vừa ra riêng.

Không riêng gì gia đình tôi, đời sống nông dân lúc bây giờ vận hành theo nếp của thời trâu cày. Phần nhiều các việc liên quan đến nông nghiệp ngày đó đều dựa vào con trâu. 7 tuổi, tôi vào lớp 1, tuổi đó tôi cũng được tính tuổi đầu tiên làm kẻ mục đồng. Tôi được ba trao cho sợi dây vàm buộc mũi trâu dẫn đi ăn sau những buổi cắp sách đến trường.

Tôi không còn nhớ kỹ lắm, đàn trâu nhà tôi khi nhiều nhất là bao nhiêu, nhưng không dưới 7 con. Mỗi con được đặt tên rất thân mật. Có con tên “Ốm” vì thân hình gầy, ăn mấy chẳng mập nổi. Có con tên “Mập”, bởi đơn giản nó mập căng kè, ăn rất nhiều, từ cánh đồng cỏ cho đến những đống rơm khô ở nhà. Ban đầu, gọi tên chỉ để phân biệt, dần dần trở thành thói quen, con trâu biết nghe, vâng lời từ đó.

Trải qua thời gian, không biết từ bao giờ, những bài ca dao về trâu cũng được chúng tôi thuộc làu trước khi được học ở trường: “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”…

Không chỉ chăn dắt đàn trâu, 15 tuổi những đứa trẻ trong xóm như tôi được tập cầm cày. Ngày đó, khi cơ giới chưa phát triển, trâu cày phục vụ nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài đảm nhận phần ruộng nhà xong, tôi còn cho trâu mình đi cày thuê ruộng của bà con trong làng để kiếm thêm tiền, hoặc đổi lại lấy công cấy, gặt của người ta.

Mùa gặt, con trâu đảm nhận việc kéo lúa về nhà, đạp lúa, làm sức kéo để kéo nhiều vật dụng khác. Tôi cứ nhớ câu cửa miệng để điều khiển con trâu: “tới – hò rì – hò tắc…”. Nhưng không phải con nào cũng dễ bảo, nghe lời. Có đợt, đến mùa động đực, cả bầy chạy tán loạn, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, từ làng xã này sang làng xã khác. Và lũ chăn trâu chúng tôi chỉ biết kêu trời trong nước mắt. Mục đồng sướng nhất vào mùa mưa lũ, khi những cánh đồng ngập chìm trong nước, thời điểm đó báo hiệu mùa thả rong. Đó là những sáng chỉ thả ra và tối nó tự tìm về mà người chăn không phải kè kè sau lưng như ngày thường.

Con trâu có vai trò vô cùng quan trọng vì thế từ cung đình cho đến dân gian đều có những nghi lễ cúng tế vào dịp Tết Nguyên đán. Dưới triều nhà Nguyễn, có lễ Nghinh xuân, với lễ vật chính là con trâu bằng đất để dâng tế nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mạ xanh thóc tốt và tống tiễn khí lạnh mùa đông, đón mừng xuân mới. Nghi lễ này còn là một hình thức giáo dục truyền thống yêu lao động, nhắc nhở nhân dân chăm lo sản xuất.

Với những người nuôi trâu, cứ đến Tết tuỳ theo gia đình, sẽ có một mâm cúng ở chuồng trâu với ước nguyện cầu may mắn, bình an cho đàn trâu, có một năm bội thu, đem lại những điều tốt đẹp cho gia chủ. Mâm cúng cũng trải qua thời gian không còn cầu kỳ, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá xưa và sự thành kính của từng gia đình với các lễ phẩm như vàng mã, xôi chè, bánh tét, rượu, trái cây…

Ngày nay, rất khó để thấy được cảnh trâu cày do nền nông nghiệp hoá phát triển với máy móc phương tiện hiện đại, nhưng những nghi lễ của người nuôi trâu vẫn được các gia chủ gìn giữ. Và nó sẽ mãi là ký ức của những ai từng trải qua những năm tháng sống nhờ con trâu, rong ruổi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.

Riêng tôi, nhớ nhất hình ảnh con trâu ngày phải ra ràng, được bán đi cho người khác. Giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đen hiền của con trâu không biết nói năng, nhưng khiến những đứa trẻ như tôi ngày đó cũng phải khóc theo, vì thương!

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngôi nhà chung của tuổi thơ

Nhà Thiếu nhi Huế đã và đang là một địa chỉ thân quen của thiếu nhi. 50 năm qua, nơi đây đã thu hút hơn 150.000 lượt thiếu nhi tham gia học tập và vui chơi.

Ngôi nhà chung của tuổi thơ
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Tắm sông

“Mùa hè mà nhảy bùm xuống sông, vẫy vùng, bơi lội thì còn chi bằng!” - Tôi nhận được câu trả lời của bạn sau khi chuyển cho bạn xem những bức ảnh chụp cảnh buổi sáng chúng tôi bơi trên sông Hương, đoạn phía dưới chùa Thiên Mụ.

Tắm sông
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Return to top