ClockThứ Bảy, 24/11/2018 18:40

Mùa đông ký ức

TTH - Mùa đông đến trường, gió lạnh trên đường ráp vào mặt tê tái. Gió thốc vào cửa sổ thiếu cánh từng cơn làm tím tái những gương mặt gầy của những đứa trẻ quê.

Có những mùa đông thiệt dài trong ký ức. Cơn gió bấc hun hút thổi từ phía cánh đồng, xuyên qua những lũy tre dày mang theo những giọt mưa buốt lạnh vào làng. Lạnh lắm nên lũ gà chỉ quẩn quanh cái đụn rơm bên vườn nhà lượm những hạt lúa sót. Con chó Nô ngày ngày vẫn ham chạy nhảy khắp đó đây mà lạnh quá cũng tự  đào một lỗ đất sát chân đụn rơm đủ để cuộn mình tìm hơi ấm. Chỉ mấy mẹ con nhà mèo mướp vì không thể chơi chung với con Nô nên cứ quẩn quanh bên bếp.

Mùa đông đến trường, gió lạnh trên đường ráp vào mặt tê tái. Gió thốc vào cửa sổ thiếu cánh từng cơn làm tím tái những gương mặt gầy của những đứa trẻ quê. Có đứa không có áo ấm phải mặc hai ba lớp áo sơ mi vừa ngồi học vừa run. Những tiết học run rẩy. Học trò ngồi dưới lớp hàm đánh với răng mà thầy cô đứng trên bục giảng cầm viên phấn cũng run run vì lạnh…

Trời lạnh là lại nhớ 3 đứa bạn gái ấu thời. Lớp tôi hồi đó có 3 đứa con gái xóm Chợ cũng là 3 bông hoa xinh tươi của lớp. Những ngày đông giá, thích nhất đến giờ ra chơi túm tụm nhau ăn quà vặt. Khi thì mấy hột bắp rang, khi thì miếng kẹo đậu phụng, khi thì mấy cái kẹo cau, khi thì củ sắn, củ khoai... Những món ăn này đã góp phần làm bớt phần nào cái lạnh mùa đông của học trò vùng quê nghèo hồi đó.

Mùa đông dài. Rêu phủ xanh cái sân đất sét trước nhà nên đi đứng phải cẩn thận nếu không rất dễ bị trượt ngã. Nhưng với mấy mụ bán nước mắm từ các làng biển thì gánh cả một gánh đầy qua sân trơn mà vẫn vững vàng. Có lẽ nhờ vào bàn chân giao chỉ, ngón xòe ra bám chắc vào đất. Hồi đó, dân làm ruộng đã nghèo, dân đi biển còn nghèo hơn. Mùa đông, cánh trai tráng làng chài không ra khơi được nên cả nhà phải nhờ vào gánh mắm ruốc của cánh phụ nữ. Mà gánh hải sản ngày đông hồi đó hấp dẫn lắm. Là mấy chai nước mắm ruốc thơm lựng, là gói khuyết khô và nhất là món mắm thính: thính cá nục, thính cá chuồn, thính cá hố… để nguyên con kho với lá ném ăn ngậm mà nghe. Bây chừ vẫn thấy trên các chợ bán mắm thính nhưng không thơm, ngon như hồi trước có lẽ do con cá để làm mắm không tươi, cũng có thể do tay người làm thính không ngon…

Mùa đông làng vào vụ cấy. Có lạnh giá chừng nào thì nông dân cũng phải xắn cao quần quá gối chân tay trần cắm xuống ruộng bùn cày cấy cho kịp thời vụ. Đi cấy ruộng xa, người dân quê tôi đến chiều về tới nhà ăn vội chén cơm nguội là lại xuống đồng nhổ mạ. Mạ nhổ từng cụm, đập thiệt mạnh vào chân cho bay lớp đất bám vào rễ rồi mới bó rồi chất thành từng gánh. Khi những gánh mạ về tới nhà thì đêm đã xuống từ lâu. Giấc ngủ chập chờn đến mờ sáng đã nghe lao xao cơm nước. Những bạn cấy cười nói chuyện trò trong bữa ăn dưới đèn để kịp gánh mạ ra bến theo đò xuống ruộng khi trời vừa tảng sáng. Trong cơn gió bấc những cây mạ khô quắp, héo hon tưởng như không thể sống được qua mưa lạnh. Thế nhưng rễ vừa bén đất thì lúa đã lên xanh đồng. Hình ảnh những cây lúa trong giá rét mùa đông nó giống lắm với những người nông dân quê nhà, run run trong giá lạnh nhưng không một lần chùn bước. Họ đã gánh cả mùa đông khắc nghiệt để thôn xóm ruộng đồng vui ngày nắng xuân hớn hở…

Năm nay, mùa đông về muộn. Đến bây giờ cái nắng hanh hao vẫn cứ đeo bám không thôi. Không rõ rồi mùa màng năm nay có khó khăn hơn khi ruộng đồng không có lụt. Những cái áo ấm để dành chưa có lần mặc. Lại nhớ những mùa đông xưa!

PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Return to top