Chưa có địa chỉ cố định
Huế là thành phố du lịch và đã phát triển nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí phục vụ người dân và du khách. Đặc biệt trong các dịp diễn ra festival hàng năm. Trong đó, múa rối nước hoạt động hàng đêm là bộ môn nghệ thuật được nhiều du khách yêu thích.
Nghệ thuật múa rối nước vẫn chưa có địa điểm biểu diễn
Nhiều năm qua, múa rối nước từng bước phát triển, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm cho du lịch Huế. Công ty Đất Việt là đơn vị có bề dày gần 10 năm hoạt động biểu diễn, thậm chí có tên trong sách hướng dẫn du lịch của các đơn vị lữ hành. Ngoài phục vụ du khách, đơn vị này còn đưa rối nước vào trường học để phục vụ học sinh. Ông Nguyễn Phi Tuấn, Giám đốc Công ty Đất Việt cho biết: “Chúng tôi hợp đồng với các hãng lữ hành để du khách xem chương trình trong thời gian lưu trú lại Huế và phục vụ khách du lịch vãng lai. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa rối nước vào trường học để bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống này nhưng mục đích chính vẫn là phục vụ du khách về đêm”.
Theo ông Nguyễn Quê, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa - Sở Văn hóa -Thể thao, múa rối nước là bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc, Bộ Văn hóa, Thể thao- Du lịch hoan nghênh và tạo điều cho các địa phương phát triển loại hình này. Tại Huế, Sở Văn hóa - Thể thao luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. “Trước đây, tại các kì Festival Huế, chúng tôi có mời các nghệ nhân miền Bắc vào biểu diễn múa rối nước. Hiện, đã có doanh nghiệp biễu diễn loại hình này nên chúng tôi tạo điều kiện để họ hoạt động nhằm phục vụ người dân, trường học và du khách”.
Mặc dù là môn nghệ thuật được khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển. Song đến nay, múa rối nước ở Huế vẫn rơi vào tình cảnh biểu diễn… “tạm bợ”, chưa có địa chỉ cụ thể. Ông Nguyễn Phi Tuấn cho biết: “Trong gần 10 năm hoạt động, chúng tôi đã di dời địa điểm biểu diễn đến 3 lần, mất gần 2 tỉ đồng. Hiện, địa điểm hoạt động vẫn chưa có khi vừa qua, chúng tôi lại một lần nữa bàn giao mặt bằng, bây giờ chẳng biết đi đâu”.
Cần thống nhất phương án
Múa rối nước nằm trong chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2016 theo chủ trương của Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch, và Cục Nghệ thuật Biểu diễn đảm nhận chủ trì hỗ trợ đào tạo cho trên 20 tỉnh thành trong đó có Thừa Thiên Huế. Riêng tại Huế, được tài trợ về cơ sở vật chất chất, trang thiết bị và công tác đào tạo. “Được hỗ trợ, chúng tôi đã đào tạo hơn 21 diễn viên. Trong số đó, một nửa đã được đào tạo từ trước, còn lại là đào tạo mới. Về cơ bản, tất cả đều đáp ứng được chuyên môn phục vụ du khách, tạo cho Huế thêm một loại hình du lịch về đêm”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, những năm đầu doanh nghiệp đi vào hoạt động, múa rối nước đón gần 10 ngàn lượt khách/năm đến xem biểu diễn. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, lượng khách lại giảm xuống hơn một nửa. “Lượng khách giảm là do địa điểm biểu diễn không ổn định. Khi kí hợp đồng với các hãng lữ hành, địa điểm biểu diễn của chúng tôi được đưa vào sách hướng dẫn du lịch, song, nhiều lần di chuyển khiến du khách thực sự khó nắm bắt. Vì vậy, khách hàng của chúng tôi giảm hẳn”, ông Tuấn nói.
Sau khi Công ty Đất Việt bàn giao mặt bằng, họ vẫn chưa đi đến thống nhất với UBND TP Huế để xin địa điểm mới mặc dù đã có đề án hoạt động. “Chúng tôi đã có đề án, để hoạt động dự kiến đầu tư khoảng 10 tỉ đồng. Đề án cũng đã gửi UBND thành phố để xin cấp địa điểm hoạt động. Múa rối nước là hoạt động nghệ thuật đặc thù, mang tính chất cảm hứng, thi vị nên địa điểm phải nằm ở những nơi thuận tiện cho du khách. Những nơi chúng tôi yêu cầu, vẫn chưa được đáp ứng. UBND thành phố chỉ đồng ý các địa điểm khác nằm ngoài đề án của chúng tôi”.
Ông Nguyễn Quê cho biết: “Sở Văn hóa - Thể thao quản lý nội dung và chương trình nghệ thuật. Đồng thời, chỉ gửi văn bản tác động UBND thanh phố quan tâm xem xét chứ không có thẩm quyền giải quyết về địa điểm hoạt động”.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho hay: “Những địa điểm như trong đề án của Công ty Đất Việt yêu cầu các sở, ban ngành đã họp, kiểm tra là không phù hợp bởi nhiều yếu tố. Đồng thời, gợi ý cho họ những vị trí khác, song họ vẫn chưa chấp thuận”.
Việc dùng dằng về vị trí múa rối nước khiến cho chủ trương của Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch bị ảnh hưởng, đồng thời dự án đầu tư, đào tạo của Cục Nghệ thuật biểu diễn bị lãng phí. Khách du lịch đến Huế mất đi một chương trình thưởng thức thú vị. Các đơn vị liên quan cần có tiếng nói chung để đi đến thống nhất để múa rối nước có thể hoạt động trở lại.
Lê Thọ