|
Tác phẩm "Hoa xuân ra chợ" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Trực |
Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm mang chủ đề mùa xuân của 32 nhiếp ảnh gia. Đến xem triển lãm, nhiều người thích thú, trầm trồ bởi sắc xuân ngập tràn qua từng tác phẩm. Xuân đi từ nhà ra ngõ, từ chốn cung đình ra cõi dân gian, từ lúc tờ mờ sương sớm đến lúc nắng nhạt cuối chiều. Điều thú vị là, tác giả của các tác phẩm ảnh nghệ thuật đều đã ngoài 60 tuổi. “Có lẽ vì các nghệ sĩ nhiếp ảnh đều đã có tuổi, có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm nên họ có những góc nhìn về mùa xuân, về cái tết thật đỗi thân thuộc, dịu dàng”, một người xem triển lãm bình luận.
Những lễ hội, hoạt động gắn liền với tết, với mùa xuân là chủ đề được nhiều nhiếp ảnh gia lựa chọn. Từ điệu múa “Rồng đón xuân” (tác giả Lê Thanh Tâm) trước cửa Ngọ Môn, “Lễ Ban sóc” (tác giả Nguyễn Văn Trực), “Lễ Đại triều đầu năm mới tại sân Điện Thái Hòa” (tác giả Vĩnh Hướng), đến những lễ hội trong dân gian như “Hội vật đầu xuân” (tác giả Hoàng Văn Phước), “Hội xuân trên sông Hương” (tác giả Đặng Việt Hùng)… đã đem lại cho người xem không khí lễ hội, nét đẹp văn hóa đặc sắc của xứ Cố đô.
Mùa xuân cũng gắn liền với vẻ đẹp muôn hoa khoe sắc. Đó là niềm cảm hứng để nhiếp ảnh gia Bửu Long thực hiện hai tác phẩm “Khoe sắc” và “Tiên nữ”, mô tả vẻ đẹp của đóa mai vàng, đóa hoa lan vừa bung nở. Màu hoa cúc vàng và nét đẹp lao động của những nông dân trồng hoa là điểm nhấn trong các tác phẩm “Hoa tết” (tác giả Hoàng Văn Phước), “Hoa xuân” (tác giả Hồ Ngọc Sơn), “Ngược xuôi chợ sớm” (tác giả Phan Xuân Mai) hay “Hoa xuân ra chợ” (tác giả Nguyễn Văn Trực). Giữa những niềm vui, háo hức đến năm mới, đâu đó vẫn còn những vất vả, những lo toan bộn bề của người nông dân trong vụ hoa xuân.
|
Tác phẩm "Mứt gừng xứ Huế" của nhiếp ảnh gia Ngô Thanh Minh |
Tình cảm gia đình hạnh phúc, đầm ấm được nhiếp ảnh gia Nguyễn Khoa Huy gửi đến công chúng với 2 tác phẩm “Cả nhà vui xuân” và “Sắc màu của bé”. Nụ cười ngây thơ, háo hức, bước chân vui đi chơi Tết của các em nhỏ hiện diện trong “Vui đùa” (tác giả Hồ Ngọc Sơn), “Nụ xuân” (tác giả Đặng Văn Trân). Bên cạnh đó, những niềm vui ẩn trong ánh mắt người già được nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kỳ Lân ghi lại qua tác phẩm “Vui thú tuổi già” và “Hạnh phúc đơn sơ”. “Có những khoảnh khắc mà tôi gọi là “có một không hai”. Để chụp được nụ cười của ông lão chơi chim trong “Vui thú tuổi già”, tôi đã “canh” thật kỹ, và cũng trò chuyện với ông ấy, đợi ông ấy nở nụ cười tôi liền chụp ngay”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kỳ Lân chia sẻ.
Những ngày gần tết cũng là lúc các làng nghề truyền thống tại Huế tiến hành làm quà bánh, những vật dụng chuẩn bị cho tết. Người xem được dịp chứng kiến công đoạn nung tượng ông Táo với “Vào lò” của tác giả Nguyễn Phúc Xuân Lê; cảm nhận vị bánh in ngọt thanh, nhẹ nhàng “Hương vị ngày Tết” (tác giả Nguyễn Xuân Hữu Tâm); chút vị cay nồng ấm của “Mứt gừng xứ Huế” (tác giả Ngô Thanh Minh) hay mùi trầm thoang thoảng với “Bài học của tuổi thơ” (tác giả Nguyễn Xuân Hữu Tâm). Những ngày nắng đầu xuân cũng là lúc những làng nghề làm vàng mã “đón nắng” (tác giả Lê Thanh Sinh), để phơi những tranh ông cậu, bà cô tam đợi… chuẩn bị cho những lễ cúng cuối năm.
Hình ảnh thành phố Huế hiện đại, xinh đẹp và năng động cũng xuất hiện trong triển lãm lần này. Nhiều người xem ấn tượng với tác phẩm “Thành phố trong mây” của nhiếp ảnh gia Trương Vững. Từ trên cao, trong làn mây trắng là một thành phố tưởng chừng ngủ yên nhưng đang dần chuyển mình đầy mạnh mẽ. Tác phẩm “Vươn khơi” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Chính Nghĩa với hình ảnh người ngư dân đẩy thuyền ra khơi tựa như khát vọng vươn xa của thành phố Huế.