ClockThứ Bảy, 10/10/2020 05:30

Gánh hàng rong đầu thế kỷ XX qua tranh, ảnh

TTH - Hơn 60 tác phẩm gồm ký họa, tranh màu nước và ảnh đen trắng được Viện Pháp tại Huế và Viện Viễn Đông Bác Cổ phối hợp giới thiệu tại triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” (trưng bày ở Viện Pháp tại Huế đến ngày 18/11) mang đến cho người xem góc nhìn độc đáo về Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XX.

“Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội”

Những bức phác thảo được in trên giấy dó. Ảnh: MINH HIỀN

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Bảo Quốc, Giám đốc Viện Pháp tại Huế, triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” là sự kết hợp tinh tế giữa ảnh chụp, hiệu ứng âm thanh và các ký họa duyên dáng, phảng phất mùi hương của sự luyến nhớ, hoài niệm.

Độc đáo nhất là tập hợp các phác thảo, tranh vẽ và màu nước được thực hiện bởi 15 sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có những người đã trở thành danh họa, như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân và thầy giáo của họ - Ferdinand de Fénis. Được vẽ trong khoảng từ năm 1925 đến 1929, những gánh hàng rong khắp đường phố Hà Nội như sống một cuộc đời khác khi hiện diện trong những bức thảo đầu đời của các danh họa bậc thầy. Bộ sưu tập những bức tranh này từng được giới thiệu ở Pháp từ năm 2018, qua cuốn sách của Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris.

10 bức phác thảo đen trắng trong triển lãm được in trên giấy dó, đưa vào trong các hộp có lắp bóng đèn, khắc họa một cách tài tình thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố Hà Nội, dưới tia nắng đầu tiên trong ngày cùng các gánh hàng hoa, rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt…

Một tác phẩm về những gánh hàng rong (Ảnh chụp lại từ triển lãm)

Khung cảnh cuộc sống thường nhật của người Hà Nội còn hiện ra chân thật qua gần 30 bức tranh được trình chiếu. Điểm độc đáo của những bức vẽ này là miêu tả đầy hấp dẫn về người bán hàng rong, trên quang gánh là những món ăn được bày bán khắp các góc phố; những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu. Thú vị hơn là việc nắm bắt nhạc tính trong tiếng rao người bán mời gọi khách hàng, được tác giả ký âm lên các khuôn nhạc.

Qua chiếc máy cassette nhỏ được cố định trên xe đạp, người xem được lắng nghe những tiếng rao xưa cũ: “Ai lông gà, lông vịt, đồng nát bán đi… Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán na... à... ào!!!” được thực hiện bởi nghệ sĩ Đàm Quang Minh và các nghệ sĩ trong nhóm Đông Kinh Cổ nhạc. Âm thanh từ những tiếng rao nhịp nhàng của người bán hàng dạo như đánh thức ký ức hoài niệm trong nhiều người về những cảnh sắc, hương vị thuở xưa.

Phác thảo của họa sĩ Tô Ngọc Vân (Ảnh chụp lại từ triển lãm)

Tính nhân văn sâu sắc toát ra từ những bức tranh cũng được thể hiện qua sự miêu tả sống động khung cảnh đường phố, đôi khi chỉ với một vài đường nét phác thảo, hoặc chuyển động đung đưa đầy tao nhã để giữ gánh hàng thăng bằng hay dáng nghiêng nghiêng của người bán hàng khi lấy kem cho hai đứa trẻ đang nóng lòng chờ đợi...

Triển lãm còn giới thiệu đến công chúng 27 bức ảnh cùng thời kỳ thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Qua những bức ảnh đen trắng đầy hoài niệm, người xem như được sống lại bầu không khí của những ngày xưa cũ với không gian của những gánh hàng rong, những gánh bán hoa, những hàng mứt Tết ở chợ Đồng Xuân, trước đình làng Bát Tràng, chợ cá…

Tham quan triển lãm, họa sĩ Đỗ Văn Lân cảm nhận: “Bên cạnh yếu tố nghệ thuật, triển lãm còn cung cấp cho người xem những tư liệu sống động và sắc nét. Đây là cơ hội để những người yêu nghệ thuật, nhiếp ảnh, những người muốn tìm hiểu về quá khứ thấy được đời sống xã hội của một giai đoạn lịch sử. Đây cũng là nguồn tư liệu tốt cho các họa sĩ muốn khai thác về chủ đề này”.

TRANG HIỀN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU
Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công binh có Trung đoàn Công binh 151; Tiểu đoàn Công binh thuộc Cục Vận tải; ba đại đội công binh thuộc ba đại đoàn (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).

Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top