ClockThứ Ba, 24/01/2023 13:44

Giữ tranh quý cho Huế

TTH - Chưa khi nào việc sưu tập tranh, đặc biệt là các tác phẩm của các họa sĩ tiêu biểu có nhiều gắn bó với cùng đất Cố đô được Bảo tàng Mỹ thuật Huế thực hiện rốt ráo như bây giờ. Có lẽ, nếu không xúc tiến nhanh, cơ hội giữ lại những tác phẩm của đại diện cho trung tâm mỹ thuật lớn, có truyền thống lâu đời sẽ vơi dần theo thời gian.

Bảo tàng mỹ thuật Huế: Sưu tầm thêm 10 tác phẩm hội họa quý về HuếHọa sĩ Nguyễn Thiện Đức triển lãm tranh tại Hà NộiKhai mạc không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật”Cuộc lữ hành bên trong Huế qua tranhNgắm di sản, phong cảnh Huế qua tranh

Việc sưu tập tác phẩm như cơ duyên. Có tác phẩm như chờ sẵn, nhưng cũng có tác phẩm dù theo đuổi nhiều năm vẫn chưa thể sưu tập được vì nhiều lý do. “Nếu không quyết tâm theo đuổi, cơ hội giữ tranh họa sĩ Huế ngay trên đất Huế ngày sẽ hẹp lại!”, bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế nhận định.

Tác phẩm “Thấp thoáng Paris” của cố họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận

Gian nan hành trình sưu tập

Những tháng cuối năm, Bảo tàng Mỹ thuật Huế lại tất bật với công tác mời các chuyên gia, thành lập hội đồng tư vấn để nghiên cứu, xem xét lên danh sách tác giả tác phẩm dự kiến đề xuất sưu tầm để trình hội đồng thẩm định mua tác phẩm mỹ thuật của tỉnh. Dựa theo đó, hội đồng thẩm định sẽ có cuộc họp để đánh giá, thẩm định giá trị nghệ thuật và định giá các tác phẩm mỹ thuật làm cơ sở lựa chọn các tác phẩm mỹ thuật cần mua. Trong đó, phần nhiều những tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi là người Huế, hoặc có thời gian sinh sống, giảng dạy, cống hiến cho Huế. Những họa sĩ người Huế xa xứ, nhưng nổi tiếng cũng được lưu tâm.

Người đứng đầu Bảo tàng Mỹ thuật Huế nói rằng, tùy theo đặc thù của mỗi bảo tàng mà cách sưu tập và mục tiêu hướng đến khác nhau. Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng có con đường riêng, không trùng lắp với các bảo tàng mỹ thuật khác, nhưng vẫn có được những bộ sưu tập giá trị, đậm chất Huế. Ưu tiên được đưa ra hướng đến các họa sĩ quá cố. Việc sưu tập tranh của những họa sĩ này không chỉ lưu giữ, bảo tồn được giá trị mỹ thuật, mà xa hơn đó là việc “giữ chân” được những tác phẩm ấy ở lại với Huế trước nguy cơ “thất thoát” ra ngoại tỉnh lẫn nước ngoài.

Nhưng thực tế, việc sưu tập không hề đơn giản. Việc mua được những bức tranh quý, đúng tiêu chí và hợp túi tiền ngân sách không phải là chuyện dễ dàng, một sớm một chiều mà thành công. Hơn 4 năm kể từ ngày thành lập, tính đến cuối năm 2022, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã sưu tập được hơn 50 tác phẩm, theo tiêu chí đề ra và nằm trong số tiền mà ngân sách chi vào khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Tác phẩm “Thiếu phụ bên hoa sen” của cố họa sĩ Tôn Thất Đào trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Huế

So với các bảo tàng bạn, có lẽ đây là con số khiêm tốn từ số tiền chi lẫn số tranh sưu tập thành công. Tuy nhiên, trong số những tác phẩm ấy, có rất nhiều tác phẩm được đánh giá là tiêu biểu, đại diện cho phong cách sáng tác cũng như tên tuổi của tác giả như Tôn Thất Đào, Tôn Thất Sa, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Bé, Vĩnh Phối… Đằng sau việc sưu tập mỗi tác phẩm của những cố họa này là cả một câu chuyện dài, không ai giống ai.

“Không phải như một món hàng, mua là bán ngay. Việc sưu tập tranh của một cơ quan chuyên môn nhà nước phải trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục. Và vì để làm đúng quy trình đó thì việc mua tranh chậm lại, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ của một số gia đình cố họa sĩ. Trong khi đó, giới sưu tập ở bên ngoài thị trường thì săn lùng ráo riết và giao dịch nhanh gọn, kiểu “tiền trao cháo múc”, bà Trai dẫn chứng.

Có họa sĩ, bảo tàng dù đã có tranh rồi nhưng vẫn muốn sưu tập thêm để làm phong phú, đa dạng cho bộ sưu tập. Tuy nhiên, vẫn có họa sĩ đến nay bảo tàng dù đã nhiều lần tiếp cận, nhưng gia đình vẫn chưa muốn để lại tranh. Việc sưu tập tranh quý luôn cần sự kiên trì đeo bám, chờ đợi với lời đề nghị gia đình họa sĩ khi nào bán thì ưu tiên cho bảo tàng trước.

“Không phải gia đình cố họa sĩ nào cũng giống nhau. Có gia đình đầy đủ điều kiện không muốn bán, có gia đình vì những lý do riêng nên không đi đến thống nhất, có gia đình xem tác phẩm là kỷ vật giữ lại làm kỷ niệm, có gia đình dự tính mở không gian trưng bày riêng…” - bà Trai chia sẻ.

Tác phẩm “Không tên” của cố họa sĩ Trương Bé trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Huế 

Cơ duyên những cuộc hồi hương tranh quý

Việc mua được một tác phẩm đối với bảo tàng rất kỳ công. Bên cạnh tác giả tên tuổi thì tác phẩm đi kèm phải là tác phẩm đẹp, trong tình trạng tốt và đại diện cho phong cách sáng tác của chính tác giả đó. Nếu tác giả tên tuổi, nhưng tác phẩm không đáp ứng được tiêu chí đó thì không lựa chọn vào danh mục sưu tập.

Một khi không mua trực tiếp được ở gia đình các cố họa sĩ hoặc trực tiếp từ họa sĩ, bảo tàng cũng lên phương án khác đó là sưu tập lại từ những nhà sưu tập tư nhân. Tuy nhiên, theo bà Trai, ưu tiên đầu tiên vẫn là mua từ gia đình cố họa sĩ hoặc chính họa sĩ. “Khi mua nguyên gốc thì tính pháp lý rõ ràng, đảm bảo. Ngoài ra, bên cạnh sưu tập, bảo tàng còn muốn biết câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm để khi trưng bày đến công chúng sẽ thú vị, hấp dẫn hơn”, bà Trai lý giải.

Tiêu chí đưa ra là vậy, nhưng có trường hợp bảo tàng phải đi sưu tập lại từ các nhà sưu tập tư nhân. Đơn cử như tác phẩm quý của cố họa sĩ Tôn Thất Văn vừa được bảo tàng sưu tập từ nhà sưu tầm tranh – cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng (TP. Huế). Đó là tác phẩm được cố họa sĩ vẽ về phong cảnh lăng vua Tự Đức, với khung cảnh những tà áo trắng mềm mại hòa quyện khung cảnh thơ mộng của những công trình kiến trúc cổ kính như Xung Khiêm tạ, Dũ Khiêm tạ... Tác phẩm được sáng tác vào năm 1972 bằng chất liệu sơn dầu, kích thước 1,1x1,5m, tình trạng hiện tại khá hoàn hảo.

Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng kể rằng, tác phẩm này được anh sưu tập lại từ một người gốc Huế hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh. Người này là thân hữu, cũng là người tổ chức triển lãm cho Tôn Thất Văn và Đinh Cường vào tháng 10/1972 tại TP. Huế và quyết định “gắn nơ” cho bức tranh này. Sau này khi di cư vào Sài Gòn, gia đình cũng đưa theo bức tranh quý và gìn giữ cho đến khi được anh Hoàng sưu tập lại.

Hay tin anh Hoàng sở hữu được tác phẩm quý như thế, nhiều nhà sưu tập khác cũng đặt vấn đề, ngỏ ý muốn được sưu tập lại với mức giá đưa ra khá cao, nhưng anh từ chối. Cho đến khi Bảo tàng Mỹ thuật Huế ngỏ ý thiết tha muốn sở hữu, giữ lại để làm phong phú cho bộ sưu tập tranh Huế, anh đắn đo trước khi đi gật đầu đồng ý.

“Mua được một tác phẩm quý rất khó, nhưng việc bán ra thị trường bên ngoài lại đơn giản, nhanh gọn. Không bàn về chuyện giá cả, khi quyết định “gả” cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế, mình muốn bức tranh sẽ được ở lại với Huế. Đó là cách lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa cho Huế và để ai cũng có thế được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn”, anh Hoàng tâm sự và mong rằng sẽ có nhiều cơ duyên hơn nữa trong việc đóng góp việc sưu tập, lưu giữ cho Huế những tác phẩm quý, đẹp.

Sẽ công bố toàn bộ tác phẩm sưu tập được vào năm 2023

Bà Đinh Thị Hoài Trai cho biết, không chỉ gặp khó khăn trong công tác sưu tập mà vấn đề không gian trưng bày các tác phẩm cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Dù được thành lập từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa có không gian trưng bày đúng nghĩa. Hiện các tác phẩm sưu tập được vẫn đang được bảo quản trong kho nên bảo tàng vẫn cảm thấy áy náy, có lỗi với các cố họa sĩ, tác phẩm và chính với những người trông chờ được xem tranh.

“Bảo tàng và ngành văn hóa vẫn đang kiến nghị với cấp trên để có một không gian xứng tầm để trưng bày những tác phẩm quý đã sưu tập được. Chưa biết cụ thể khi nào sẽ có không gian, nhưng năm 2023, vào dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ làm cuộc triển lãm, trưng bày toàn bộ những tác phẩm sưu tập được đến với công chúng”, bà Trai thông tin.

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cho rừng thêm xanh

Phía tây Phong Điền bây giờ không còn đất trống, đồi trọc mà thay vào đó là những cánh rừng đã xanh hơn. Đây là kết quả của sự đoàn kết chung tay của ban, ngành chức năng và người dân trong việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua.

Giữ cho rừng thêm xanh
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Return to top