ClockThứ Bảy, 30/04/2022 15:52

Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ tranh về Bác Hồ

TTH - Năm 1946, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam cử vào Bắc bộ phủ xin vẽ Bác Hồ. Người đồng ý, các họa sĩ vừa mừng vừa lo, bởi họ nghĩ công tác cách mạng đang tiến triển nhanh, Bác Hồ lúc bấy giờ bận rất nhiều việc quan trọng, mà không phải ai cũng vẽ nhanh được. Đặc biệt, họa sĩ Tô Ngọc Vân càng lo hơn, vì ông vốn vẽ rất chậm, khi vẽ bất kỳ cái gì, họa sĩ đều bỏ nhiều thời gian quan sát.

Chân dung họa sĩ Tô Ngọc Vân, chì màu của Lê Lam, trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến. Ảnh: TL

Tuy nhiên, Bác Hồ đã giúp các họa sĩ bớt lo âu ngay từ những buổi gặp gỡ ban đầu. Người ân cần dặn dò: “Các chú cứ ở trong này mà vẽ cho tiện. Bác cứ làm việc Bác, các chú cứ làm việc của các chú, ai làm việc nấy, các chú có bằng lòng như thế không?”. Họa sĩ Tô Ngọc Vân thưa: “Xin Bác cho chúng cháu được qua lại tự do trong phòng và mở cửa sổ bên này, bên kia để ánh nắng ở ngoài chiếu vào”. Bác Hồ cười vui: “Được chứ, việc gì thấy cần thì các chú cứ làm”.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân hứng khởi bắt tay ngay vào việc, dồn hết tâm lực nghiên cứu từng cử chỉ, từng nét mặt của Bác. Họa sĩ xúc động khi nhận thấy Người thường hiện lên nét hiền từ, song cũng nhiều khi trông rất trang nghiêm. Với họa sĩ Tô Ngọc Vân, việc phối hợp cả hai yếu tố hiền từ của vị Cha già dân tộc và sự trang nghiêm của Chủ tịch Nước là điều không hề dễ dàng. Cũng trong thời gian ấy, Người tiếp nhiều nhà nhiếp ảnh, các nhà báo chuyên vẽ ký họa, và họ làm việc rất nhanh, điều đó khiến họa sĩ Tô Ngọc Vân khá bối rối vì cung cách làm việc rề rà của mình, sợ làm phiền Bác. Một chiều nọ, nhân thấy Người dừng viết sang chiếc bàn nhỏ uống trà, họa sĩ mạnh dạn lại gần thưa: “Thưa Bác, cháu không thể làm việc nhanh như mấy ông nhà báo, cháu xin Bác không phải ba ngày mà ba tuần liền được gần Bác mới mong vẽ được”. Bác rót nước mời họa sĩ rồi ân cần nói: Chú cứ yên tâm, ba tháng cũng thấy là phải, chứ nói gì ba tuần”.

Bức tranh khắc gỗ Bác Hồ ở Bắc Bộ Phủ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ảnh: TL

Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân kể: “Thật là một câu nói ngắn gọn, sâu xa. Cha tôi rất cảm phục lời nói, đúng ra là lời dạy quý hóa của Bác. Bác là một nhà lãnh tụ cách mạng nhưng lại rất hiểu nghệ thuật. Nghệ thuật muốn tốt thì phải có thời gian. Một cuộc đời như Bác đã chịu bao tháng năm tù ngục, bôn ba bao nhiêu nước, xa quê hương trên 30 năm nhưng lòng Bác lại khăng khít, gắn liền với Tổ quốc. Một tâm hồn phong phú như thế, quật cường như thế thì biết vẽ thế nào trong ba tuần được. Nghĩ lại, cha tôi cảm thấy dẫu được ba năm cũng không vẽ nổi. Cha tôi nghĩ như thế vì có phải vẽ hình ảnh bên ngoài đâu mà phải thể hiện qua bức tranh một cuộc sống vĩ đại của lãnh tụ mình, của dân tộc mình. Đêm đó, cha tôi nghĩ lan man như vậy. Cha tôi không tài nào ngủ được” .

Không lâu sau, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hoàn thành bức tranh sơn dầu “Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ” nổi tiếng. Trong bức tranh này, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã thể hiện sinh động chân dung Hồ Chủ tịch, thể hiện sự hòa hợp giữa thể hình nhân vật và thời gian lẫn không gian lịch sử. Lúc ấy, Người vừa từ núi rừng Pác Bó trở về, còn mang đầy dấu ấn của nhiều năm tháng bôn ba gian khổ hoạt động cách mạng. Dáng Người gầy trong bộ kaki giản dị, đi đôi giày dân tộc Nùng gọn gàng, gương mặt trầm tư âu lo vận nước. Những nét vẽ sử dụng bút pháp khỏe, sinh động, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người xem. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dịp đó cũng đã dùng thể loại khắc gỗ để sáng tác bức tranh nổi tiếng “Bác Hồ năm 1946”, thể hiện hình ảnh Hồ Chủ tịch với nét mặt nhìn nghiêng, một phác hình lãnh tụ rất đẹp, khái quát sâu.

Tháng 3/1952, họa sĩ Tô Ngọc Vân lại được vẽ Bác. Lần này họa sĩ đã vẽ bức tranh khổ lớn, thể hiện hình ảnh Bác Hồ đang mặc áo bông, tay để xuống chiếc bàn màu đỏ, đang nói chuyện trước hội nghị. Năm ấy, họa sĩ Tô Ngọc Vân nhận được thư khen do chính tay Bác Hồ đánh máy và ký tên Hồ Chí Minh. Bức tranh sau đó được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, còn lá thư khen hiện được lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Có một câu chuyện cảm động giữa tình cảm họa sĩ Tô Ngọc Vân với Bác Hồ. Họa sĩ Tô Ngọc Thành kể: “Năm 1954, vào mùa xuân, cha tôi đi công tác về. Chúng tôi thấy cha mặc chiếc áo màu chàm. Cha cho chúng tôi hay chiếc áo này là của Bác Hồ tặng. Hôm ấy cha tôi bị ho. Bác đã cởi áo tặng và còn dặn: “Chú cố gắng giữ gìn sức khỏe để còn phục vụ Nhân dân chứ”... Chiếc áo của Bác, cha tôi đã mặc trên đường đi vẽ ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiếc ba lô và cặp vẽ gửi trả lại gia đình, khi cha tôi hy sinh sau trận ném bom oanh tạc của địch ở bên kia đèo Lũng Lô, vẫn còn chiếc áo của Bác...”.

ĐẶNG NGỌC NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội bóng đá - vẽ tranh học đường

Ngày 19/10, Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền) tổ chức Ngày hội bóng đá - vẽ tranh dành cho học sinh toàn trường. Ngày hội thu hút hàng trăm em học sinh tham gia tranh tài và cổ vũ.

Ngày hội bóng đá - vẽ tranh học đường
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)
Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ

Ngày 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiến về tiếp quản Thủ đô.

Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Trên nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân, xuất bản tại Huế, có in bức thư của Hồ Chủ tịch, đề ngày 4/12/1945, gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ...

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

Đó là tên cuốn sách thứ năm của TS. Chu Đức Tính (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) viết về Bác Hồ. Tác giả là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm nguyện “nhằm chứng minh một chân lý đã được khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản mẫu mực, một lãnh tụ nói đi đôi với làm” - như tác giả đã tâm sự đầu cuốn sách.

Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

TIN MỚI

Return to top