Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm
Triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Nghiễm” của Hoàng Đăng Nghiễm đang được trưng bày tại Sceret studio (đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế) khiến công chúng yêu nghệ thuật không khỏi “trầm trồ” bởi phong cách riêng biệt, mang đầy hơi thở đời sống nghệ thuật đương đại. Những bức tranh được anh sáng tác theo lối vẽ tổng hợp với những bước đột phá trong cách kết hợp chất liệu, nhuộm màu, mang đến cho người xem những xúc cảm mãnh liệt về đời sống nhân sinh.
Ấn tượng nhất là những tác phẩm chất liệu tổng hợp trên vải bố thô. Đây là những tấm vải bố phế phẩm được dùng để che chắn công trình xây dựng, được Hoàng Đăng Nghiễm mang về, tỉ mẩn nhuộm màu, may vá thủ công để mang lại cho nó một màu sắc, hơi thở và đời sống mới. Trên nền bố cũ kỹ mang màu sắc âm trầm, anh đưa vào những thép gai, cuốc, xẻng, chong chóng giấy… mang lại hiệu ứng thị giác đặc biệt.
Tác phẩm “Không giẫm đạp”
Những trăn trở và trắc ẩn về đời sống qua các tác phẩm: “Đổ vỡ”, “Không giẫm đạp”, “Tuổi thơ”, “Phế tích”… được anh hòa quyện vào những nét, màu trên bề mặt tranh gần như sờ nắm được. Xem tranh của Hoàng Đăng Nghiễm, có thể nhận ra những trắc ẩn, nỗi niềm buồn thương, nhưng đằng sau đó luôn chất chứa niềm tin, niềm hy vọng qua những chấm phá sắc màu hoặc ký hiệu chữ viết.
Anh chia sẻ: “Tác phẩm của tôi là sự ám ảnh với quá khứ đau thương trong lịch sử dân tộc; những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực; những đứa trẻ bất hạnh, những công trình kiến trúc chỉ còn là phế tích… Nhưng, bên trong những muộn phiền, mất mát, khổ đau luôn là khát vọng yên bình, niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn”.
Cách sáng tác của Hoàng Đăng Nghiễm luôn mang tính gợi về hình ảnh, trên tranh của anh có điêu khắc. Trên nền vải bố cũ kỹ, cái cào của người nông dân được anh đưa vào tác phẩm “Đời” như muốn thể hiện sự cơ cực của người dân lao động. Sự va đập mạnh mẽ của cuộc sống được thể hiện qua những thanh sắt, thép như dịu đi bởi tính nhân sinh luôn lấp lánh qua bàn tay nâng đỡ những con người vấp ngã. Ở tác phẩm “Không giẫm đạp” và “Đứa bé” lại là một hình ảnh ám ảnh khác. Chỉ bằng chiếc áo, mũ vải trẻ em tượng trưng, tác giả lên án nạn bạo hành trẻ em. Với “Phế tích”, anh lại đề cập đến sự mất mát, nuối tiếc về những công trình kiến trúc đẹp nay chỉ còn là phế tích.
Từ nhỏ đã đam mê hội họa qua những bức vẽ của cha – họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận, nhưng Hoàng Đăng Nghiễm chọn chuyên ngành kiến trúc nội thất để lập nghiệp. Khi đã ổn định cuộc sống tại Đà Nẵng, anh tích lũy năng lượng, sáng tác mỹ thuật tạo hình trong khoảng 5 năm trở lại đây và ra mắt công chúng những “đứa con tinh thần” ưng ý.
Tác phẩm “Những chuyến bay xa”
Thời niên thiếu tiếp xúc hàng ngày với tranh của cha, thuở mới cầm cọ, Hoàng Đăng Nghiễm chịu ảnh hưởng không ít từ phong cách của ông. Sau này, khi cọ xát với cuộc sống nhiều hơn, anh tìm thấy cá tính riêng của mình trong sáng tác. Do tính chất công việc, tiếp xúc với một miếng gỗ, thanh sắt, thép… anh cũng cảm thấy cái tình trong đó. Cứ thế, anh đưa gỗ, sắt, thép, bố gai, đất… vào tranh. Chất liệu trong tranh của Nghiễm là sự dung hòa giữa những chất liệu đời thường anh góp nhặt với những cái bị bỏ đi, rồi “nhào nặn” theo tư duy của mình.
Đến với hội họa như một cuộc dạo chơi, để rồi tìm thấy mình qua những nét cọ đường bay, được chiêm nghiệm cái tôi của mình trên những tấm bố đầy lôi cuốn, Hoàng Đăng Nghiễm miệt mài với những câu chuyện hội họa sau giờ làm việc căng thẳng. Tưởng chừng như chỉ là cách tự cho mình giải tỏa nhưng từng bức tranh, từng thớ toan, từng nhát cọ, từng lớp màu như là từng trang trong cuốn nhật ký được anh tỉ mẩn ghi lại. Càng đi vào thế giới của anh, càng thấy trong sự thô ráp, xù xì đầy ám ảnh như đưa người xem cùng tan vào sự đồng cảm về những trải nghiệm thăng trầm, như một cách giãi bày nội tâm đầy chất riêng.
Bài, ảnh: TRANG HIỀN