ClockChủ Nhật, 04/11/2018 15:09

Làm sao để bảo vệ sản phẩm của mình

TTH - Để sống được với nghề, các họa sĩ thường theo một dòng tranh khác – “tranh thương mại”. Nói nôm na là chất liệu vừa phải, giá cả có thể nhiều khách hàng chấp nhận và được các galery đặt hàng.

Tường Vân & nét ngại ngùng trong tranh thiếu nữNguồn cảm hứng vô tận

Một anh bạn họa sĩ  kể chuyện bản quyền nghe mà “sốt ruột”. Chuyện là, theo từ ngữ anh dùng thì giới họa sĩ thường vẽ “hai dòng tranh” – tranh nghệ thuật và tranh thương mại. Chưa nói đến nội dung tranh, tay nghề cao hay thấp trong sử dụng màu… nhưng đã là tranh nghệ thuật thì phải đầu tư lắm sự sáng tạo và tiền của. Riêng những chất liệu để tạo ra một bức tranh là hết sức tốn kém. Những tranh này thường kén khách hàng.

Họa sĩ cần đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình để tránh bị sao chép, đạo tranh (Ảnh minh họa)

Để sống được với nghề, các họa sĩ thường theo một dòng tranh khác – “tranh thương mại”. Nói nôm na là chất liệu vừa phải, giá cả có thể nhiều khách hàng chấp nhận và được các galery đặt hàng.

Một thời gian “dòng tranh này” bán rất chạy. Anh sống tốt với nghề. Nhưng sau đó là anh bỏ không theo đuổi nữa. Vì tranh của anh bị chép nhiều quá (gọi là tranh chép), đặc biệt là ở các nơi du lịch phát triển.

Tôi hỏi anh: Tranh chép nghĩa là thế nào? Anh cho biết, nhiều nơi galery chụp ảnh một bức tranh nào đó, thường là tranh đẹp. Họ về thuê (thường là sinh viên hội họa mới ra trường, hoặc là những người biết vẽ) vẽ lại. Chất liệu thường là không tốt. Thể loại tranh này bán với giá rất rẻ…

Tôi hỏi anh: Tại sao anh không đăng ký tác quyền? Anh bảo đăng ký sao nổi. Làm một thủ tục đăng ký tác quyền “rất rườm rà”, đó là chưa nói đến chi phí. Trong khi giá bán ra để cho phần lớn người mua chấp nhận đã có giá rẻ rồi. Giờ nếu cộng thêm chi phí để đăng ký tác quyền giá sẽ lên cao. Giá cao thì khó bán…

Tranh thương mại thường bị sao chép nhiều hơn (Ảnh minh họa)

Thì ra vậy. Tôi cứ tưởng rằng nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng sống thường là phong lưu, ung dung nhàn nhã. Hóa ra không phải vậy. Trong một môi trường mà thiếu lành mạnh thì đúng là làm nghề gì cũng khó. Trường hợp cụ thể của anh họa sĩ nói trên, môi trường không tốt đã hạn chế sự sáng tạo.

Các công ty ở những nước có nền kinh tế phát triển, văn minh… họ sợ nhất là khi đầu tư vào những nước có một môi trường hoạt động không tốt, quyền sở hữu trí tuệ thường xuyên bị xâm phạm. Việc này được nhìn nhận là rủi ro trong đầu tư. Như vậy, một môi trường kinh doanh và hoạt động sáng tạo, nếu thiếu lành mạnh và minh bạch… sẽ dẫn đến hạn chế thu hút đầu tư.

Đến đây chúng ta sẽ thấy, một môi trường kinh doanh tốt không chỉ là những yếu tố chúng ta hay đề cập lâu nay là một nền hành chính minh bạch, thuận lợi, việc tiếp cận đất đai dễ dàng, không có chi phí không chính thức, có nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp… mà còn là môi trường đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Những phát minh, sáng chế, những sản phẩm… thậm chí là phương thức dịch vụ không bị xâm phạm.

Rõ ràng, môi trường của Việt Nam chúng ta chưa đáp ứng tốt những điều này. Vấn đề là làm thế nào để hạn chế việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? Luật và các văn bản dưới luật về quyền sở hữu đã có. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện về vấn đề pháp lý. Phải làm tốt công tác tuyên truyền để đưa luật vào đời sống. Những hình thức xâm phạm phải có chế tài mang tính răn đe cao. Và điều cần thiết nhất là hình thành một hệ thống hành chính phục vụ cho việc đăng ký tác quyền thuận lợi nhất, chi phí rẻ nhất có thể. Khi đó, mỗi sản phẩm, mỗi người làm ra, sáng tạo ra sản phẩm có thể sẽ tự bảo vệ được sản phẩm của mình.

Tranh thương mại thường bị sao chép nhiều hơn (Ảnh minh họa)

Hành vi xâm phạm tác quyền, nhìn ở một góc độ nào đó, có thể nói là hành vi “ăn cắp”. Để hạn chế hành vi này thì cùng với thực hiện nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống luật; tạo điều kiện để dễ dàng thực thi luật… thì đồng thời phải xây dựng một nền tảng đạo đức xã hội trong sáng, lành mạnh, văn minh. Cái này rất cần cho một xã hội phát triển bền vững chứ không riêng gì ở lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ.

Bài: BÌNH SƠN - Ảnh: ANH QUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăng trầm nghề bán báo dạo

Nghề bán báo dạo từng thịnh hành và giúp nhiều phận đời mưu sinh kiếm được thu nhập khá ổn. Hơn chục năm về trước, khi báo in vẫn ở đỉnh cao hoàng kim không khó bắt gặp cảnh người bán báo dạo với từng xấp báo đủ loại rong ruổi từ quán ăn này sang quán cà phê khác, rồi vội vã rong ruổi hết tuyến đường này sang tuyến đường kia để đem tin tức nóng hổi đến với mọi người.

Thăng trầm nghề bán báo dạo

TIN MỚI

Return to top