ClockThứ Năm, 02/09/2021 13:30

Nghệ sĩ Huế vẽ Bác Hồ

TTH - Hướng về Ngày Quốc khánh 2/9, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đã sáng tác những tác phẩm mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích của Người tại Huế bằng tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ, tri ân.

Triển lãm 48 tác phẩm mỹ thuật về Bác Hồ

Tác phẩm “Ký ức những khoảng trời” của họa sĩ Phan Lê Chung

Dự kiến ra mắt công chúng vào dịp Quốc khánh 2/9, triển lãm mỹ thuật “Bác Hồ - Kết tinh hồn dân tộc” do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế tổ chức thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tạo hình ở Huế, trong đó chủ yếu là các nghệ sĩ đang giảng dạy tại Trường đại học Nghệ thuật.

Gần 60 tác phẩm, trong đó có 20 tác phẩm là sáng tác mới thể hiện các góc nhìn khác nhau nhưng đều ăm ắp tình cảm về Bác Hồ kính yêu. Không chỉ thể hiện chân dung hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tranh giá vẽ và điêu khắc, các nghệ sĩ còn sáng tác những bức tranh phong cảnh về các di tích, địa điểm, công trình tưởng niệm liên quan đến Người ở Thừa Thiên Huế.

Nhiều tác phẩm thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sống động, chân thực với khí chất của lãnh tụ, tinh thần nhân văn cao cả và lý tưởng khát vọng độc lập cho dân tộc. Trong tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những dấu ấn”, họa sĩ Võ Quang Phát sử dụng đồ họa máy tính để khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch. Bức tranh được lấy cảm hứng từ 175 bút danh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Mỗi bút danh của Người đều có một ý nghĩa riêng, có thể xem là những dấu ấn quan trọng gắn liền với những câu chuyện hay sự kiện phục vụ lợi ích cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những dấu ấn” của họa sĩ Võ Quang Phát

Họa sĩ Võ Quang Phát chia sẻ: “Bằng cách sử dụng nghệ thuật Typography - loại hình thiết kế lấy các chữ cái làm đối tượng khai thác, các con chữ trong tác phẩm không chỉ là công cụ truyền đạt thông tin bình thường mà còn mang tính nghệ thuật cao cùng với sự thể hiện có tính khoa học. Với 175 bút danh cấu tạo nên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho tác phẩm trở nên ý nghĩa. Những tên gọi ấy phản ánh nhân cách, tư tưởng lớn lao của Người về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân”.

Chân dung Bác Hồ trong tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Hà Văn Sáu hiện lên sống động với nụ cười nhân hậu, thánh thiện, biểu hiện niềm tin tất thắng. Với tác phẩm này, hình tượng Bác Hồ được bao bọc bởi hình khối cầu biểu trưng cho Quốc huy được cách điệu bằng hình ảnh hoa sen. Nhà điêu khắc Hà Văn Sáu cho hay: “Khoảng trống nền trong tác phẩm nhằm mở rộng không gian tác phẩm và thể hiện sự sâu rộng, uyên thâm nhưng gần gũi, thân thiện của Bác Hồ. Tác phẩm treo bất cứ nơi đâu, ở thời điểm nào thì không gian đó vẫn nằm trong tác phẩm, biểu đạt thông điệp nụ cười nhân hậu của Bác có mặt ở khắp nơi, cả trong tâm khảm của mỗi chúng ta”.

Tác phẩm “Bác Hồ” của nhà điêu khắc Hà Văn Sáu

Cũng thể hiện chân dung Hồ Chủ tịch bằng phù điêu với chất liệu composite, nhà điêu khắc Phan Thanh Quang thể hiện hình ảnh vị cha già dân tộc trên nền con chim hạc, tượng trưng cho cội nguồn dân tộc. Trong tác phẩm này, ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hun đúc trên hồn dân tộc tạo nên sức mạnh, soi sáng con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều lần thể hiện chân dung Bác Hồ, với nhà điêu khắc Phan Thanh Quang, các đường nét trên gương mặt Bác anh đã thuộc nằm lòng. Dù vậy, mỗi lần vẽ chân dung Bác, anh vẫn vẹn nguyên cảm xúc kính trọng và mến yêu.

Bức tranh phong cảnh “Ký ức những khoảng trời” bằng acrylic của họa sĩ Phan Lê Chung thể hiện không gian bình yên thời thơ ấu của Bác Hồ tại làng Dương Nổ. Ngôi nhà tranh mát lành khơi gợi trong ký ức người xem về một không gian xưa cũ, nơi nuôi dưỡng và hun đúc ý chí của cậu học trò Nguyễn Sinh Cung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình tượng khó sáng tạo đối với nghệ sĩ, nhất là việc tránh lặp lại theo lối mòn khô cứng hay rập khuôn. Các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Huế đã vượt lên những khó khăn ấy để sáng tạo tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt, sâu sắc về nội dung, phong phú sinh động về ý nghĩa, tạo nên những cách nhìn mới, đầy tính nhân văn về hình tượng Hồ Chủ tịch.

Theo họa sĩ Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật, đa phần các tác phẩm thể hiện rõ nét, đầy sức truyền cảm về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tác giả cố gắng tìm tòi, khám phá về chất liệu, kỹ thuật, bút pháp và tính biểu đạt nghệ thuật để mỗi tác phẩm thể hiện giá trị thẩm mỹ, chân thực, có sức truyền cảm đối với công chúng. Bên cạnh thể hiện đặc điểm, thần thái của chân dung lãnh tụ, mỗi tác giả với bút pháp, dấu ấn cá nhân riêng tạo nên sự đa dạng về phong cách. Các nghệ sĩ với tinh thần kính yêu lãnh tụ, đã tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người để chắt lọc, chỉn chu trong từng chi tiết.  

Đối với các nghệ sĩ tạo hình Huế, thể hiện đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tình cảm trân trọng, tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, vừa thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế, đồng thời tu dưỡng đạo đức, tâm hồn của người nghệ sĩ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải 3 cuộc thi: Sáng tác ca khúc về truyền thống, sáng tác logo truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và cuộc thi viết “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” tỉnh lần thứ 3, năm 2024; đồng thời, công bố phim tài liệu về lịch sử truyền thống LLVT tỉnh.

Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế
Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến

Ngày 14/12, Đại hội Tim mạch học toàn quốc lần thứ 19 chính thức khai mạc, thu hút 2.200 đại biểu và hội viên trong, ngoài nước. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới", đại hội diễn ra với nhiều hoạt động đến ngày 15/12.

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến
“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”

“Ngoài đề tài văn hóa di sản của Huế, điều mà tôi ấn tượng và cảm xúc trong quá trình sáng tác ảnh nghệ thuật ở vùng đất này đó chính là con người. Người Huế bình dị, mộc mạc và có “chất” riêng”, nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Vĩnh (sinh năm 1986, Gia Lai) – người vừa được xướng tên với giải thưởng tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về Huế với bộ ảnh “Quần thể di tích Cố đô Huế” đã trải lòng như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”

TIN MỚI

Return to top