ClockChủ Nhật, 24/12/2017 06:56

Trên áo dài, con giáp của năm...

TTH - Xuân tới, đón chào Mậu Tuất, họa sĩ Trần Hữu Nhật đã lấy cảm hứng từ con chó để hoàn thành bộ ba chiếc áo dài bằng chất liệu gấm cao cấp, thể hiện sự hòa phối giữa các phong cách dân gian, hiện đại và lập thể.

Áo dài trên phố HuếNgắm áo dài thời Nguyễn xưa cho nam giớiĐêm áo dài đầy sắc màu và cảm xúcMặc áo dài được chở đi ngắm Huế miễn phíTriển lãm 130 hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến áo dài

Họa sĩ Trần Hữu Nhật

Tuy là một con vật gần gũi, song việc vẽ chó trên áo dài là một ý tưởng hiếm thấy, khó thể hiện và khó đẹp nhất. Họa sĩ Trần Hữu Nhật bày tỏ: “Thể hiện hình tượng con chó trên áo dài cần chú trọng thẩm mỹ, dân tộc tính và không khí mùa xuân. Màu sắc cần tươi tắn, rực rỡ. Đường nét, màu sắc con giáp lấy cảm hứng từ các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, làng Sình kết hợp cùng phong cách hiện đại của hội họa lập thể nhưng cần đảm bảo tính chân phương, mộc mạc, không cố chau truốt, mượt mà. Bố cục ngẫu biến nhưng phải cân bằng, hài hòa. Cái đẹp sẽ được toát lên từ vẻ chân tình, là lạ đó”.

Bộ ba chiếc áo dài gồm hai áo nam và một áo nữ, được Trần Hữu Nhật hoàn thành trong một tháng. Hỏi vì sao lại là ba chiếc, anh nói: “Số 3 là con số lẻ, mà lẻ là vận động, biến chuyển, thay đổi tương ứng với 3 phong cách hội họa hỗ trợ cho việc thể hiện hình tượng con chó trên áo dài. Trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam, số 3 ẩn dụ trong các quan niệm về tam quan (hữu quan, tả quan, trung quan), tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai), tam đa (phúc, lộc, thọ)...  Tôi muốn mang tới hơi thở an lành và tiến triển cho con người thông qua bộ ba chiếc áo dài này”.

Chiếc áo dài nam thứ nhất được lấy cảm hứng từ con chó đá trong văn hóa Việt Nam. Tục thờ chó đá đã có từ lâu. Ở Huế, dân làng Phổ Đông, Phổ Trung (Nam Phổ) coi cẩu thần như các vị thần trấn trạch, lập miếu thờ rất uy nghi. Trong Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh viết: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá để yểm tà khí”. Vận dụng ý nghĩa may mắn của chó đá, Trần Hữu Nhật đưa hình tượng này vào chiếc áo dài chào năm mới Mậu Tuất. Đây là những mảng màu rực rỡ, vui tươi với lối tạo hình dễ hiểu, dễ cảm nhận. Con chó đá ẩn mình trong vườn hoa xuân, có cỏ cây, chim muông bao quanh tô điểm. Trên đường viền chạy theo hàng cúc bấm, cành hoa tươi tắn đối ứng với gương mặt trầm ngâm của con chó đá như một tấm hộ chiếu về ân khí mùa xuân đâm chồi nảy lộc đang len lỏi khắp đất trời.

Ở một dạng thức khác của áo dài nam, Trần Hữu Nhật vẽ nhiều con chó đồng hiện theo phong cách hội họa lập thể. Bằng nét vẽ kỷ hà, khỏe khoắn, linh hoạt, anh mong muốn gửi gắm một tâm ước về sự sum vầy, viên mãn, hòa đồng của con người, đất trời và vạn vật. Ở nét vẽ trung tâm là hình tượng con chó rất Việt Nam, được bảo bọc trong ô vuông màu vàng, minh chứng sự chi phối của vũ trụ với mọi sinh thể trong lòng đất. Tinh thần màu sắc chiếc áo dài là sự kết hợp của ngũ hành: Kim (trắng), Mộc (xanh), Thủy (đen), Hỏa (đỏ), Thổ (vàng). Chiếc áo này thể hiện quan niệm âm dương hòa hợp, sống động viên mãn với những nét vẽ mới mẻ của trào lưu lập thể nhưng vẫn gắn liền với truyền thống.

Bộ ba chiếc áo dài bằng chất liệu gấm cao cấp

Với áo dài nữ, nét vẽ tả thực được áp dụng cho thêm phần trực quan, phong phú. Sử dụng phép viễn cận của cách vẽ hiện thực, 3 chú chó con từ gần đến xa được nhìn thấy với bản chất “con” rõ nhất. Thoạt nhìn có thể thấy các nét vẽ hơi chểnh mảng, ơ hờ, các khoảng trống bỏ lửng như vô ý... nhưng đó lại là sự gắn kết tự nhiên giữa các cá thể. Chó đen trên nền vải gấm trắng, gương mặt non nớt hồn nhiên, chiếc lưỡi đỏ thè ra... thể hiện khí vận sinh động, thần lực của bức vẽ, tôn lên nét Á Đông cho trang phục.

Ba chiếc áo dài được hoàn thành lúc chiều chạng vạng tại xưởng vẽ trên đường Võ Thị Sáu, thành phố Huế. Nhật bảo khoảng chục năm trở lại đây, năm nào anh cũng vẽ con giáp trên áo dài chào năm mới nhưng năm nay vẽ chó có cảm giác thật đặc biệt, vừa lạ lẫm vừa thân quen. Bày tỏ quan niệm về con chó, Nhật thẳng thắn: “Con chó không chỉ là một vật nuôi giữ nhà mà còn có một đức tính rất đáng quý, đó là không bao giờ phụ chủ. Chó là một con vật trung thành, thông minh và giàu tình cảm nhất trong số 12 con giáp”.

Hết Chạp là đến Giêng, đào mai khoe sắc, hơi ấm của những người thân yêu trở về sau quãng thời gian bôn ba, lưu lạc. Và tấm áo đầu năm mới như một chiếc hộp chứa đầy mùi vị cố hương, có vòm cây, có mặt trời, có con chó đá một mình ngóng đợi thâm niên... Mậu Tuất trên áo dài, đó là lời chúc hoan ca, hứng khởi của họa sĩ trẻ dành cho mọi người trong năm mới.

Bài, ảnh: Nguyên Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

Tối 4/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài", nhằm tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024
Đưa áo dài ngũ thân vào học đường

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công nhận “Tri thức may, mặc áo dài Huế” của tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực thúc đẩy Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế triển khai hoạt động đưa áo dài ngũ thân vào trường học.

Đưa áo dài ngũ thân vào học đường
Return to top