Lịch sử có rất nhiều những ông vua là nghệ sĩ và học qua cầm kỳ thi họa. Vua Hàm Nghi với bút danh Tử Xuân đã được công nhận về thái độ lao động nghệ thuật như một họa sĩ thực thụ ở xứ trời Tây đầu thế kỷ 20.
Vẽ để quên nỗi buồn
Bức tranh nổi tiếng "Chiều tà" của vua Hàm Nghi
Sau phong trào Cần Vương thất bại, vua Hàm Nghi bị bắt và lưu đày sang thủ đô Alger của Algérie. Năm 1896, trong tình cảnh bị cưỡng bức đủ điều, vua Hàm Nghi đã đến với hội họa, đầu tiên là vẽ lại ảnh chụp chân dung của mình lúc lưu đày trong trang phục truyền thống của hoàng gia, với khăn vấn đầu. Nhiều bản sao vẽ gửi cho mọi người như một loại danh thiếp để ngầm nói rằng “tôi vẫn là người An Nam và người Pháp không thể khuất phục tôi”.
Ngoài việc vẽ rất nhiều chân dung của mình, ông còn vẽ chân dung cho những người thân, bạn bè và thường ký tên tác giả là Tử Xuân hay Xuân Tử (là người con của mùa xuân). Không rõ những chân dung ấy lưu lạc nơi đâu, nhưng người ta đều biết đến ba chân dung là con gái của ông tên Như Mai lúc 1 tuổi (1906), chân dung Marcelle vợ ông (1905) và chân dung người làm vườn cho ông.
Do bị quản thúc nghiệt ngã nên ông chỉ tập trung vẽ để quên nỗi buồn và không quan tâm đến chính trị đồng thời ông đã giao lưu với nhiều họa sĩ và trí thức lớn của Pháp, những người đó đã giúp ông khẳng định hướng đi cho mình trong tương lai. Sau này cứ hai năm một lần ông lại đến Pháp 3 tháng để sáng tác. Bức vẽ trên vải đầu tiên của ông vẽ về phong cảnh miền quê ở Alger ký ngày 19/5/1899.
Từ 1899 đến 1903 ông đã sử dụng kỹ thuật của trường phái Ấn tượng sử dụng ánh sáng và giảm các viền đen, màu sắc tươi sáng hơn và lúc này ông chỉ tập trung vào vẽ phong cảnh. Ông hòa vào thiên nhiên, ngợi ca nó mà quên hết muộn phiền, trong một bức thư gửi cho bạn là Charles Gosselin, trong thư có câu : “Đây là những gì tôi muốn nói – Tôi chỉ thích tại thời điểm hiện tại trong trang phục đồng quê châu Phi”. Trong toàn bộ tranh vẽ của ông, ông đã sáng tác nhiều tranh sơn dầu, phấn tiên, điêu khắc đồng, thạch cao, gỗ,… Từ thiên bẩm sẵn có, ông học và tiếp thu rất nhanh lúc ông học cách tạo hình điêu khắc ở Rodin, ông lĩnh hội nhanh chúng và đã sáng tác một số tượng đồng, có thể tiêu biểu là tượng Eva và một số tượng khác.
Từ 1895 – 1902 ông đã sáng tác ít nhất 25 tranh sơn dầu trên vải trong đó có 9 tranh ký tên Xuân Tử, 2 tranh ký tên Tử Xuân và 14 tranh không ký. Trong số đó có 17 tranh phong cảnh, bức lớn nhất là 49 x 64,5 cm; bức nhỏ nhất là 24 x 25 cm. Nhưng cũng có nhà nghiên cứu khác cho rằng trong thời gian này có đến 45 tác phẩm sơn dầu trên vải khi nghiên cứu một số tác phẩm không ghi niên đại cụ thể.
Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông ở giai đoạn này là bức tranh phong cảnh Algerie. Tranh ông thường không có người để thấy sự hoang vắng, quạnh hiu, phải chăng tác giả muốn vẽ chính tâm trạng của mình, sự cô đơn và nỗi nhớ về quê hương?
Một họa sĩ hiện đại
Một bức điêu khắc của vua Hàm Nghi
Nhà nghiên cứu Amandine Dabat từng nhận xét: “Trong bối cảnh lưu đày làm nghệ thuật đã tạo cơ hội cho vua Hàm Nghi lưu lại một mối liên hệ với Đông Dương, và nghệ thuật là không gian tự do, qua đó ngài có thể thoải mái thể hiện sự gắn bó với quê hương mình”.
Trong suốt cuộc đời, nói cho đúng thì ông tìm cách để sống và giải tỏa bằng cách vẽ, ông vẽ cho mình với quan điểm tác phẩm đánh dấu sự tồn tại của mình trên cuộc đời, ông vẽ tranh để tặng bạn bè và cho mình.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật ông chỉ có 3 lần triển lãm tại thành phố Paris: đó là tại bảo tàng Guimet (1904), phòng tranh Devember (1909), triển lãm Mantelet-Colette (1926), ông cũng đã hiến tặng cho nhà nước Pháp một số tác phẩm hội họa và điêu khắc. Ở lần triển lãm 1926 ông đã ra mắt với 38 tác phẩm sơn dầu, 12 tác phẩm pastel và 8 tượng đồng, trong đó có bức tranh Chiều tà được mọi người biết đến nhiều.
Năm 2015, nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử nghệ thuật Việt Nam Amandine Dabat của Đại học Sorbonne (Paris IV) (cháu ngoại 5 đời của vua Hàm Nghi) trong buổi nói chuyện tại thành phố Hồ Chí Minh đã cho biết di sản hội họa của ông còn dưới 100 tác phẩm, rất đáng tiếc năm 1962, cuộc chiến ở Algérie khiến ngôi nhà của ông bị cháy rụi nên nhiều tác phẩm của ông không còn.
Năm 2016 cô Dabat đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh tượng của vua Hàm Nghi tại Paris mở cửa từ ngày 13/9/2016 đến 5/1/2016 đã gây tiếng vang lớn.
Tuy không học ở trường lớp chính thống nhưng vua Hàm Nghi đã được nhiều họa sĩ tên tuổi và báo chí Pháp xem như một họa sĩ. Một tờ báo bắc Phi đã từng đăng ảnh cuộc gặp gỡ và phát biểu của họa sĩ Foujita nói về họa sĩ Tử Xuân như sau: “Các tác phẩm của ông rất thú vị cho thấy cái phẩm chất của một họa sĩ thực thụ và trên hết là sự nhạy cảm lớn”.
Vua Hàm Nghi thực sự là một họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam trước khi có trường Mỹ thuật Đông Dương (1925), có thể còn những đánh giá khác nhau về chất lượng mỹ thuật của ông nhưng về mặt lịch sử mỹ thuật, ông cũng là người đi trước và nhiều tên tuổi khác đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nên mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Năm 2010 báo chí thế giới đề cập đến một tác phẩm hội họa mang tên “Chiều tà” đã được một gia đình ẩn danh ở Pháp đem bán đấu giá ở Paris. Trong nguyên tác, bức tranh này tên La route De El Biar, nơi vua Hàm Nghi trú ngụ tại Alger tựa Déclin Du Jour chỉ được ghi chú trên một tấm giấy nhỏ kẹp vào khung gỗ ở đằng sau bức tranh nguyên văn dịch ra tiếng Việt: Chiều tà sau lâu đài An Nam, Hoàng đế Hàm Nghi vẽ năm 1915, trên tấm giấy này có ghi thêm hàng chữ “Quà tặng của hoàng tử An Nam” và ký chữ Tử Xuân.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thời điểm đó đã ủy thác cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tham gia đấu giá để bổ sung cho bộ sưu tập bảo tàng triều Nguyễn, nhưng cuối cùng vẫn không toại nguyện vì có người mua giá cao gấp 10 lần là 8.800 euro.
Theo dòng thời gian, phải nói rằng, cựu hoàng Hàm Nghi là người Việt Nam đầu tiên tiếp cận với Mỹ thuật Tây phương kỹ thuật vẽ sơn dầu và theo phong cách hội họa phương Tây. Ông đã thực hiện trước các họa sĩ du học ở châu Âu như Lê Văn Miến, Nam Sơn – người sau này đã mở đầu cho trào lưu vẽ theo phong cách châu Âu và đồng sáng lập ra trường Mỹ thuật Đông Dương, đào tạo một lớp người mới hình thành một trào lưu mới cho Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã được công chúng phương Tây công nhận như một họa sĩ thực thụ, tranh trong một số bảo tàng của Pháp có tên Tử Xuân hoặc Xuân Tử.
Do đó, đề nghị lịch sử Mỹ thuật Việt Nam cũng cần nên ghi công cựu hoàng Hàm Nghi vào trong dòng chảy của Mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng nên nghiên cứu tiếp cận và mua lại tác phẩm của họa sĩ Tử Xuân để bộ sưu tập Thừa Thiên Huế có thêm tác phẩm của một họa sĩ từng là vua và là người Việt Nam đầu tiên vẽ sơn dầu.
Bài, ảnh: Đặng Mậu Tựu