Dưới chân cổ thành, trong làn sương đầu đông âm ấm ấy, những cơn gió se lạnh chỉ đủ khiến người đi đường vừa muốn kéo cổ áo ấm cho kín, lại như muốn ngửa mặt lên hít hà cho bằng hết hương lá, hương cỏ sau những cơn mưa dài. Huế của tôi vào những khoảnh khắc ấy như trôi trong một giấc mơ có màu ngọc lam muôn thuở. Sương khói bàng bạc vương bay trên Hoàng cung thẫm màu đêm huyền hoặc. Những chiếc cổng vòm sau mưa, bỗng rực sáng lấp lánh ánh hào quang của dĩ vãng. Những con phố cổ, ánh đèn sáng như lửa ấm với những khúc nhạc không lời, kể câu chuyện mùa đông. Khi ấy không phải là đi mà trôi trong êm đềm phố.
... Tôi đã đi như thế và dừng lại ở phía bên kia cổng Hậu (cổng Hòa Bình). Bước vô quán “Chiều”. Quán vắng không người, chỉ có duy nhất một người đàn ông tầm tuổi ngoài năm mươi đang ngồi với những giọt cà phê rơi rất chậm và cơ hồ như chìm đắm trong miền xa thăm thẳm.
Trong quán, chỉ có loài hoa của ngày cũ là lặng lẽ tỏa sáng. Tôi như bước vào một xứ Huế thẳm xa, một xứ Huế ngày xửa ngày xưa trong ký ức.
Bây giờ đang là những ngày Huế dềnh lên số ca nhiễm COVID-19. Tôi có cái thú vị rất chi là ích kỷ khi ngồi đây trong một góc vắng, tận hưởng bằng hết cái không khí mùa đông huyền hoặc cổ kính với cảnh và người trong cõi lặng.
Đối thoại với tôi là một bình gốm mộc có cắm những bông trang vàng đặt trên một chiếc bàn xưa thật là xưa. Ôi, cái màu vàng thắm tươi cơ hồ chỉ còn sót lại rất hiếm hoi trong những khu vườn cổ. Cái màu vàng như chỉ tặng riêng cho những người sống rất sâu với Huế. Xa hơn chút nữa là bình hoa chuối lá xanh mướt, hoa đỏ chót, cái màu đỏ như thắp lửa vào không gian u huyền gợi nhớ những ngọn đèn dầu những đêm mùa đông xa ngái.
... “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa...”
Tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly, như từ xa lắm, lay gọi tôi... Chợt nhiên, tôi được dìu vào không gian riêng của bài hát khi những thanh âm thân thuộc cất lên dưới mái ngói âm dương, bên những cột kèo, ghế bàn xưa cổ, dưới ánh điện màu vàng ấm. Và, bên kia là huyền ảo đêm Hoàng cung.
Tôi nghĩ, những ca từ sẽ rất buồn bã, ảo não nếu không được viết trên nền nhạc vui, rất ít gặp, trong những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bản thân nó là thứ nắng trong mưa, thứ nắng mùa đông hiếm hoi sau những cơn mưa dài. Tôi biết ơn Trịnh vì trong hiu quạnh, trong nỗi thương nhớ, trong cô đơn tận cùng, vẫn đem tặng cho đời một thứ nắng rất riêng, mà có lẽ chỉ những ai từng sống với những cơn mưa mùa đông triền miên, thầm thĩ, bất chợt trời tạnh ráo của xứ Huế mới có thể chạm đến tận cùng hơi ấm ấy.
Người đàn ông vẫn ngồi yên lặng một mình với quán vắng. Chắc là ngồi với ánh sáng, hương thơm của kỷ niệm. Tôi ra về mà như vừa được tâm sự với nhạc sĩ, vừa nghe lại giọng Huế từ tốn nhu mì với cảm giác bình yên, chan chứa thương yêu. Những ngọn đèn đường dịu ấm sau mưa giống như những nỗi buồn sáng. Huế của tôi cũng vậy đó, không sướt mướt, ủy mị bao giờ.
TRIỀN THẢO