ClockThứ Tư, 02/02/2022 13:45

Nghe mưa rơi từ Quan Tượng đài

TTH - Không nhiều người để ý mùa đông xứ Huế năm nay có một sự kiện khá đặc biệt: Lần đầu tiên các bản tin cập nhật về lượng mưa của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có một địa danh rất lạ là “Quan Tượng đài” trong Hoàng thành Huế. Ba chữ “Quan Tượng đài” đọc lên trong một ngày mưa dầm nghe cứ bâng khuâng mừng tủi như cố nhân lâu lắm mới gặp.

Quan Tượng đài đang được bảo tồn

Dạo người “bạn già”- nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan còn vung vẫy trên đời và khi Quan Tượng đài còn hoang phế, chưa được trùng tu đẹp đẽ như giờ, mỗi năm đôi bận, chúng tôi hay thơ thẩn ở Quan Tượng đài, ở Thượng thành phía góc tây nam của Kinh thành Huế, thuộc phạm vi pháo đài Nam Minh, đôi khi không để làm gì cả. Nhớ có lần ngồi trên nền đất đá đổ nát đình Bát Phong của Quan Tượng đài, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan bảo “dù có thế nào thì đây là công trình dạng đài thiên văn thứ hai trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam, và là công trình duy nhất còn lại dấu tích”.

Trước đó, ở Thăng Long, thời Lê (1428 - 1788) đã có một đài thiên văn và cơ quan Khâm Thiên Giám nhưng đã mất hoàn toàn dấu vết, chỉ còn để lại một tên phố “Khâm Thiên” (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).

Và cho tới những năm 1960, Quan Tượng đài ở Kinh thành Huế vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Nhưng sau đó, vì không hoạt động và cũng không được bảo tồn, trùng tu nên Quan Tượng đài xuống cấp, đình Bát Phong bị hư hại, sụp đổ.

Quan Tượng đài được xây dựng năm 1827 dưới triều vua Minh Mạng với mục đích để các nhà chiêm tinh của cơ quan Khâm Thiên Giám dùng kính thiên văn quan sát mặt trời, trăng và các ngôi sao nhằm xác định tọa độ địa lý không chỉ ở Kinh đô Huế mà còn của các tỉnh, thành, vùng miền trên khắp đất nước. Và theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, có một chi tiết rất thú vị liên quan đến Quan Tượng đài không nhiều người để ý là năm 1837, thấy các quan của Khâm Thiên Giám tính toán thiếu chính xác về tọa độ địa lý của kinh đô, vua Minh Mạng đã cho dùng phương pháp mới của phương Tây để tính và xác định điểm giữa Kinh Thành Huế là 16 độ, 22 phút, 30 giây vĩ bắc và 105 độ kinh đông như hiện nay.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan là người chứng kiến Quan Tượng đài được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu và hoàn thành vào năm 2013. Nhưng ông không còn đủ quỹ thời gian cuộc sống để chứng kiến Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đặt ở Quan Tượng đài một trạm đo mưa cùng hệ thống thiết bị đo mưa tự động vào cuối năm 2020.

Toàn bộ hệ thống đo mưa này do Công ty cổ phần Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (Watec) tài trợ. Hệ thống này tự động đo lượng mưa tức thời cùng 2 camera giám sát và cập nhật thông tin ứng dụng Đô thị thông minh Hue-S.

Cũng như ông không bao giờ chứng kiến và hình dung được một ngày nào đó, Quan Tượng đài không còn đơn thuần là một di tích mà đã có sự kết nối rất tuyệt với quá khứ khi ba chữ “Quan Tượng đài” xuất hiện trên điện thoại chúng ta để dự báo về lượng mưa trong thành phố.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thời trùng tu Quan Tượng đài cho rằng, sự có mặt của Quan Tượng đài trong bản tin thời tiết của Huế vào thời điểm này là rất có ý nghĩa.

“Quan Tượng đài là cơ quan khí tượng thủy văn cổ thời quân chủ duy nhất mà ta còn bảo tồn, phục hồi được. Việc chúng ta tiếp tục đặt thiết bị quan trắc lượng mưa ở đây chính là sự tiếp nối ông cha ta làm công việc dự báo khí tượng thủy văn. Sự tiếp nối này rất có ý nghĩa vì chúng ta không loại bỏ quá khứ mà vẫn kế thừa những giá trị truyền thống hay, đẹp của cha ông mình”, ông Hải nói.

Lại nhớ hồi còn vùng vẫy trên đời, tâm nguyện lớn nhất của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan là hoàn thành công trình nghiên cứu “Danh hiệu các vua triều Nguyễn” và thành lập một bảo tàng tư nhân có tên tạm gọi là “Bảo tàng văn hóa sông Hương” để trưng bày hàng chục ngàn hiện vật gốm qua các thời kỳ được trục vớt từ dưới những lòng sông Huế mà ông đã đầu tư vào đó rất nhiều đam mê, công sức và tiền của.

“Bảo tàng văn hóa sông Hương là một dấu gạch ngang biết động đậy giữa hiện tại và quá khứ. Và tự nó sẽ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện hay ho của thời quá vãng đã bị phù sa vùi lấp có khi hàng ngàn năm chưa có cơ hội được lên tiếng”, ông từng nhiều lần thuyết minh như thế với tôi về bảo tàng trong tương lai của mình trong căn nhà bề bộn sách vở và cổ vật gốm ở đường Cao Bá Quát. Nhưng rồi mọi thứ thành dở dang khi ông bất ngờ qua đời vào một ngày mưa của năm 2016. Hàng chục ngàn hiện vật gốm quý hiếm của ông, sau đó cũng ngày một vơi dần đi vì rất nhiều lý do khác nhau.

Nhưng hôm nọ tôi đã rưng rưng khi tình cờ gặp lại ông, chính xác hơn là những hiện vật gốm mang bóng hình của ông ở một bảo tàng khác có tên gần tương tự là “Bảo tàng sông Hương” và cũng là hiện vật gốm kể chuyện của GS. Thái Kim Lan ngay trong khuôn viên từ đường của bà ở số 120 Nguyễn Phúc Nguyên. Gặp ông là bởi trong số hơn 7.000 hiện vật gốm mà GS. Thái Kim Lan đang xây dựng cho bảo tàng, không ít trong số đó được bà mua lại từ nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và một số là từ người thân của ông sau khi ông qua đời. Chợt thấy vui vì những gì nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan chưa làm được thì GS. Thái Kim Lan đã, đang và sẽ làm được. Mà cổ vật có hình bóng ông, ở Huế giờ nhiều lắm, không chỉ riêng mỗi “Bảo tàng sông Hương” trên Nguyễn Phúc Nguyên. Vậy nên có thể giờ này, biết đâu đó, ông cũng đang cùng tôi mở app điện thoại để nghe mưa ở Quan Tượng đài...

Bài: Hoàng Văn Minh

Ảnh: Thanh Trà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cùng” nhà Nguyễn xem lịch

Khâm Thiên Giám ­- cơ quan chuyên quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, báo giờ để định mùa vụ cho dân, được nhà Nguyễn xây dựng từ thời vua Gia Long.

“Cùng” nhà Nguyễn xem lịch
Dừng chân bên đường hoàng mai

Con đường hoàng mai Huế ở phía trước Hoàng thành Huế nở hoa vàng rực rỡ với hương thơm dịu dàng đã trở thành một không gian vui chơi công cộng tuyệt đẹp, một điểm dừng chân lý tưởng trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Dừng chân bên đường hoàng mai
Phố đêm Hoàng Thành sẽ khai trương vào tối 31/12/2021

Nội dung này được Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật kết luận tại cuộc họp bàn công tác tổ chức khai trương và hoạt động nghệ thuật cộng đồng Phố đêm Hoàng Thành diễn ra chiều 21/12. Trước đó, TP. Huế dự định sẽ khai trương vào ngày 1/1/2022.

Phố đêm Hoàng Thành sẽ khai trương vào tối 31 12 2021

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top