ClockThứ Hai, 24/03/2014 11:08

Nghĩ từ hai nhà gươl ở làng A Xăng

TTH - Đến làng A Xăng, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, mọi người đều dễ dàng nhìn thấy làng có đến hai nhà gươl. Một nhà gươl được xây theo kiểu truyền thống và một nhà gươl được xây bằng bê tông cốt thép. Nhà gươl xây theo kiểu truyền thống được hình thành bằng việc người dân tự đóng góp. Còn nhà gươl còn lại do nhà nước và các tổ chức tài trợ. Một nhà gươl ở phía trên cao, một nhà gươl ở phía dưới và thấp hơn một tý.
Có một điều đặc biệt là giữa hai nhà gươl có một sự phân hóa chức năng do người dân làng A Xăng, còn gọi là thôn A Xăng tự chia ra. Đó là các hoạt động chung được chia theo việc hành chính hay việc riêng, thuộc về bản sắc văn hóa của làng. Những lúc họp chi bộ thôn, triển khai các chương trình mà nhà nước hay Đảng giao thì làng tổ chức ở nhà gươl bằng bê tông. Còn những lúc họp làng với những nghi lễ, hay lễ cưới, múa hát … thì làng tổ chức ở nhà gươl truyền thống.

Đường vào nhà gươl

 
Ông Rapat Diên, già làng A Xăng cho biết: “Làng mình có hai nhà gươl nên có nhiều thứ phải chia ra hai. Cái gì thuộc về Đảng, Nhà nước thì mình qua bên nhà gươl bê tông, còn sinh hoạt riêng của làng, của bà con thì tổ chức bên nhà gươl truyền thống. Đêm đến, thanh niên của làng cũng như người già, chỉ thích đến nhà gươl truyền thống thôi. Ít thích qua bên nhà gươl bê tông vì nó nóng và không thuận tiện cho sinh hoạt của làng, của bà con”.
Vì sao có sự phân chia như vậy? Câu hỏi này không dễ trả lời. Bởi lẽ, điều đầu tiên cần biết chính là A Xăng nói riêng và Thượng Long nói chung, là địa phương có đông đồng bào Katu hiếm hoi ở Nam Đông còn giữ được những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Ngoài ngôi nhà gươl được xây theo kiến trúc, chất liệu truyền thống, người làng còn giữ được những nét văn hóa rừng núi mà cha ông truyền lại. Đó là những sản phẩm thủ công truyền thống, những bài ca, điệu múa. Đó còn là âm sắc Katu chưa bị ảnh hưởng bởi giọng nói của đồng bào Kinh. Nhiều yếu tố đã làm nên A Xăng riêng biệt.
Có một điều cần phải ghi nhận chính là nỗ lực của người dân làng A Xăng trong việc xây dựng cho riêng mình một ngôi nhà gươl theo kiến trúc và chất liệu truyền thống. Đi khắp Nam Đông, hiện nay, ngoài nhà gươl truyền thống của làng A Xăng, còn có một nhà gươl cũng theo kiến trúc và chất liệu truyền thống là nhà gươl của thôn Dỗi, xã Thượng Lộ. Một bên do người dân tự làm, một bên do hỗ trợ từ các đơn vị bên ngoài. Nhưng phải nói rằng, sự tồn tại của nhà gươl truyền thống ở làng A Xăng bên cạnh những ngôi nhà gươl được hỗ trợ khác là một thực tế cho thấy người làng A Xăng vẫn mong muốn có ngôi nhà do chính làng tự đóng góp xây dựng nên.
Ý thức tự bảo tồn này có giá trị to lớn trong sự phát triển của cuộc sống với những tiện nghi hiện đại, những dòng chảy văn hóa mới xâm nhập vào, những hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể đang dần thay thế những gì thuộc về truyền thống. Nhìn cả làng A Xăng, toàn là những ngôi nhà được xây theo kiểu hiện đại. Bê tông cốt thép và nhà trệt. Một ngôi nhà sàn cực kỳ hiếm hoi. Có còn chăng chỉ là những cái sàn nhỏ, nơi những cụ già còn chút lưu luyến vốn cổ thường sinh hoạt mà thôi. Ngôi nhà gươl truyền thống của làng A Xăng trở thành cái điểm tự duy nhất cho tinh thần Katu. Bởi vì, chính sự phân chia hoạt động của người làng đã phần nào chỉ ra điều này.
Ông Lê Minh Khánh, PCT UBND xã Thượng Long, huyện Nam Đông, nói: “Nhà gươl là nơi tổ chức những sinh hoạt truyền thống của đồng bào mình. Làng A Xăng may mắn có được hai ngôi nhà gươl để tổ chức những hoạt động khác nhau. Nhờ đó, người làng càng yêu quý hơn, trân trọng hơn những giá trị văn hóa Katu của mình. Điều băn khoăn của làng A Xăng là làm thế nào để bảo tồn, duy trì ngôi nhà gươl truyền thống đời này qua đời khác. Vì hiện nay, nó cũng xuống cấp rồi.”
Một ngôi làng có hai nhà gươl như A Xăng ở xã Thượng Long có những điều đáng phải lưu ý và nghiên cứu kỹ lưỡng về nguyện vọng của người đồng bào trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của mình. Mà ngôi nhà gươl là một biểu tượng của sự tồn tại những thể chế văn hóa Katu truyền thống. Việc duy trì và nỗ lực tự thân của người làng A Xăng đối với ngôi nhà gươl truyền thống là điều đáng ghi nhận về nhiều mặt. Vừa có ý nghĩa kiến trúc vừa có ý nghĩa “thành trì” che chở cho giá trị văn hóa truyền thống cuối cùng của đồng bào Katu ở A Xăng.
Đình Đính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”

Bây giờ, rừng Ngọc Linh xanh ngắt vẫn um tùm bóng cây che trên di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: Ngục Đăk Glei. Hơn 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tiếng hát đi đày” ở ngay Đăk Glei tháng Giêng năm 1942: “…Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”. Bài thơ ấy đến nay còn vọng...

Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Return to top