ClockChủ Nhật, 13/10/2024 06:58

Nhạc sĩ Lê Quang Vũ & “Thành phố xanh bên dòng Hương giang”

TTH - Tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Cố đô lần VII, nhạc sĩ Lê Quang Vũ (sinh 1968) với tác phẩm Giao hưởng thơ “Thành phố xanh bên dòng Hương giang” đã đoạt giải A chuyên ngành âm nhạc. Nhưng giới nhạc nói riêng và những người yêu nhạc nói chung còn biết tới anh ở vai trò “nhạc trưởng” của Dàn nhạc kèn Huế.

Tôn vinh những người mẹ cùng Dàn nhạc kèn“Tiếp sức” cho dàn nhạc Kèn Huế

Nhạc sĩ Lê Quang Vũ nhận Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VII 

Là người con Cố đô nhưng từ nhỏ Lê Quang Vũ theo gia đình vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Ở đây, Quang Vũ sinh hoạt âm nhạc từ khi học lớp 3 lớp 4 tại các câu lạc bộ âm nhạc. Năm 1976, anh vào học tại Nhạc viện TP.  Hồ Chí Minh chuyên ngành đàn bầu, tiếp theo đó là guitar, trumpet, cladinet… rồi học sáng tác với nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, người viết nhiều bản giao hưởng nhất Việt Nam. Kể từ đó, cái tên nhạc sĩ Lê Quang Vũ bắt đầu xuất hiện với một số thành tựu nhất định. Ngoài sáng tác, anh còn tham gia hòa âm và phối khí cho các dàn nhạc kèn của Quân khu 7, Quân đoàn 4, Trường Lục quân 2 và năm 2005, anh gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2017, khi đang là Chánh văn phòng Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Quang Vũ rời đất Sài Thành về Huế để phụng dưỡng cha mẹ già. Nhận thấy quy mô, tầm vóc của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô, Quang Vũ quyết định sẽ coi đây là mục tiêu của mình. Anh đặt cho mình ba mục tiêu: Chăm sóc cho ba mẹ, thành lập Dàn nhạc kèn tại Huế, và đoạt giải VHNT Cố đô.

Vũ nhớ những ngày đầu về Huế, anh đã nhờ nhạc sĩ Vĩnh Phúc giới thiệu và mời các anh em đam mê kèn Tây thành lập câu lạc bộ (CLB) kèn. Năm 2018, từ đề xuất của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên Huế, với sự hỗ trợ lãnh đạo tỉnh và thành phố, CLB kèn trở thành Dàn nhạc kèn Huế. Trải qua những ngày tháng khó khăn do dịch COVID-19 ngày 1/1/2021, Dàn nhạc kèn Huế chính thức ra mắt tại Nhà Kèn Huế sau 75 năm vắng bóng. Lúc thành lập, Dàn nhạc kèn có gần 40 người, sau dịch còn 13 thành viên với Vũ là chủ nhiệm, cũng là nhạc trưởng. Để hoạt động và phát triển, không chỉ đơn giản là chủ nhiệm, với các thành viên của Dàn nhạc kèn, nhạc sĩ Lê Quang Vũ còn là người thầy dạy những kiến thức cốt lõi về âm nhạc. Với sự nhiệt huyết của anh, Dàn nhạc kèn không chỉ là ngôi nhà âm nhạc mà mỗi thành viên còn gắn bó cả đời sống tinh thần, họ sẻ chia đam mê và cả vất vả đời thường cho nhau. Dàn nhạc kèn dần lan tỏa với sự góp mặt vào các sự kiện âm nhạc của Huế, của miền Trung. Với đóng góp ấy, nhạc sĩ Quang Vũ - như nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc nhận xét: “Nếu như không có con người này, Dàn nhạc kèn Huế sẽ chẳng thể tồn tại”.

Mục tiêu thứ ba khi về Huế của Vũ là “giật giải Cố đô”. Được lấy ý tưởng từ bài thơ “Thành phố xanh bên dòng sông xanh” của nhà thơ Lê Nhược Thủy, cũng như cảm xúc khi chứng kiến sự xanh mát, sạch sẽ, xinh đẹp của thành phố quê hương, sau hai năm trau chuốt, Quang Vũ cho ra đời tác phẩm “Thành phố xanh bên dòng Hương giang”.

Được sáng tác dưới hình thức 3 đoạn phức, Quang Vũ đã đưa vào bản giao hưởng thơ âm nhạc dân tộc cổ truyền Cố đô, điệu hò mái nhì, kết hợp với khí nhạc của nhạc cụ phương Tây. Tác phẩm đã chinh phục Hội đồng chung khảo Giải thưởng VHNT Cố đô, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng nhận xét, đây là một tác phẩm giao hưởng “chưa từng gặp ở Huế”, vượt lên trên tất cả các bản giao hưởng còn lại của Cố đô khi “giai điệu cùng các hợp âm trong tác phẩm đã diễn tả được sự hoành tráng và diễm lệ của thành phố Huế”. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sau khi lắng nghe đã nói: “Chỉ đơn giản là hay” để thể hiện sự công nhận của ông đối với tác phẩm của nhạc sĩ Lê Quang Vũ. “Thành phố xanh bên dòng Hương giang” đoạt giải A khi trung bình điểm độc lập mà 12 thành viên Hội đồng đánh giá là 9,75/10 điểm, cao nhất trong tất cả chuyên ngành.

7 năm với Huế, trong đó có “2 năm COVID”, nhạc sĩ Lê Quang Vũ đã gặt hái được những trái ngọt mà nhiều khi cả đời người gắn bó với Huế cũng không có. Nhưng khi hỏi đến, anh khiêm tốn: “Đó là Huế cho tôi trái ngọt từ tình yêu lớn lao tôi dành cho Huế”. Hiện anh là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và vẫn là Chủ nhiệm nhiệt huyết của Dàn nhạc kèn Huế.

Phạm Phước Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ sĩ saxophone trẻ đầy triển vọng

Ở Huế người chơi kèn Tây không nhiều, bởi đây là một nhạc cụ khó không chỉ về kỹ thuật mà đòi hỏi rất cao về sức khỏe. Với tiếng kèn mạnh mẽ mà du dương cùng phong thái biểu diễn tự tin, Nguyễn Huỳnh Thái Bình, sinh viên năm 2 chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Học viện Âm nhạc Huế, là ngôi sao trẻ đang lên của giới saxophone Cố đô.

Nghệ sĩ saxophone trẻ đầy triển vọng
Ra mắt Dàn nhạc Kèn Huế

Sáng 1/1, CLB Dàn nhạc Kèn Huế đã ra mắt công chúng tại nhà Kèn. Đến dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Phan Ngọc Thọ; Phó Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Đỗ Hồng Quân.

Ra mắt Dàn nhạc Kèn Huế
Return to top