ClockThứ Bảy, 05/04/2014 15:05

Nhật ký bằng thơ của Nguyên Quân

TTH - Nhà thơ Nguyên Quân tên thật là Bùi Tự Tạo. Anh sinh ra, lớn lên và gắn bó đã gần trọn đời với miền sông Hương núi Ngự. Cả cuộc đời thả mình dung dị để góp nhặt văn thơ.

Bạn bè xứ Huế vừa được Nguyên Quân gửi tặng ấn phẩm mới là tập thơ “Bình minh ở phía xa”. Kể từ khi anh xuất bản tập thơ đầu tiên với tựa đề “Tĩnh vật đêm” năm 2005 đến nay thì “Bình minh ở phía xa” là đầu sách thứ 7 anh trình làng. Trong vòng hơn 8 năm với chừng đó ấn phẩm của một tác giả phần nào nói lên được tốc độ sáng tác của anh không thể gọi là ít.

Bình minh ở phía xa-đầu sách thứ 7 của Bùi Tự Tạo
Với tài văn chương thiên bẩm, cùng đầy ắp chính kiến trong đời sống thường nhật, Nguyên Quân đã dùng ngòi bút của mình để chuyển tải những cảm xúc anh bắt gặp ở bất cứ nơi đâu; đôi khi chỉ là một tờ giấy rơi bên đường, anh nhặt lên rồi chép thành thơ, rồi đem tặng tri kỷ...
Bắt đầu làm thơ, viết văn khi mới 15, 16 tuổi, và là một trong những người làm thơ từ trước năm 1975, tác phẩm của anh được đăng tải nhiều trên các tạp chí, báo, đài… thế nhưng, khi chúng tôi hỏi sao mãi đến năm 2005, anh mới bắt đầu in sách thì Nguyên Quân trầm ngâm: “Thi ca là nguồn sống cho tâm hồn tôi, tôi không toan tính nhiều với cảm xúc của mình. Cùng bộn bề lo toan của kiếp người, những lúc mệt nhọc nhất, những lúc vui, buồn nhất thì tôi lại tìm đến những dòng viết; có khi lại tự mình đối ngôn với chính mình... Chuyện in sách vào năm nào, rồi in bao nhiêu cuốn cũng như lẽ tự nhiên, đến lúc tôi thích in thì in, rồi sẽ in bao nhiêu cuốn tôi cũng không thể dự tính được”.
Tác giả cho biết, anh không mất nhiều thời gian cho tập thơ “Bình Minh ở phía xa”. Ấn phẩm này với anh không chỉ là một tập thơ mà còn như một tập nhật ký. Gần 70 bài thơ trình bày trên 196 trang sách, đã giúp anh gửi gắm những nhiệt thành cho tình yêu, mà trong đó không chỉ có tình yêu đôi lứa, nó còn cả tình yêu cuộc sống, tình yêu bạn bè… Tập thơ có những bài chỉ mang tính đối thoại giữa tâm hồn tác giả với cuộc đời, cũng có những câu thơ rất hồn nhiên, trong sáng:
Những đứa bé hồn nhiên sẽ đến từ tinh mơ
Trốn tìm loăng quăng trong giọt nắng hồng
Bắt cánh chuồn chuồn chở ước mơ thành người lớn
Bay lên cao vời giữa ánh mắt long lanh
(Bình minh ở phía xa)
Nguyên Quân chọn cuộc sống tự do. Hầu như anh đã nếm trải khá nhiều những khó khăn trong cuộc sống, có lúc làm thuê, khi đốc công, lúc lại ngồi bàn giấy viết kịch bản phim. Đến giờ này, anh vẫn lang thang trên các nẻo đường, tìm đến từng góc phố, con hẻm với nỗi niềm của mình rồi bắt gặp những nỗi niềm của người khác. Và rồi, anh sẽ không có điểm dừng khi đôi chân còn có thể đi, đôi tai còn có thể nghe và đôi mắt còn có thể thấy. Bởi, mỗi cảnh vật, mỗi tiếng động... lướt qua tầm nhìn của anh cũng tạo được nên cảm xúc để làm vốn liếng cho thơ văn:
nghe gió trở mùa rụng đầy hai vai
cảm giác được cao hơn bao điều hệ lụy
khi cúi nhìn ngã tư đường chật chội người trôi
nháo nhác đời quá thực
(Ngồi cà phê gác Trịnh)
Chỉ có tâm hồn con người quá nhiều cảm xúc mới có những vần thơ từ cuộc đời “quá thực”:
lực ly tâm vẫn nghiêng trục ảo
tôi cố tìm em trong nhễu nhại nỗi buồn
phố vẫn trôi
…..
sao tôi lại khóc
(Cơn giông)
Nếu không qua những vần thơ, thì với ai từng quen biết Bùi Tự Tạo, làm sao thấy được những giọt nước mắt ở người đàn ông “bùi bụi” này. Chúng tôi vẫn thường gọi anh là người đàn ông không dùng lược. Bởi không chỉ mái tóc, mà cả trong cuộc sống, anh cũng gặp lắm điều rối rắm. Nhưng, dù có là gì đi nữa thì trên môi anh luôn nở nụ cười, thơ và văn luôn đồng hành cùng cuộc sống của anh. Và anh cũng không có bến đỗ cho văn chương.
Thơ và văn còn là cầu nối để Nguyên Quân có thêm nhiều bạn bè. Sáng sáng, bên quán cà phê cóc, họ cùng nhau bàn luận về nhân tình thế thái, về những buồn vui đôi khi chỉ là của một người xa lạ, rồi lại cùng nhau nắn nót từng câu thơ, câu văn.
Trong lần gặp gần đây, Nguyên Quân “bật mí” với tôi, rằng anh đang chuẩn bị mừng thọ tuổi sáu mươi của mình bằng một tập thơ lục bát. Theo anh, thể loại thơ này tuy dung dị, mộc mạc, nhưng lại thể hiện được nhạc tính. Dù chỉ mới là dự định, nhưng anh đã đưa hai bài thơ lục bát vào cuối tập “Bình minh ở phía xa” của mình, với ý định làm cầu nối cho ấn phẩm thứ hai sẽ trình làng trong năm nay.
Bài và ảnh: Hương Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắng nghe vườn Huế

“Tôi nghiên cứu nhà vườn như mối liên hệ giữa nghệ thuật với văn hóa Việt Nam, mối liên hệ sâu sắc với mảnh đất và tinh thần Huế. Nét văn hóa ẩn tàng vẫn còn tồn tại trong những giá trị và bản sắc Huế ngày nay”, Giáo sư (GS), kiến trúc sư (KTS) cảnh quan Kimberlee Stryker (Đại học California, Berkeley) đã nói như vậy trong nghiên cứu về vườn Huế: “Listening to the Gardens of Hue, Vietnam”, cách đây 25 năm.

Lắng nghe vườn Huế
Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top