ClockThứ Bảy, 09/04/2022 14:38

Những bài hát khó phai

Xóm Đồng DạNỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”

Năm 2014, tôi có dịp ghé chơi nhà bạn học ở Sài Gòn. Sau bữa cơm tối, hắn kêu hai đứa con gái lại bảo hát bài “Mùa xuân Hương Điền” cho ba với bác nghe cái nào! Lần đầu nghe bài hát này tôi ngạc nhiên hỏi bạn: “Răng bài ni tau chưa nghe lần mô cả hè?”, bạn mỉm cười và kể lại một thời học sinh mê ca hát của bạn... Thì ra đó là bài hát của đội văn nghệ Hoa phượng đỏ học sinh huyện Hương Điền (cũ) mà thằng bạn tôi là thành viên. Bài hát không hay, nhưng là kỷ niệm chan chứa của tuổi hoa niên trong veo nghèo khó nên bạn tôi thuộc đến bây chừ và tập lại cho con gái hát.

Những năm đầu hòa bình, có những bài hát được thanh niên nam nữ ở quê tôi hát rất nhiều khi văn nghệ, họp hành, làm thủy lợi, cấy lúa trên đồng hay phơi lúa trên sân hợp tác xã. Tôi hồi đó còn nhỏ xíu nhưng nghe nhiều nên thành thuộc đôi câu như: “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua - Chỉ có nắng mùa hè cháy bỏng” hay “Đôi bồ câu trắng bay về đâu - Anh cùng em đi xây dựng nơi công trường”. Rồi thanh thiếu niên cả làng tôi cũng thuộc đôi câu bài hát của ông chủ tịch huyện Hương Điền thời đó viết về ao cá, vườn cây rất thực tế, nhưng cũng lắm trữ tình: “Rồi mai đây hàng cây xanh tỏa bóng -Dưới mặt hồ đàn cá lội tung tăng - Bầu trời lộng gió mênh mang - In hình người thiếu nữ trên công trường hôm nay”…

Có một bài hát về con sông Ô Lâu, phá Tam Giang quê tôi của tác giả Lê Viết Luy một thời ở vùng quê Hương Điền (cũ) hầu như ai cũng biết. Chỉ cần giai điệu cất lên là đã thấy hình ảnh của một vùng đất hiền hòa yêu thương bên sông liền phá: “Quê tôi bên dòng Ô Lâu qua phá Tam Giang có bờ cát trắng - Quê tôi bao bọc xóm thôn là hàng tre dải lụa…”; rồi đoạn điệp khúc: “Khi đi trên đê nhìn về ruộng lúa - Nghe bao em thơ nô đùa đến trường - Lắng mà nghe tiếng ai hò lơ - Con đê hẹn hò nở hoa trong đêm đưa dòng nước về...”. Tôi cũng chỉ thuộc được chừng nớ lời bài hát, bởi hồi đó tuổi như tôi là một trong những đứa em thơ nô đùa đến trường nên nghe người lớn hát mà hát theo vậy thôi. Mấy người bạn lớp tôi mê đàn hát cỡ Cao Huy Cường, Đặng Văn Cường hay Hoàng Quang Huy cũng chỉ nhớ mang máng chứ không thuộc hết bài. Một bài “Tam Giang ca” đã đi vào lòng người dân quê mà giai điệu chỉ cần ngân lên thì quê tôi ai cũng có thể hát lại đôi ba câu để bao kỷ niệm yêu thương ùa về...

Năm 2000, Huế lần đầu mở hội Festival. Tôi nhớ nhất là buổi giao lưu văn nghệ ở tiền sảnh Đài Phát thanh truyền hình Thừa Thiên Huế số 19 - Lê Lợi, khi nớ chị Diệu Hà làm MC và khách mời là nhạc sĩ Trần Hoàn. Tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Sơn nữ ca”, “Mùa xuân nho nhỏ”... đã đối thoại rất hóm hỉnh về những kỷ niệm với xứ Huế mà ông từng gắn bó. Sau đó nhạc sĩ ngẫu hứng hát và nhảy một sáng tác mới của mình khi ông vô Huế dự Festival: “Sau bão lụt trời lại sáng - Huế chúng mình mở hội Festival”.

Bài hát có thể chưa hay bằng những ca khúc của ông mà tôi từng được nghe, nhưng phải nói phong thái nghệ sĩ của ông lúc đó thật tuyệt vời. Có lẽ đó cũng là bài hát đầu tiên về Festival Huế…

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang
Chiều ở Phước Tích

Chiều tà buông lơi giữa đất trời, đẹp như một nét cọ thăng hoa đầy phóng khoáng trong bức tranh phong cảnh làng quê của người họa sĩ thích sống đời lang bạt. Nắng lộng lẫy vắt ngang những cành cây đang phiêu dao trong gió, rồi như tan ra, chảy loang trên mặt nước sông Ô Lâu. Tôi đứng ở bến sông làng cổ Phước Tích, nhìn sóng nước vỗ bờ man mác, nhìn hoàng hôn chảy vào miền thinh lặng của tâm hồn.

Chiều ở Phước Tích
Thả 330 ngàn con cá giống xuống sông Ô Lâu

Sáng 31/5, tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông Ô Lâu.

Thả 330 ngàn con cá giống xuống sông Ô Lâu

TIN MỚI

Return to top