ClockThứ Hai, 01/07/2019 15:53

Những trang viết bên phá Tam Giang

TTH - UBND huyện Quảng Điền phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Trại sáng tác Văn học nghệ thuật Quảng Điền. Đây là lần thứ 3, UBND huyện Quảng Điền tổ chức trại sáng tác VHNT, các lần trước được tổ chức vào các năm 2000 và 2009.

Từ hồ Thác Bà nhớ phá Tam Giang

Đoàn văn nghệ sĩ ở đầm phá Tam Giang (Quảng Điền). Ảnh: Trương Vững

Về Quảng Điền, nghe trong gió văng vẳng câu hát người xưa: “Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi!/Có ai về Sịa với tôi thì về/Đất Sịa có lịch có lề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn”... Trong những ngày tham gia trại sáng tác, các văn nghệ sĩ được ban tổ chức đưa đi thực tế khá nhiều điểm di tích văn hóa-lịch sử: Thành Hóa Châu, chùa Thành Trung, chùa Thiện Khánh, đình làng Thủ Lễ, miếu và lăng mộ Đặng Hữu Phổ, miếu thờ Nguyễn Hữu Dật, miếu Bà Tơ, làng đan lát Bao La, khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, quê hương nhà thơ Tố Hữu… Các sản vật địa phương cũng được các làng quê Quảng Điền giới thiệu: Bún Ô Sa, gạo đỏ Quảng Lợi, dưa mắm Quảng Công, dưa leo Quảng Ngạn, cá bống Tam Giang, cá ngạnh sông Diên Hồng (Quảng Phước), rau má cá lồng Quảng Thọ, ớt Quảng Vinh, mía Quảng Phú, rượu Lai Hà…

Vỉa tầng ký ức văn hóa lịch sử hàng trăm năm của cuộc đất địa linh, hương vị quê nhà cùng nắng gió sông nước sông Bồ, phá Tam Giang, hòa trong không khí Quảng Điền ngày một khang trang hơn xưa… đã tạo nên nhiều cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ. Kết thúc trại sáng tác, cuốn kỷ yếu đã kịp in 18 bài thơ, 6 bút ký, 1 truyện ngắn, 15 ca khúc, 22 bức tranh, 28 tác phẩm ảnh nghệ thuật… Các tác phẩm đề cập đến nhiều đề tài phong phú, trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, con người, đời sống xã hội. Ký ức văn hóa lịch sử bàng bạc trong các bút ký, truyện của Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Thị Duyên Sanh… Điều khá đặc biệt là họa sĩ Đặng Mậu Triết đã vẽ một lúc 12 bức tranh về hầu hết các di tích văn hóa lịch sử ở Quảng Điền: Miếu thờ Đặng Hữu Phổ, miếu thờ Nguyễn Hữu Dật, đền Võ Thánh, đền Văn Thánh, đình làng Thủ Lễ, Thiên Cẩu Thần, miếu Cô Mộ, miếu Bà Tơ… Những nhát cọ sống động, như cuốn xoắn cả ký ức và hiện tại vào chuỗi hồi ức tươi mới.

Những người con kiệt xuất của quê hương Quảng Điền luôn là đề tài gợi nhiều cảm hứng sáng tác. Hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thể hiện rõ qua bút ký của Lê Đức Thành (Hoa của đất), hay thơ của Mai Văn Hoan (Đại tướng và nhà thơ). Ký ức về nhà thơ Tố Hữu hiện lên qua bút ký của Nguyễn Quang Hà, của Phạm Xuân Phụng… Con người hiện tại gắn với những làng nghề truyền thống được khá nhiều văn nghệ sĩ sáng tác, đặc biệt là nhiếp ảnh, như đan lát Bao La (ảnh Đồng Minh Đống), nghề đánh cá, chài lưới, cá lồng, ra đồng, làm bún, chợ nổi (ảnh Trương Vững, Lê Nhật Quang, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Văn Trực…).

Cảnh đẹp của sông nước, làng quê, tình yêu quê hương lan tỏa khá nhiều trong các tác phẩm. Khung cảnh Tam Giang khỏa sóng trong tranh của các họa sĩ Trần Xuân Minh, Nguyễn Văn Sỹ, Huỳnh Tiến Hải. Những ca khúc vang lên, những âm giai thiết tha mời gọi, đồng vọng từ các ca khúc của Đại Dũng (Quảng Điền quê mẹ tôi yêu, Về làng tôi), Đoàn Phương Hải (Tự tình sông Bồ (thơ Hồ Bảo Xuyên), Tam Giang chiều hoàng hôn), Đăng Khánh (Quê mẹ), Tịnh Mỹ (Thương quá quê mình (lời Thanh Hà), Theo em về Tam Giang (lời Đức Lợi)…), Mai Ánh (Tam Giang quê em, Quảng Điền - quê mẹ yêu thương)… Cũng có những ca khúc sôi động, mang âm hưởng như đồng dao trẻ con, đẫm chất ngộ nghĩnh dân gian, chẳng hạn trường hợp của ca khúc “Long nhong chợ Sịa” của nhạc sĩ Văn Đình…

Phải nói đến một điều, riêng về ca khúc, sau 3 lần tổ chức trại sáng tác VHNT, huyện đã có trên 50 ca khúc viết về vùng đất thân yêu của mình. Một con số hết sức giàu có, xứng danh “Nhất Huế, nhì Sịa”.

Có những câu chuyện được lưu giữ trong dân gian bây giờ mới được các nhà văn ghi lại từ trại sáng tác lần này. Như một đoạn trong bút ký của Nguyễn Quang Hà: Bà Kim Ánh (gọi nhà thơ Tố Hữu bằng cậu) kể: “Tôi nói với ông Tố Hữu: “Cậu có quyền to trong tay, quê hương mình lại nghèo, cậu có cách nào giúp quê hương mình vùng dậy với”. Tôi thật lòng không ngờ ông Tố Hữu trừng mắt bảo tôi, giọng rất dữ dội: “Ai có quyền cũng dùng quyền để lo cho quê hương của mình thì đất nước này vừa tan nát vừa lụi tàn cháu ạ. Cậu không ngờ cháu lại có suy nghĩ bạc nhược như vậy, cháu phải xem lại tư tưởng của mình đi, nếu không sẽ hư hỏng con người”. Tôi phải cảm ơn cậu Tố Hữu, những ý kiến quyết liệt của ông làm tôi thức dậy một cuộc đời. Cho đến ngày nay điều đó đã rõ ràng. Thói tham nhũng đã làm bao ông lớn tự làm hỏng chính mình và con cháu mình, làm hỏng đất nước mình. Các nhà tù mở cửa cho các ông ấy là chí phải” (Về thăm nhà Tố Hữu)

Những trang thơ, có những dòng thơ thật đáng suy nghĩ. Ví như khi viếng mộ Đặng Hữu Phổ, nhà thơ Mai Văn Hoan viết:

“Mộ quan tham đồ sộ

Dân chẳng thèm ngó ngàng

Mộ ông tuy bé nhỏ

Dân tháng ngày khói nhang”

Và trong đêm giao lưu văn nghệ bế mạc trại sáng tác (12/6/2019), nhiều người không thể quên giọng thơ khắc khoải đậm chất sử thi của Phạm Nguyên Tường:

“Chữ Phúc Chúa trao về trăm họ

Về trăm năm sông núi vững bền

Cuộc đất trong hành trình mở cõi

Chúa Sãi mười năm ở Phước Yên”

(Chúa Sãi mười năm ở Phước Yên)

Đặng Ngọc Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Con đò trên phá Tam Giang

Giữa những làn sóng vỗ bập bềnh pha lẫn một chút hương vị mặn mòi của gió biển, phá Tam Giang hôm ấy lộng lẫy ánh nắng vàng rực. Dưới mái che của con đò nhỏ, chị Thương, một người phụ nữ vẫn từng ngày lặng lẽ mưu sinh nơi linh hồn của con nước.

Con đò trên phá Tam Giang
Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang

Trong 2 ngày 8-9/6, trên bầu trời đầm phá Tam Giang và biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) đã diễn ra những màn trình diễn dù lượn đầy ấn tượng, độc đáo, tạo cảm giác lạ lẫm, thích thú cho người dân và du khách.

Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang
Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024:
Quảng bá văn hóa kết hợp du lịch đặc trưng vùng đầm phá

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Festival Huế 2024, từ ngày 8 - 10/6, huyện Quảng Điền sẽ tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao độc đáo, mới lạ, mang đậm nét văn hóa sông nước của vùng quê bên chân phá Tam Giang.

Quảng bá văn hóa kết hợp du lịch đặc trưng vùng đầm phá
Return to top