ClockThứ Năm, 13/11/2014 11:37

Nguyễn Xuân Thâm - nhà thơ tài hoa xứ Huế

TTH - Lần giở “Tuyển tập Thơ” (NXB Hội Nhà Văn, 2014) mà nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm vừa gửi tặng, không khỏi ngạc nhiên khi đọc những dòng tiểu sử vắn tắt nơi bìa gấp: Nguyễn Xuân Thâm (Đỗ Hữu), sinh 1936 ở Huế; quê bố: An Thuận, Hương Toàn, Hương Trà, Thừa Thiên Huế; PGS.TS dạy Trường đại học Bách khoa Hà Nội; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2002 (tập thơ Tìm Trầm), Giải nhất Thơ Báo Lao Động 1964…
 
Tuổi thơ tám, mười tuổi ông đã xa quê. Mười tám tuổi ông lên chiến khu Hòa Mỹ rồi ra học ở Nghệ An, đỗ Trường đại học Bách Khoa Hà Nội khóa 1. Học tự nhiên nhưng ông làm thơ nhiều và nghiệp văn của ông đi rất thoáng. Ông có thơ in báo rất sớm với bút danh Dao Ca, Đỗ Hữu. Về sau ông lấy tên thật hy vọng qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, những người thân ở miền Nam biết được ông còn sống. Quả nhiên có người đọc báo, nghe đài thấy có nhắc đến ông, cả họ hàng bà con mới biết ông đang sống ở miền Bắc. Năm 1951, khi mới mười lăm tuổi, đang là học sinh Trường Quốc Học Huế, ông đã có hai bài thơ “Hải Vân” và “Rừng chiều” in trong giai phẩm “Nhân loại” phát hành tại Hà Nội. Tiếp đó có thơ trên báo “Đời mới”, “Mới”, “Thẩm mỹ”... Năm 1953-1954 thường xuyên cộng tác với tuần báo “Nhân loại” do thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết chủ biên. Ngay khi mới xuất hiện, ông đã có những câu thơ được bạn viết cùng thời thán phục: “Người có theo tôi lên dốc nắng/Nhìn xem hoa rải sắc trên đường/Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm/Lá đổ sau lưng một trận vàng”…
Bài thơ đầu tiên Nguyễn Xuân Thâm in trên Báo Văn Nghệ năm 1960 là “Núi đá Cánh Diều”. Những năm 1964 và 1965, NXB Văn Học cho in tập thơ “Sức Mới” để tập hợp và khẳng định lớp nhà thơ trẻ ra đời, đã chọn thơ ông. Năm 1967, tập “Thơ chống Mỹ cứu nước, 1965-1967” do Chế Lan Viên tuyển chọn, tác giả nào được in trong tuyển thì vinh dự vô cùng. Có tám nhà thơ trẻ dạo ấy được in hai bài trong tập, như: Thái Giang, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Ngọc Cảnh, Văn Thảo Nguyên, Hoài Anh và Nguyễn Xuân Thâm. Hai bài thơ “Rông chiêng” và “Cái chết của em Dần” của ông là hai bài thơ ám ảnh. Đặc biệt, hình tượng em Dần chết vì bom giặc thả vào lớp học, khi trong túi áo em còn hai củ khoai chưa kịp ăn như những nét dao sắc cứa vào tâm trí người đọc…
Rồi ông được cử đi làm chuyên gia giáo dục ở Ăng-gô-la. Xứ sở châu Phi nóng như lửa và nhiều ruồi vàng khiến ông ủ bệnh. Đi xét nghiệm, thì hay ông bị ung thư vào giai đoạn cuối. Vậy mà ông bình tĩnh, lặng lẽ chiến đấu với tử thần đến cơ hội cuối cùng. Ông chấp nhận mổ cắt đi nửa trên hàm trái, chiếu xạ gia tốc và dùng nấm linh chi như một liệu pháp sinh tử. Không biết là cơ duyên hay bởi ý chí chiến đấu của ông, một năm sau, ông dần khỏi bệnh. Những khối u trên cằm dần biến mất. Những ngày chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo ấy, ông đã viết như chạy đua với cái chết. Tập thơ “Tìm trầm” của ông ra đời trong bối cảnh đặc biệt đó. Nó là tập thơ được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2002.
Năm 2003, ông cho ra mắt tập “Thơ với tuổi thơ” (NXB Kim Đồng). Năm 2009, ông cho xuất bản tập “Chợt nhớ sâm cầm”. Trong một bài thơ viết về xứ Huế, thơ ông dồn lên niềm khắc khoải: “Tôi trở về/Em khóc bên dòng sông/Chiều như bao chiều Huế/Mây bay trên những cửa thành…”
Nhà thơ Trần Phương Trà kể: Hồi đó làm biên tập chương trình Tiếng thơ, Trần Phương Trà đã thu thanh nhiều bài thơ của Nguyễn Xuân Thâm. Bài Cheo Reo do nghệ sĩ Châu Loan trình bày là một trong nhiều bài được phát thanh nhiều lần với mấy câu mở đầu:
Cheo Reo
Thưa thớt những buôn nghèo
Những Ma Chen, Ma Thít
Voi đi trong lũng hẹp.
Người Cheo Reo như cây mì...
Nhà văn Đỗ Chu kể, ấn tượng nhất của Nguyễn Xuân Thâm đối với ông là hình ảnh nhà thơ hai tay đút túi quần, giọng Huế nhẹ nhàng đọc mấy câu thơ lúc nghe nhạc Trịnh: “Nhà ai Khánh Ly hát/ thảng thốt trời xanh trên mái nhà thờ”.
Thơ ông hay nhưng cái duyên bạn đọc không nhiều. Nhà thơ Chế Lan Viên từng phải kêu lên: “Thơ có lắm bài hay, nhưng nào ai biết đến đâu”…
Năm 1964, Báo Lao Động tổ chức cuộc thi thơ rất sôi động. Nhiều cây bút lừng danh cũng dự thi. Ban giám khảo toàn là các nhà thơ cự phách như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận... Vậy mà chùm thơ ông được xét giải cao. Chính nhà thơ Chế Lan Viên thông báo cho ông bài thơ “Đảo con gián” được giải nhất, cả hội đồng chấm thi đều nhất trí cho điểm cao. Năm 1996, tập thơ thiếu nhi “Con gà đất bảy màu” của ông được NXB Kim Đồng trao giải thưởng.
Võ Triều Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới

Cách đây 8 năm, ngày 19/5/2016, Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” (1802 - 1945) được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. ​

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới
Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng đại diện một số sở, ban ngành và người dân, du khách đã tham gia lễ rước hoa sen và dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế) sáng 19/5.

Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ
Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ

Ngoài những di tích, những di sản văn hóa phi vật thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tình yêu thương bao la của Người dành cho Nhân dân Thừa Thiên Huế, những hồi ức của Người với vùng đất Thừa Thiên Huế còn có tình cảm đặc biệt của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người gồm hàng ngàn trang tư liệu viết và những câu chuyện kể. Đó là lòng tôn kính, tình cảm của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động thờ cúng trong mỗi gia đình sau khi Người qua đời.

Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ
Khai hội Dương Nỗ - hành trình tháng 5

Làng Dương Nỗ là một địa danh không thể thiếu trong trong tiểu sử của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất - Hồ Chí Minh.

Khai hội Dương Nỗ - hành trình tháng 5

TIN MỚI

Return to top