Cảm ơn tiếng “king king king…” đã thay đồng hồ báo thức mà mọi ngày Mai không quên cài sẵn giờ dậy để lo toan mọi việc nhà trước giờ công sở. Có lẽ hôm qua, mải dạy con trai nhỏ học đánh vần tiếng Việt chuẩn bị tinh thần tự nguyện quay trở lại trường mầm non sau thời gian dài nghỉ dịch. Thanh âm tạo ra từ nghề đục đẩy trầm hương của nhà hàng xóm vốn đã rất quen thuộc với Mai, nhưng mấy ngày nay bặt tiếng. Họ có việc vào miền núi Tây Nguyên để kết nối thông gia và thắp nén nhang cho con dâu chưa kịp hành lễ gia tiên đã phải về với đất, để lại đứa con trai non chưa đủ kỳ sinh nở, ở tuổi đôi mươi. Sinh lão bệnh tử âu cũng là lẽ tự nhiên của vòng đời một con người, nhưng sự đến sự đi không giống nhau, có cảnh thanh thản, nhẹ nhàng, lại có cảnh khắc khoải, nặng mang…
Cô gái ấy và con trai nhà hàng xóm gặp nhau, yêu nhau tại Sài thành, nơi sầm uất nhất nhì của cả nước. Chàng trai xứ Huế trầm tích kinh thành một thuở gặp cô gái xứ hoa Đà Lạt mộng mơ... Họ hẹn ngày về ra mắt gia đình hai họ để tính chuyện trăm năm thì bùng dịch COVID-19 lần thứ tư. Họ chờ đợi và sinh linh trong cơ thể người mẹ lớn dần. Điều oái oăm, cô gái ấy lại bị bệnh nan y nhưng vì tình yêu đích thực và sức mạnh của sự hồi sinh trong cô mà cô đã vượt lên chính mình. Hôm, cách phẫu thuật lấy thai nhi chỉ mấy tiếng đồng hồ, con trai hàng xóm chạy về nhà lấy thêm vài thứ đồ cần thiết, luôn tiện đến chào em trai của Mai, bạn cùng trang lứa, vừa về nhà sau bốn năm đại học, giấu nỗi đau sau nụ cười, chàng trai nói rằng, vợ mình sắp sinh em bé. Rồi, sáng sớm hôm sau, nghe tin cô gái đi rồi, gia đình mong muốn được đưa linh cữu về đất mẹ Lâm Đồng, vì nhà độc chỉ một con nhưng không biết xoay xở ra sao trong mùa kiểm dịch nghiêm ngặt, phương tiện giao thông khó khăn. Nhà Mai đã nhờ CDC Huế hỗ trợ chuyến xe, việc nhỏ thôi nhưng cảm thấy ấm lòng…
Dồn việc sau nghỉ song chính là dồn áp lực mưu sinh của một gia đình có 10 thành viên, hai mẹ già, lại thêm một trẻ sơ sinh, họ phải làm từ sáng sớm đến tối khuya mịt. Đa thanh trầm bổng của nỏ đục, xăm xúc, soi vuốt tạo nên những bản nhạc sinh động của một nghề vị nhân sinh nhưng không kém phần nghệ thuật này. Phải những người đam mê, kiên trì, nhẫn nại mới có thể ngồi gập lưng, cúi đầu bao lâu cũng chịu như thế. Tất cả đều làm thủ công và không bỏ đi thứ gì từ cây dó bầu. Vỏ và xác không có dầu thì phơi khô, xay mun nặn thành nhang tháp, nhang cây để thắp trong các dịp tết, tế, lễ; phần có tinh dầu được trau chuốt cẩn thận để chuyển đến những nơi chế xuất ra nhiều công dụng, chức năng khác nhau trong các lĩnh vực y dược, mỹ phẩm, nước hoa, nhiên liệu,… Tùy kích thước của từng phần gỗ cây ấy mà họ tạo ra các hình thể khác nhau, nhiều lúc, như là những bức tượng mộc động đa cảm xúc, cuốn hút ngút ngần…
Và, làn thơm hương của tinh dầu trầm càng bay xa bay cao, vào thế giới tỉnh thức trong lành, vào giấc ngủ nồng của trẻ sơ sinh trong chiếc nôi tre, vào cả mênh mang đất trời. Mong thêm mùa bình an, chan chứa tình đời, tình người.
Kê Sửu